| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế tư nhân - vượt rào cản, chinh phục thách thức: Cần cơ chế đặc thù

Thứ Tư 28/06/2017 , 14:35 (GMT+7)

Kinh tế tư nhân đang giữ vai trò chủ lực trong sản xuất, kinh doanh, XK nông sản, nhưng số lượng DN tư nhân trong nông nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng số lượng DN tư nhân cả nước. Cần làm gì để phát triển mạnh các DN tư nhân trong nông nghiệp?

Mua phân bò cũng đòi hóa đơn

Có một thực tế là hiện nay, nhiều trang trại đã đạt giá trị sản xuất cũng như lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm, sở hữu đất nông nghiệp với diện tích lớn, sử dụng nhiều lao động …, nhưng lại không muốn lên DN. Vì sao vậy?

14-03-23_cn_co_che_dc_thu
Một trang trại trồng bưởi da xanh ở Bình Dương

Theo giải thích của một số chủ DN được thành lập trên cơ sở các trang trại, khi thành lập công ty, phát sinh nhiều rắc rối về mặt thủ tục, giấy tờ … Một trong những rắc rối lớn nhất liên quan tới hóa đơn đỏ.

Ông Ưng Thế Lãm là chủ một trang trại trồng thanh long sạch với diện tích 10 ha ở Bình Thuận. Mấy năm trước, ông đã từng thành lập công ty để có thể phát triển làm ăn lớn hơn. Nhưng sau khi thành lập công ty, ông đã gặp phải nhiều rắc rối liên quan tới hóa đơn đỏ mà khi còn là trang trại không hề gặp phải.

Điển hình nhất là việc mua phân bò bón cho thanh long. Khi còn là trang trại, ông vẫn thu mua phân bò trong dân với khối lượng lớn để bón thanh long, mà chẳng gặp rắc rối gì. Nhưng khi thành lập công ty, cũng với lượng phân như thế, ông lại gặp rắc rối với cơ quan thuế bởi mua phân của các hộ nông dân thì không thể nào có hóa đơn đỏ, nên bị bắt bẻ là cố tình trốn thuế. Ngoài ra còn có những rắc rối khác liên quan tới thủ tục hành chính.

Chán nản, ông Lãm đã “dẹp” công ty, trở lại làm ăn với tư cách cá nhân, là một ông chủ trang trại như trước đây.

Ngay cả nhiều trang trại, cũng vì hóa đơn đỏ mà chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi 4%. Vì theo quy định, để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này, trang trại phải có hóa đơn, chứng từ.

Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại lớn ở xã Bình Mỹ (Tân Uyên, Bình Dương) cho hay, mỗi khi cần cày xới đất trang trại, ông thường phải thuê mượn những người nông dân trong vùng chuyên làm dịch vụ này. Rồi đến mùa vụ, lại thuê thêm nhiều nhân công trong vùng đến làm thời vụ.

Với những đối tượng dịch vụ, lao động như vậy, làm sao có hóa đơn đỏ để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ưu đãi. Do vậy mà làm trang trại đã hàng chục năm nay, trở thành một nhà nông có tiếng là làm ăn giỏi ở Bình Dương, sở hữu trong tay hàng chục ha đất nông nghiệp …, nhưng ông Chiến chưa từng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi nào.

Theo tiết lộ của một DN FDI, công ty này đã liên kết với nhiều trang trại để tổ chức sản xuất theo chuỗi từ nhiều năm nay. Qua nhiều năm hợp tác làm ăn, nhiều trang trại đã phát triển lên quy mô lớn, có doanh thu hàng chục tỷ đồng. Với những trang trại như vậy, công ty đã gợi ý, khuyến khích họ thành lập doanh nghiệp để mở rộng thêm quy mô, tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh … nhưng các chủ trang trại đều không mặn mà với điều này.

Ông Võ Quan Huy, GĐ Cty TNHH Huy Long An, cũng xác nhận, hiện nay rất nhiều dịch vụ mà các DN nông nghiệp, trang trại đang phải thuê mượn bên ngoài như cày xới đất, thu hoạch nông sản, thu mua phân bò … không thể nào có hóa đơn đỏ. Bởi những người cung cấp các dịch vụ ấy là cá thể, hộ nông dân. Do đó, hóa đơn đỏ đang làm khó rất nhiều cho các DN đầu tư sản xuất nông nghiệp, trang trại, nhất là trong việc tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi.
 

Vẫn mắc ở 2 khâu- vốn và đất

Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Hùng Vương, với tính chất rủi ro cao, đầu tư vào nông nghiệp mang nhiều tính mạo hiểm, vì vậy, nếu không có những chính sách đặc thù, khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, nền nông nghiệp nói chung, khó phát triển được.

Ông Minh cho rằng 3 vấn đề cơ bản nhất cần phải tháo gỡ để thu hút tư nhân đầu tư, tham gia vào nông nghiệp là đất đai, vốn và thuế. Cả 3 vấn đề này cần phải có cơ chế đặc thù. Nói tới nông nghiệp, đầu tiên phải là đất đai. Do đó, cần có cơ chế tạo nguồn đất sản xuất, kinh doanh cho DN đầu tư vào nông nghiệp.

Về vốn, thì ngân hàng phải có sự thay đổi theo hướng mạo hiểm hơn trong cho vay nông nghiệp để thích ứng với nhu cầu vốn của các DN nông nghiệp. Về thuế, để thu hút tư nhân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nhà nước có thể xem xét không thu thuế lợi tức trong một khoảng thời gian nào đó.

Như vậy, nhà nước cũng sẽ không mất gì, vì nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp giải quyết các vấn đề lớn của ngành nông nghiệp nói riêng và xã hội nói chung như tạo sản phẩm chất lượng cao, khối lượng lớn có thể cạnh tranh được ở cả thị trường nội địa lẫn XK, đáp ứng yêu cầu ATTP …

PGS.TS Võ Trí Hào (ĐH Kinh tế TP HCM), cho biết, một hạn chế lớn đối với DN đầu tư vào nông nghiệp là họ chưa được tham gia chuyển nhượng đất nông nghiệp. Vì vậy, cần có cơ chế để DN được tham gia chuyển nhượng đất nông nghiệp, được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, qua đó thúc đẩy sự tích tụ đất đai để sản xuất lớn.

Đây cũng chính là nỗi trăn trở của ông Võ Quan Huy, GĐ Cty TNHH Huy Long An, vì hiện ông đang sở hữu khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp ở 6 tỉnh, nhưng với chính sách đất đai hiện nay, ông đang phải “lách luật” trong việc đem đất đi thế chấp vay vốn ngân hàng. Do đó, ông Huy mong muốn nhà nước mạnh dạn mở rộng hạn điền, giao quyền sử dụng đất cho cả DN để có cơ sở pháp lý về quyền sở hữu đất đai khi làm việc với các đối tác.

Ông Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc (Long An), cũng cho rằng phải có cơ chế để DN được tham gia chuyển nhượng đất nông nghiệp. Bởi hiện nay, DN có nhu cầu tích tụ để sản xuất lớn hơn là nông dân. Nguồn đất công hiện đã không còn, nếu không cho DN được quyền tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, làm sao có thể tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn.

Theo TS Bùi Quang Tín (ĐH Ngân hàng TP HCM), vai trò của các hiệp hội trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân là rất quan trọng. Theo đó, cần có sự điều chỉnh về vai trò của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp nói chung và hiệp hội trong nông nghiệp nói riêng. Những hiệp hội này phải có vai trò bảo vệ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

 Nhà nước có thể chuyển giao cho các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp nhưng công việc cụ thể để thúc đẩy kinh tế tư nhân như xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đào tạo thông tin, xây dựng các chuỗi liên kết … Hiệp hội không nên tiếp tục là “cánh tay nối dài” của hành chính, không tồn tại mang tính hình thức, mà phải thực sự là công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm