| Hotline: 0983.970.780

Kịp thời xử lý môi trường

Thứ Tư 09/10/2013 , 11:11 (GMT+7)

Ngay sau khi lũ rút, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và đoàn công tác các sở, ban, ngành đã trực tiếp về Tĩnh Gia chỉ đạo công tác khắc phục, trong đó chú trọng xử lý môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tĩnh Gia cho hay, đợt lũ vừa qua toàn huyện có 9 thôn với 5.784 hộ dân bị ngập; hơn 3.800 giếng nước và 4.338 công trình vệ sinh bị ngập lụt, ảnh hưởng lớn đến môi trường trong khu vực.

Vì thế, ngay sau khi lũ rút, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và đoàn công tác các sở, ban, ngành đã trực tiếp về Tĩnh Gia chỉ đạo công tác khắc phục, trong đó chú trọng xử lý môi trường; nhất là nguồn nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt trước mắt của bà con.

Theo đó, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và huyện Tĩnh Gia kịp thời cấp 132 kg (bột) và hơn 10.000 viên Cloramin B cho các xã xử lý nguồn nước; huy động lực lượng, phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn người dân thu gom, xử lý, chôn lấp xác động vật; sử dụng vôi bột vệ sinh khu vực vườn nhà, chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh…


Nhờ xử lý kịp thời nhân dân vùng lũ Tĩnh Gia đã có nước sạch sử dụng

“Với phương châm nước lũ rút đến đâu xử lý môi trường đến đó, nên tỷ lệ người dân vũng lũ Tĩnh Gia sử dụng nguồn nước ô nhiễm tắm giặt, ăn uống đã được hạn chế đến mức thấp nhất”, ông Thiệp nhấn mạnh.

Anh Lê Chương Hiển, thôn 5, xã Tân Trường nói: “Vừa rồi nhà tôi ngập sâu hơn 1,5 m, rất may cái bể trên cao không bị ngập nên khi lũ rút còn có nước để nấu ăn. Sau đó cán bộ y tế kịp thời đưa hóa chất về xử lý nên giờ cả gia đình an tâm sử dụng nước bơm từ giếng lên”.

Theo anh Hiển, thôn 5 là một trong những thôn bị ngập sâu nhất, bởi đây là khu vực thấp trũng, đường sá đi lại khó khăn nên khi lũ rút việc dọn dẹp nhà cửa, xử lý xác động vật chết gặp rất nhiều khó khăn. Còn nguồn nước ăn uống, một số hộ phải xách can đi mua ở nhà máy nước, số còn lại thì chờ cán bộ y tế xã, thôn xuống hỗ trợ xử lý mới dám dùng.

Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh sau lũ, ông Nguyễn Văn Thiệp khuyến cáo người dân: Cần thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo ATVSTP, thường xuyên rửa tay với xà phòng, nhất là đối với trẻ em nhằm hạn chế các bệnh liên quan đến tay chân miệng. Triển khai thau rửa bể nước, giếng nước và dùng cloramin B hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sinh hoạt và ăn uống.

Đồng thời, chủ động, tự giác thu gom, xử lý, chôn lấp xác động vật. Phun hóa chất diệt côn trùng, vật chủ trung gian truyền bệnh tại những vùng có nguy cơ. Kịp thời phát hiện, dập tắt các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm; đề phòng dịch tả, thương hàn, lỵ...

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bồn nước nghĩa tình cho bà con vùng hạn mặn Bạc Liêu và Cà Mau

Báo Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Tân Á Đại Thành tiếp tục đồng hành trao tặng bồn nước và máy lọc nước cho người dân 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.