| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế nông hộ dần đến hồi kết, không thể giàu được bằng nông nghiệp manh mún!

Thứ Sáu 17/02/2017 , 14:30 (GMT+7)

Hiện nay nông dân đang coi quyền sử dụng đất nông nghiệp như một dạng tư hữu. Sản xuất cái gì trên thửa đất đó là quyền của họ. Bởi thế mà mỗi mảnh ruộng tựa như một “pháo đài” bất khả xâm phạm. Hộ trồng hành, hộ trồng dưa, hộ trồng ngô, hộ trồng bí, hộ trồng khoai tây, hộ trồng cây ăn quả, cây cảnh…

Mỗi mảnh ruộng một “pháo đài”

Có sống được bằng nông nghiệp kiểu manh mún không? Câu trả lời đã dần sáng tỏ.

Ông Phùng Văn Biên - Trưởng thôn Cổng Sau (Hướng Đạo, Tam Dương, Vĩnh Phúc) thống kê xóm có 226 hộ, trong độ tuổi lao động có khoảng 270 người nhưng phần đa chỉ chịu làm nông dân khi đã 40, 50 tuổi chứ còn trẻ thì không.


Một nông dân đang chuẩn bị cho bữa cơm tối.
 

Đến ngay như ông bà trưởng thôn đã trên dưới 60 tuổi cả rồi nhưng vẫn không được nghỉ vì phải tất tả với 6 sào ruộng và 1 con bò, 2 con lợn sề. Đứa con trai làm nghề lái xe tải còn cô con dâu là công nhân thường xuyên đi từ 7h sáng đến 6-7h tối. Trong tổng thu nhập của cả nhà chừng 13 triệu/tháng thì ông bà chỉ đóng góp được khoảng 1-2 triệu nhờ con bò, con lợn. Rõ ràng nông nghiệp đang dần yếu thế trong cái “giỏ” thu nhập của người nông dân hiện nay.

Nông thôn giờ ngày càng nhiều tầng lớp trẻ không còn biết cày bừa, biết ba sôi hai lạnh nên những người như chị Nguyễn Thị Huệ thành một của hiếm. Ngoài 4 sào ruộng chị vẫn chăm thêm 10 con lợn và kiêm luôn nghề chính là mổ gà đi bán. 2h sáng chị đã dậy nấu nước sôi làm thịt một lúc 20 con gà để rồi đầu chẳng kịp chải, cơm chẳng kịp ăn chở đi giao bán trên phố đến trưa mới xong.

Nhảo về nhà nấu cơm ăn chiều chị lại ra đồng, tối lại đến trại hay đại lý bắt gà để khởi đầu vòng quay của một ngày mới. Ngủ tối 3-4 tiếng, ngủ trưa được 1 tiếng, trung bình mỗi ngày chị thu nhập được khoảng 200.000đ nhưng hầu như không có đồng nào từ đồng ruộng.

Công thức chung của người dân trong xóm là làm ruộng để có tí thóc sạch ăn và chăn nuôi thêm để lấy tiền sinh hoạt. Cách đó ba, bốn năm về trước tính công làm lãi mỗi hộ một năm cũng được 10-20 triệu nhưng một hai năm nay không âm vốn đã là may. Tính ra 10 đồng thu nhập của người nông dân thì trước nông nghiệp chiếm 3-4 đồng nay chỉ khoảng 1-2 đồng.
 

Lời giải nào?

Nông dân như những con chim bay dò dẫm trong đêm, số ít tìm được lối thoát còn phần đa va đập vào vách núi, cành cây, chịu đau đớn một mình. Họ không có những cộng đồng kiểu hiệp hội ngành hàng hay tổ hợp tác giúp đỡ để tổ chức khâu đầu vào và đầu ra.

Nhiều người tuy đã năng động chuyển đổi sang làm nghề khác nhưng vẫn không đủ dũng khí để chuyển nhượng đất cho người khác hay thuê người làm. Bài toán tích tụ đến đây vẫn còn nhiều loay hoay. Nông nghiệp hiện nay là dạng dàn hàng ngang mà tiến chứ không phải là mô hình đàn chim bay hình chữ V với con đầu đàn làm động lực dẫn kéo.

Ông Nguyễn Văn Chúc-  Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc cho rằng: Dồn điền đổi thửa ngày nay đang dẫm vào vết xe đổ của thủa trước, rất khó thực hiện. Dồn điền đổi thửa xong được cái gì? Được trước mỗi mảnh 1 sào giờ thành 2-3 sào. Vẫn còn manh mún. Bởi thế dồn điền đổi thửa không phải là cái đích cuối cùng mà chỉ là nền tảng cho việc tích tụ ruộng đất.

Cần có cơ chế tích tụ, mua bán đất nông nghiệp thật thông thoáng, không nhất thiết rườm rà thủ tục như mua bán đất thổ cư mà chỉ cần có chứng nhận của xã là có thể cấp sổ đỏ. 35-40 tuổi giờ đã là đối tượng “hàng thải” của các khu công nghiệp nên người dân thường nghĩ tới đường lui trở về làm ruộng. Bởi thế, muốn tích tụ theo ông Chúc phải giải quyết vấn đề lao động. Một mặt có chính sách “bắt” doanh nghiệp cam kết sử dụng lao động địa phương tới khi hết tuổi quy định, mặt khác phải đào tạo nghề cho những ai muốn ly nông.

Tích tụ đất cũng chỉ được phần nào đó thôi, không thể triệt để được vì tính cố hữu bám ruộng của nông dân nên cần có cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết dọc giữa doanh nghiệp với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ và liên kết ngang giữa nông dân với nhau để tránh mỗi người một phách, chất lượng không đồng đều, số lượng nhỏ lẻ, khó xây dựng thương hiệu. Nên hình thành các HTX kiểu mới có người đứng đầu tập hợp, có doanh nghiệp tham gia vào với quy mô từ 50-100 ha trở lên.

Đi theo hướng ấy ở Vĩnh Phúc có mô hình liên kết trồng thanh long ruột đỏ ở Lập Thạch, mô hình trồng ớt xuất khẩu của Cty Dũng Đạt ở Tam Dương và đáng kể nhất là chuyện nông trường Tam Đảo mở rộng cửa để liên kết với doanh nghiệp.
 

“Tuần trăng mật” đầy kịch tính

Khi tôi đến trụ sở Cty Dũng Đạt cũng là lúc mấy chục con người ở đây đang bận rộn đóng gói ớt để chuyển vào kho lạnh đưa đi xuất khẩu. Hiện Dũng Đạt có 60 ha nguyên liệu nhưng chỉ có 10 ha là của mình (thuê lại đất từ một doanh nghiệp khác) còn lại 50 ha đất phải liên kết sản xuất với dân theo phương thức doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư, kỹ thuật rồi thu mua lại sản phẩm theo giá ký kết từ trước.

18-51-53_dsc_7194
Đóng gói ớt ở Cty Dũng Đạt
 

Tính thiếu bền vững của công thức liên kết này là doanh nghiệp luôn ở thế nắm đằng... lưỡi của con dao. Hễ giá bên ngoài thấp thì nông dân sẽ bán hết sản phẩm cho doanh nghiệp còn nếu giá bên ngoài cao thì sẽ lén bán ra ngoài để thu lợi…

Nông trường Tam Đảo nổi tiếng ngày xưa nay đã trở thành Công ty TNHH 2 thành viên Đầu tư Sản xuất và Phát triển Nông nghiệp Vineco Tam Đảo gồm nhà nước (tỉnh) và doanh nghiệp (Vineco). Một số người đứng ngoài nhận định bởi đất không được định giá mà tính tài sản bên trên của diện tích 400 ha nên chỉ có hơn 30 tỉ đồng, rất thấp đó là vốn nhà nước.

Còn doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu sẽ tính vào vốn góp bấy nhiêu. Công nghệ cao cần các khu nhà lưới trị giá hàng trăm tỉ thì cán cân tỉ lệ vốn giữa nhà nước và doanh nghiệp ngày càng nghiêng lệch. Quyền quyết định sẽ thuộc về doanh nghiệp và họ “được không” mặt bằng sạch mà không phải mất nhiều so với giá đền bù hiện tại đang là 73 triệu/sào tương đương 2 tỉ/ha.

Tuy nhiên mọi sự không đơn giản như thế. Một người trong cuộc cho hay. Trên diện tích 400 ha ấy doanh nghiệp mới chỉ thực hiện sản xuất được khoảng trên 70 ha. Có vô số những khó khăn như những người nhận khoán đất và công nhân của nông trường nhận đất nay muốn thu hồi lại ngoài phần hỗ trợ khoảng trên 200 triệu/ha, doanh nghiệp còn phải chịu tiền thuê đất hàng năm, phải đảm bảo công ăn việc làm, đóng bảo hiểm xã hội cho họ.

Bởi thế mà tiếng là “được không” mà lại tốn kém và khó làm hơn nhiều so với mô hình nhà nước đứng ra thuê đất của dân như Hà Nam. Ở đó chủ tịch huyện, xã đứng ra ký kết rồi bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp thuê lại bằng với giá thuê của dân (khoảng gần 20 triệu/sào/20 năm) mà không phải đóng thêm bất kỳ khoản nào khác. Doanh nghiệp chủ yếu thuê nhân công theo thời vụ chứ không phải nặng gánh tạo công ăn việc làm cũng như đóng bảo hiểm xã hội cho nông dân...

Thực tiễn tích tụ đất đai đang diễn ra nhưng rất chậm chạp và gần như tự phát từ doanh nghiệp cho đến hộ gia đình, nơi chui lủi, nơi dùng đủ mọi kỹ xảo. Trong cuộc chơi này sẽ phải chấp nhận có người nhận tích tụ rồi bị phá sản, bị đào thải, phải bán lại đất cho người khác. Từ đó một đội ngũ làm nông chuyên nghiệp mới có cơ được thành hình.

Tích tụ đất đai thế nào để không có các hệ lụy thứ cấp kèm theo là một vấn đề hết sức đau đầu. Thuê tạm thời, bán tạm thời chỉ được mỗi ưu điểm là nông dân có gạo sẵn để ăn. Tuy nhiên họ sẽ bị nô dịch vào tính chủ quan là gạo ăn sẵn có nên không chịu năng động nữa.

Đúng ra bán đứt đất đi rồi, đêm nằm suy nghĩ, giật mình toát mồ hôi, ngày mai phải tính một việc khác để làm. Đã làm là sống chết với nghề bởi không còn đường về làm ruộng nữa.

Còn người tích tụ nhờ mua bán đất thì yên tâm là có bìa đỏ xác nhận quyền sử dụng của mình từ đó yên tâm mua sắm máy móc, trang thiết bị, vay vốn ngân hàng đầu tư lâu dài.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.