| Hotline: 0983.970.780

Krông Pa - Nườm nượp gỗ lậu

Thứ Ba 04/10/2011 , 10:52 (GMT+7)

Chỉ tính riêng trong tháng 8/2011, Hạt Kiểm lâm huyện đã xử lý gần 30 vụ mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép...

Lực lượng Kiểm lâm phát hiện và bắt giữ một xe vận chuyển gỗ lậu tại huyện Krông Pa

Mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc xe máy được độ chế phân khối lớn, đua nhau chở gỗ khai thác trái phép từ các cánh rừng về thị trấn Phú Túc và các xã ở huyện Krông Pa (Gia Lai). Theo đó, những cánh rừng nguyên sinh ngày một vơi cạn…

Theo thống kê thì huyện Krông Pa hiện còn 87 ngàn ha rừng tự nhiên, với khá nhiều loại lâm sản có giá trị. Đây chính là miếng bánh thơm tho, hấp dẫn các đối tượng khai thác gỗ trái phép. Trong suốt thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm của huyện, phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tổ chức nhiều đợt truy quét, bắt giữ và xử lý rất nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Chỉ tính riêng trong tháng 8/2011, Hạt Kiểm lâm huyện đã xử lý gần 30 vụ mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép; tịch thu gần 70 m3 gỗ (chủ yếu là nhóm I, IIA) cùng nhiều phương tiện như cưa, xe máy, xe độ chế dùng để vận chuyển gỗ. Đơn cử như ngày 15/8, Kiểm lâm huyện đã phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép hơn 3 khối gỗ căm xe thuộc nhóm II, đang trên đường vận chuyển từ huyện Krông Pa về thị xã Ayun Pa. Cố gắng là vậy, song số vụ được phát hiện và xử lý, xem ra cũng mới chỉ là bề nổi khi mà hằng ngày, từng đoàn xe máy vẫn nườm nượp vào rừng, lén lút khai thác và vận chuyển gỗ đi các nơi.

Trong vai một người chở gỗ lậu, chúng tôi đã nhập đoàn với nhiều nhóm người, sẵn sàng tiến vào rừng phòng hộ Ia Rsai (thuộc huyện Krông Pa). Từ các ngả đường vào khu rừng phòng hộ này, từng nhóm người với hàng chục chiếc xe máy đã sẵn sàng. Chúng tôi đã thuê được (mặc dù rất khó khăn) một chiếc xe máy “cà tàng”, nhưng đã được độ chế, “xoáy nòng” để nâng phân khối. Sau khi đổ đầy bình xăng, từng đoàn xe bắt đầu rồ máy, nhằm thẳng hướng rừng… thẳng tiến.

Gần mười cây số, mặc dù rất cố gắng, nhưng chúng tôi vẫn không cách nào bắt kịp với đoàn xe. Có lẽ phát hiện ra cách chạy xe và gương mặt thiếu “chuyên nghiệp” của chúng tôi nên ngay lập tức, nhiều chiếc xe máy đã dừng lại, nhìn chúng tôi bằng những cặp mắt hoài nghi, không kém phần dữ dằn. Vậy là, chúng tôi đành tìm cách… đánh bài chuồn.

Đến giữa trưa, có một số xe máy của “lâm tặc” đã vận chuyển gỗ lậu về thị trấn Phú Túc, xã Ia Rsai và một vài xã khác trong huyện. Đó là những khúc gỗ cẩm, hương, cà te, trắc đã được cưa, xẻ gọn gàng với nhiều kích thước phù hợp với việc vận chuyển bằng xe máy, phù hợp với những cung đường ngoằn nghèo từ rừng ra. Càng về chiều tối, gỗ lậu được chở về càng nhiều.

Trên một con phố trong thị trấn, nhiều người nhắc nhở: “Đứng gọn vào bên lề đi, nếu không muốn xe gỗ húc cho vỡ đầu!”. Quả thật là như vậy bởi những chiếc xe máy chở gỗ rú ga, lạng lách một cách kinh hoàng. Đã có không ít những vụ tai nạn do đám tải gỗ này gây ra. Thậm chí nếu bị lực lượng chức năng ra hiệu dừng xe, chúng sẵn sàng lao thẳng vào các cán bộ kiểm lâm, sau đó chạy trốn, bỏ lại hiện trường là xe máy, gỗ và… một vài chiến sỹ Kiểm lâm bị thương!

Điều ngạc nhiên là sự việc trên diễn ra đã từ rất lâu, ngay trước Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai- đơn vị chủ rừng, nhưng “lâm tặc” hầu như vẫn ít khi gặp phải một khó khăn nào. Lực lượng mỏng, sợ “lâm tặc” liều lĩnh, sợ gia đình vợ con bị trả thù? Phải chăng đó là lời giải thích thuyết phục nhất?

Đã từ nhiều năm nay, huyện Krông Pa không còn chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên. Qua kiểm tra, số lượng gỗ nhập về địa bàn huyện cũng không nhiều. Tuy nhiên 49 cơ sở chế biến lâm sản tại huyện vẫn hoạt động đều đặn với rất nhiều sản phẩm như xà- gồ, bàn ghế, giường tủ và vô số sản phẩm mỹ nghệ khác từ gỗ- gỗ quý.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Rsai, ông Nguyễn Đình Thuận, cho biết: “Thời gian qua, huyện và xã đã thành lập Ban công tác phòng chống khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Tuy nhiên vẫn không thể ngăn chặn nổi tình trạng khai thác và vận chuyển gỗ trái phép như hiện nay…”.

Mặc dù các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ lậu với quy mô chưa thật là lớn (chủ yếu bằng xe gắn máy), nhưng đối tượng tham gia lại rất đông, vậy nên nguy cơ xâm hại đến tài nguyên rừng là không hề nhỏ, nhất là với khu rừng phòng hộ hết sức quan trọng như Ia Rsai. Trước tình hình trên, Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho huyện, báo cáo tình hình về tỉnh. Ngoài việc tổ chức lực lượng tại chỗ, huyện còn đề nghị tỉnh tăng cường 2 đội Kiểm lâm cơ động, thường xuyên bám sát địa bàn “nóng” là 2 xã Chư Rcăm và Ia Rsai.

Tuy nhiên, đến nay tình hình vẫn chưa mấy sáng sủa. Và theo đó, những cánh rừng nguyên sinh ở huyện Krông Pa đang mỗi ngày một cạn kiệt.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất