| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên

[Kỳ 8] Người Trung Quốc và những bất ổn ở dự án điện gió nghìn tỷ

Thứ Sáu 07/05/2021 , 14:34 (GMT+7)

Lo ngại người Trung Quốc 'đổ bộ' vào các dự điện gió, người dân nhiều nơi phản đối việc thi công điện gió là những bất ổn đang hiện hữu ở Gia Lai.

Dự án phong điện HBRE từng bị người dân làm đơn tập thể không đồng ý cho lấy đất làm đường vận chuyển vật tư.

Dự án phong điện HBRE từng bị người dân làm đơn tập thể không đồng ý cho lấy đất làm đường vận chuyển vật tư.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ở đâu có dự án điện gió, ở đó có những bất ổn khó tháo gỡ. Bất ổn từ việc thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng cho đến việc xây dựng các trụ điện gió gây ảnh hưởng đến nông nghiệp, sinh kế và cuộc sống người dân.

Lo ngại người Trung Quốc “đổ bộ” vào Chư Prông

Huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai là địa phương tập trung nhiều dự án điện gió của tỉnh Gia Lai. Ngay khi các dự án được triển khai xây dựng thì cũng là lúc người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc “đổ bộ” về huyện Chư Prông ngày càng nhiều.

Theo UBND huyện Chư Prông, hiện nay có khoảng 46 người nước ngoài, chủ yếu là các chuyên gia người Trung Quốc đang tham gia xây dựng các dự án điện gió.

Người Trung Quốc thuê nhà người dân để làm văn phòng và thi công dự án điện gió phát triển miền núi.

Người Trung Quốc thuê nhà người dân để làm văn phòng và thi công dự án điện gió phát triển miền núi.

Ghi nhận thực tế tại ngã ba Bầu Cạn (xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông), nơi đây tập trung rất đông người Trung Quốc tham gia xây dựng dự án điện gió của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai. Được biết những người Trung Quốc làm việc tại đây không sống tập trung mà thuê nhà ở nhiều nơi khác nhau. Theo nhiều người dân sinh sống nơi đây, phần lớn người Trung Quốc sống khép kín, ít giao tiếp với bên ngoài.

Trước những vấn đề về quản lý người nước ngoài sống và làm việc trên địa bàn, ông Bùi Trung Kiên, Trưởng Công an xã Bầu Cạn cho biết, trên địa bàn xã hiện có 26 người Trung Quốc đang làm việc tại các dự án điện gió. Tất cả người Trung Quốc đến đây đăng ký thuê nhà ở theo diện làm việc cho các công ty điện gió.

Theo ông Kiên, việc quản lý người nước ngoài nơi đây gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc không cùng ngôn ngữ nên rất khó để nắm bắt thông tin về những người Trung Quốc sống và làm việc tại đây. Theo luật, trước khi người Trung Quốc đến làm việc tại cơ sở thì phải đăng ký qua phòng xuất nhập cảnh của Công an tỉnh, còn địa phương chỉ quản lý về mặt con người, những vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn.

Bà Trần thị Thu Hiền, Chủ tịch UBND xã Bầu Cạn cho biết, về cơ bản người Trung Quốc đang làm việc tại đây tương đối tuân thủ các quy định của địa phương ban hành. Thực tế, những người Trung Quốc chủ yếu tập trung cho công việc, ít có những hoạt động bên ngoài.

Người Trung Quốc thuê khách sạn Thành Trí (ngã ba Bầu Cạn) để làm nơi ăn ở.

Người Trung Quốc thuê khách sạn Thành Trí (ngã ba Bầu Cạn) để làm nơi ăn ở.

Ông Vũ Đình Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết, người Trung Quốc trước khi vào Chư Prông làm việc phải thông qua phòng xuất nhập cảnh của Công an tỉnh, sau đó Công an huyện sẽ tiến hành thủ tục đăng ký tạm trú. Hiện nay người Trung Quốc đang sống và làm việc rải rác ở nhiều nơi. Một số thuê nhà nghỉ ở tập trung, có số ít thì thuê nhà của người dân. Riêng dự án điện gió HBRE xây dựng hẳn một khu nhà nghỉ cho các lao động và chuyên gia Trung Quốc ở và làm việc.

"Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng người Trung Quốc trên địa bàn chưa nhiều nên cơ bản chúng tôi kiểm soát được. Còn về sau, người Trung Quốc về đây nhiều hơn thì chắc chắn công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn", ông Hạnh cho biết.

Có điện gió, có bất ổn?

Khoảng vài tháng trở lại đây, dự án điện gió Ia Pech (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) của Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Điện Xanh GL đi vào khởi công xây dựng thì cũng là thời điểm người dân nơi đây nơm lớp lo sợ về độ mất an toàn mà dự án này mang lại. Để bảo vệ sức khỏe của mình, nhiều người dân treo bảng phản đối dự án, đồng thời lập chốt ngăn cản các xe siêu trường siêu trọng chở vật tư đi vào.

Người dân treo bảng phản đối và lập chốt ngăn cản chủ đầu tư xây dựng trụ tuabin điện gió số 18 của dự án điện gió Ia Pech.

Người dân treo bảng phản đối và lập chốt ngăn cản chủ đầu tư xây dựng trụ tuabin điện gió số 18 của dự án điện gió Ia Pech.

Được biết, phần lớn người dân trong làng đều không đồng tình cho trụ tuabin điện gió số 18 của dự án điện gió Ia Pech khởi công xây dựng. Lý do, trụ tuabin điện gió số 18 quá gần với khu vực sinh sống của người dân, gây mất an toàn và không đảm bảo sức khỏe cho con người.

Bà Phạm Thị Tập (làng Ô Sơ, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho biết, người dân chỉ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện di dời trụ tuabin số 18 đi nơi khác để không ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của bà con trong vùng. Việc Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Điện Xanh GL khi vào đây xây dựng điện gió, người dân vẫn đồng tình cho lấy đất đền bù để thực hiện dự án. Mặc dù giá đền bù tương đối thấp nhưng với điều kiện công ty phải cam kết di dời trụ tuabin số 18 đi nơi khác.

“Khi làm việc với huyện, xã, chủ đầu tư cũng hứa hẹn sẽ di dời trụ số 18 và trả lời bằng văn bản cho người dân trước ngày 30/4. Thấy vậy người dân đã chấp nhận hiến đất và nhận đền bù. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không cam kết và tuyên bố vẫn sẽ làm trụ điện số 18 tại đúng vị trí ban đầu. Chủ đầu tư còn khẳng định, họ đang làm đúng theo hiến pháp và pháp luật của nhà nước”, bà Tập cho biết.

Cách đó không xa, trụ tuabin điện gió số 17 của dự án điện gió Ia Pech cũng bị người dân yêu cầu tạm dừng. Lý do, trụ tuabin điện gió này trong quá trình thi công làm trôi đất vào phần diện tích trồng cà phê của người dân. Ngoài ra, trụ số 17 thi công quá gần với trạm biến áp nên người dân cũng kiến nghị chủ đầu tư trả lời về hướng giải quyết cho phương án an toàn lưới điện khi thi công.

Trụ điện gió số 18 đang thi công thì bị người dân ngăn cản.

Trụ điện gió số 18 đang thi công thì bị người dân ngăn cản.

Lý giải về vấn đề này, ông Siu Thunh, Bí thư Đảng ủy xã Ia Pếch cho biết, trụ điện gió số 18 chủ yếu gần các rẫy cà phê và cách xa nơi sinh sống của người dân. Một số hộ dân treo bảng phản đối lại không thuộc người dân trong vùng. Bản thân chủ đầu tư cũng báo cáo các trụ điện cách nhà dân 300m nên đảm bảo an toàn.

Ông Thunh cho biết thêm, chủ trương là cho dự án tiếp tục triển khai xây dựng, huyện cũng đã chỉ đạo xã tuyên truyền, vận động người dân không phản đối dự án điện gió, gây mất trật tự trên địa bàn. Việc di dời trụ điện số 18 vào thời điểm này là rất khó vì liên quan đến vấn đề quy hoạch.

Trụ điện gió số 17 cũn bị ngăn cản thi công vì để đất trôi vào phần diện tích của người dân.

Trụ điện gió số 17 cũn bị ngăn cản thi công vì để đất trôi vào phần diện tích của người dân.

Cũng bất ổn liên quan đến đất đai khi triển khai các dự án điện gió, mới đây hàng chục hộ dân thuộc thôn Hoàng Yên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) đã làm đơn kiến nghị tập thể không đồng ý cho Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai lấy diện tích đất thuộc nghĩa trang Hoàng Yên làm đường đi vận chuyển vật tư thiết bị phục vụ dự án điện gió. Sau nhiều lần đàm phán người dân mới đồng ý cho công ty mượn tạm một phần diện tích đất nhưng phải cam kết thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và đặc biệt không gây bức xúc cho người dân.

Ở một dự án điện gió khác, một số đối tượng thuộc làng Tơr Bang (xã Ia Bang, huyện Chư Prông) đã lợi dụng một số hộ dân là người đồng bào thiểu số nhằm xúi giục, kích động để bán đất nằm trên khu vực bị ảnh hưởng bởi đường vận chuyển thiết bị vật tư xây dựng điện gió cho mình. Sau đó các đối tượng này đã bán lại cho các chủ đầu tư điện gió với giá cao hơn nhằm trục lợi.

Từ vụ việc này, huyện Chư Prông cho rằng, quá trình phối hợp giữa công ty cổ phần điện gió Ia Bang với UBND xã Ia Bang về phương án đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập. Trong đó, UBND xã Ia Bang chưa kịp thời chỉ đạo các ban ngành có liên quan tham mưu, giải quyết dẫn đến việc triển khai các công việc còn chậm trễ.

Sở LĐTB&XH tỉnh Gia Lai không nắm được có bao nhiêu người Trung Quốc đang làm điện gió ở Gia Lai?

UBND huyện Chư Prông cho hay hiện có khoảng 46 người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc đang tham gia xây dựng các dự án điện gió. Nhưng theo báo cáo của Sở LĐTB&XH tỉnh Gia Lai, tổng số lao động là người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh chỉ là… 46 người (gồm các quốc tịch: Anh, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Philipines...)

Sở LĐTB&XH tỉnh Gia Lai cho biết thêm, số lao động nước ngoài đến làm việc tại tỉnh chủ yếu theo hình thức hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên, chức danh công việc là giáo viên dạy tiếng Anh, cầu thủ bóng đá, giám sát kỹ thuật...

Hiện Sở LĐTB&XH tỉnh Gia Lai nhận được văn bản giải trình nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển người người nước ngoài của 7 doanh nghiệp, nhà thầu liên quan đến các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.