| Hotline: 0983.970.780

Kon Tum: Lâm tặc đánh chủ rừng... gần chết

Thứ Hai 27/02/2012 , 10:47 (GMT+7)

Không chỉ đánh chủ rừng, 30 lâm tặc còn tấn công công an huyện, xã, dân quân du kích và cả… Phó Chủ tịch huyện.

Gần 30 tên lâm tặc đánh đập dã man anh Hồ Thanh Vương (SN 1981) - Phó Ban Quản lý rừng Phòng hộ (Ban QLRPH) Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi - Kon Tum). Chưa hết: Chúng còn tấn công cả lực lượng gần 40 người gồm công an huyện, xã, dân quân du kích và cả… Phó Chủ tịch huyện.

23/2: ĐÊM HÃI HÙNG

Sau khi đi kiểm tra thực tế việc phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn, anh Hồ Thanh Vương cùng 3 cán bộ QL - BVR của Ban là Nguyễn Hữu Thế, Trần Đức và Ayuet về lại nhà A Tủ ở thôn Gia Tool, xã Đăk Ang (nhà A Tủ được Ban QLRPH Đăk Ang mượn để làm điểm kiểm soát lâm sản của Ban). Tắm rửa và ăn cơm xong, 4 anh ra thềm ngồi hóng mát uống nước. Khoảng gần 20 giờ (tối 23/2), các anh thấy rất nhiều thanh niên tiến vào nhà A Tủ, trên tay của ai cũng lăm lăm dao rựa, mã tấu hoặc gậy gộc…

Biết là bọn lâm tặc tấn công mình, cả 4 anh bỏ chạy. 3 người kia chạy thoát. Riêng anh Vương chạy ra cửa sau thì gặp rất nhiều đối tượng, bị chúng đập một gậy vào đầu, anh Vương bị choáng và ngã gục xuống đất. Lập tức, cả bọn nhào vào đánh “hội đồng” mình anh Vương. Tiếp đó, chúng túm tóc, lôi anh Vương ra bãi cát Đăk Gô (nơi hợp lưu của suối Đăk Na chảy vào sông PôKô (cách đó gần 1km) tiếp tục đánh đập dã man. Lúc này, anh Vương chỉ còn cách đưa 2 tay ôm đầu để tránh đòn hiểm. Bọn chúng đánh cho anh Vương đến ngất xỉu, tưởng rằng anh đã bị chết nên bỏ đi. Anh Vương kể: “Trước khi bị ngất, tôi nghe một đứa trong bọn nói lấy rựa chém chết tôi, nhưng nhiều người can lại”. Khi tỉnh lại, anh Vương bò lên bờ sông, về thôn và liên lạc với đồng đội. 

Anh Vương với thương tích đầy mình, đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi

Anh Nguyễn Hữu Thế kể: May mắn chạy thoát, nghe anh Vương kêu cứu thì xót lắm nhưng không dám vào cứu vì bọn chúng quá đông và có nhiều hung khí (khoảng gần 30 tên thay nhau đánh anh Vương). 3 anh chạy thoát bèn gọi điện cho Công an và đồng nghiệp đến cứu anh Vương. Nhận được tin báo, lập tức, một đoàn cán bộ gần 40 người gồm UBND huyện Ngọc Hồi, Công an huyện, Công an và dân quân xã, Kiểm lâm huyện và cán bộ Ban QLRPH Đăk Ang tủa ra đi tìm anh Vương. Trong lúc đoàn đi tìm kiếm, bọn lâm tặc nằm phục hai bên đường, dùng đá ném đến nứt kính xe ô tô của Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi; anh Đinh Quốc Hoàn - Xã đội trưởng xã đội Đăk Ang bị chúng ném đá vào đầu gây thương tích…

Ông Vũ Đình Chi - Trưởng Ban QLRPH Đăk Ang cho biết: Khi nhận được điện thoại kêu cứu của anh Vương, lúc đó đã là 1g30 sáng 24-2. Anh Vương được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương: Đầu, mặt, gáy bị thâm tím và sưng to, toàn thân bầm dập, hai chân chi chít vết thương, hai tay sưng vù, tan nát vì phải ôm đầu để đỡ đòn…

Ông Chi cho biết thêm: Sau khi đưa anh Vương vào bệnh viện, anh em ra khu vực bãi cát Đăk Gô (nơi anh Vương bị đánh đến ngất xỉu), phát hiện 16 hộp gỗ nhóm 3 và 4 (khoảng gần 2 khối), bọn chúng khai thác và tập kết tại đây nhưng chưa kịp tẩu tán.

ĐIỂM NÓNG ĐĂK GÔ

Bãi cát Đăk Gô (còn gọi là ngã ba Đăk Gô) là nơi giáp ranh giữa 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei. Đây là nơi suối Đăk Na hòa vào dòng PôKô hùng vỹ. Ông Chi cho biết: Đây là điểm nóng, nơi tập kết gỗ lậu - không chỉ của 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei, mà gỗ lậu từ huyện Tu Mơ Rông cũng được tập kết về đây bằng đường sông, sau đó chúng dùng xe lén lút vận chuyện đi tiêu thụ ở nơi khác.

Thông thường, bọn chúng lén lút khai thác vào ban đêm. Việc khai thác gỗ lậu được chúng tổ chức hết sức bài bản với 3 nhóm: Một nhóm cưa, hạ gỗ trong rừng, nhóm thứ hai có nhiệm vụ kéo gỗ ra bờ sông. Nhóm thứ ba ở dưới sông, khi gỗ được nhóm thứ hai thả xuống sông, nhóm thứ ba buộc gỗ vào những chiếc “phao” khổng lồ - những chiếc ruột - lốp ô tô đã được bơm căng. Từ đây, gỗ không nổi trên mặt nước, cũng không chạm đáy sông, được nhóm thứ ba “dìu” về ngã ba Đăk Gô. Nhóm thứ ba thường đóng giả những người quăng chài, thả lưới bắt cá trên sông để “dìu” gỗ. Nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, chúng bỏ chạy, sau khi đã đâm thủng “phao” để đánh chìm gỗ xuống lòng sông. 

Tua tủa những bàn chông bằng đinh, lâm tặc rải ở ngã ba Đăk Gô để cản trở sự truy đuổi của lực lượng chức năng

Cũng có khi, lực lượng QL - BVR ít thì bị chúng tấn công lại. Điển hình như vụ tháng 8/2011: Khoảng 8 giờ tối, 3 cán bộ của Ban QLRPH Đăk Ang phát hiện một nhóm lâm tặc đang “dìu” 3 hộp gỗ trên sông. Bọn chúng bỏ chạy mà không kịp đánh chìm gỗ. 3 anh cởi áo quần, điện thoại và toàn bộ vật dụng cá nhân bỏ trên bờ, bơi ra sông để đưa gỗ vào bờ. Khi đưa gỗ vào gần đến bờ, có khoảng hơn 20 đối tượng ào đến, các anh phải bỏ chạy. Bọn chúng lấy áo quần, điện thoại của các anh, tiếp tục “dìu”gỗ đi.

Ban QLRPH Đăk Ang hiện quản lý 6.970,7 ha rừng, trong đó có 6.681 ha rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý. Trong tháng 1-2012, Ban đã phát hiện và xử lý 3 vụ khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản (gỗ) trái phép tại khu vực này. Tháng 2-2012 phát hiện và xử lý 1 vụ với khối lượng 2,4 khối gỗ sao cát đã được xẻ hộp.

Trưa 24/2, có mặt tại ngã ba Đăk Gô (nơi anh Vương bị đánh đến ngất xỉu), chúng tôi chứng kiến một “bãi chiến trường” hết sức khủng khiếp: Con đường dài khoảng 500m từ đường lớn xuống bãi cát, rất nhiều những chiếc đinh lớn, hoặc đinh được đóng tua tủa vào những tấm gỗ mà theo ông Chi: Mỗi khi có “động”, bọn chúng thường rải đinh để cản trở sự truy đuổi của lực lượng chức năng.

Ông Chi cho biết: Thời gian gần đây, lâm tặc hoạt động có vẻ thường xuyên và táo tợn hơn. Để giữ được rừng, rất cần có một Trạm Kiểm soát liên ngành đóng ở khu vực ngã ba Đăk Gô này. Hơn nữa, cần có sự hợp tác của ngành chức năng của các huyện lân cận như Tu Mơ Rông, Đăk Glei để phối hợp giữ rừng.

Cuối giờ chiều ngày 26/2, chúng tôi điện thoại cho ông Vũ Đình Chi - Trưởng ban QLRPH Đăk Ang, ông xác nhận: Đến giờ vẫn chưa bắt được đối tượng nào đánh anh Vương đêm 23/2. Còn anh Vương thì đang điều trị ở Bệnh viện 211 (Gia Lai) trong tình trạng đa chấn thương.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất