| Hotline: 0983.970.780

Kỳ án 'báu vật triệu đô' làng Phụ Chính: Cả làng mất ngủ vì hai gốc sưa hơn 150 tỷ đồng

Thứ Năm 07/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hai cây sưa hàng trăm năm tuổi được định giá hàng trăm tỷ đồng ở chùa làng Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) khiến đời sống vùng quê này đảo lộn suốt bao năm qua.

Những tình tiết vụ việc vừa ly kỳ vừa gây tranh cãi không biết đến bao giờ mới kết thúc.

“Nếu ông muốn yên thân ông hãy dừng lại ngay”. Mệt mỏi trở về nhà sau một đêm thức trắng canh hai cây sưa cổ ở ngôi đền Đức Thánh Nhì, ông Vũ Viết Binh (80 tuổi) bình thản nhặt tờ giấy có ghi dòng chữ đe dọa trên mà kẻ nào đó đã ném vào sân nhà mình. Chuyện cơm bữa.

Cụ Binh là một trong số 22 người trong Ban quản lý gỗ sưa của làng Phụ Chính. Mọi chuyện đều bắt nguồn từ một thương vụ buôn bán vô cùng kỳ lạ ở ngôi làng vốn dĩ yên bình này.


“Áo giáp sắt” bảo vệ gốc sưa

Thương vụ tiền tỷ thay đổi cả một làng quê

Chẳng biết từ đời thuở nào trước đền Đức Thánh Nhì mọc lên hai cây sưa rất quý. Những người già nhất ở Phụ Chính cũng chỉ biết rằng, thời họ còn là đám mục đồng vẫn ngày ngày nương nhờ bóng mát của hai cây sưa những trưa nắng hè oi ả.

Dân Phụ Chính thành kính gọi hai cây sưa này bằng cụ và truyền đời xem đó là báu vật, biểu tượng của làng mình. Nghĩ cũng phải.

Các cụ sưa không chỉ là chứng tích lịch sử của ngôi làng mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Lệ thường, công lớn, việc nhỏ trong làng, người dân thường ra đền Đức Thánh Nhì, thành tâm trước các cụ sưa mà khấn tất toại nguyện.

Vậy mà có ai ngờ, đúng hơn là không thể nào tin, hàng chục cao niên, lão đại, những bậc đáng kính nhất làng Phụ Chính trong một ngày phải gánh chịu bao nhiêu nỗi khổ hàm oan. Ông Vũ Viết Binh là một trong số đó.

Chuyện năm 2010. Đó là những ngày tháng 9, mưa bão quần quật khiến cây cối trong làng gẫy đổ rất nhiều và hai cụ sưa cũng không phải là ngoại lệ.

Một số cành sưa gẫy đổ xuống con đường liên thôn và nơi thờ tự Đức Thánh Nhì. Dân làng lấy làm hoang mang còn lãnh đạo thôn, đại diện các đoàn thể, tổ chức xã hội đã đứng ra thu gom những cành sưa bị gẫy đổ rồi chờ xin ý kiến cộng đồng xem xét. Đó là một quyết định khó khăn.

Từ trước đến giờ, kể cả những thời điểm gỗ sưa sốt sùng sục thì người làng Phụ Chính chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ đem bán đi một phần máu thịt của làng.

Họ nghèo đấy, cần tiền để tu bổ, xây dựng các công trình phúc lợi thật đấy, nhưng nếu phải bán đi báu vật của làng, dù chỉ một cành thôi cũng đã đau đớn lắm rồi.

Sau 18 cuộc họp dân, Ban quản lý bảo vệ khai thác gỗ sưa thôn Phụ Chính được thành lập với 22 thành viên là những đại diện được dân làng tín nhiệm.

Họ, hầu hết đều là bậc vai vế uy tín từng có nhiều năm làm người nhà nước. Như cụ Vũ Viết Binh từng là Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tây (cũ), cụ Đinh Công Thường là Trưởng phòng Tài chính huyện Chương Mỹ về hưu... Được dân tín nhiệm, trước đền Đức Thánh Nhì họ thề độc, nguyện làm việc công tâm, minh bạch dưới sự giám sát của chính người dân trong thôn.

Ngoài những cành sưa gẫy đổ, các cụ già trong thôn đã tổ chức họp bàn nêu ý kiến khai thác những cành sưa già cỗi, có dấu hiệu mọt để bán lấy tiền sửa chùa và một số công trình phúc lợi khác.

Già trẻ, gái trai làng Phụ Chính đều cho phải. Các cuộc họp thống nhất về chủ trương này, các cụ tiếp tục tổ chức hàng chục cuộc họp khác nữa, gồm chi bộ thôn, mặt trận, quân dân chính, và toàn thể nhân dân thôn Phụ Chính. Tất cả các cuộc họp đều nhận được sự đồng thuận, nhất trí 100%.

Nhờ những bậc thông tuệ như cụ Binh, cụ Thường mà dân làng Phụ Chính tìm hiểu kỹ càng luật pháp trước khi đưa ra quyết định.


Cụ Binh và lời đe dọa

Một trong số đó là Thông tư 3419 ngày 12/12/2007 của Bộ NN-PTNT về việc khai thác, vận chuyển cất giữ gỗ rừng trồng nhóm 1A: “Trường hợp tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư cây trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản tự quyết định việc khai thác”...

Sau khi đầy đủ thủ tục, người dân thôn Phụ Chính xin ý kiến UBND xã, đồng thời thông báo rộng rãi để bán đấu giá trong thời gian kéo dài một tháng. Nhiều lái gỗ đã tham gia đấu giá và ông Dương Văn Thái ở làng Đồng Kị (Từ Sơn, Bắc Ninh) trúng đấu giá 2,506 m3 với số tiền 20,5 tỉ đồng.

Cụ Binh kể: Làng Phụ Chính mời thầy cúng lễ bái xin khai thác những phần gỗ mục của cụ sưa nhằm ngày 13/9 dương lịch năm 2010. Một ông thợ lành nghề bên kia sông Đáy được thuê cầm cưa.

Cả thôn nghỉ hết việc làng đến đền Đức Thánh Nhì chứng kiến. Không ít người khóc. Khi hai cành sưa chừng 2,5m vừa hạ xuống, cân được 1,9 tấn, giới buôn gỗ không biết đánh hơi tự lúc nào đổ về rầm rập, đứng kín con đường liên thôn.

Việc đấu giá được công bố công khai nhưng hết một ngày vẫn chưa có lái gỗ nào dám vào mua cả. Bởi vì đám xã hội đen cũng không biết từ đâu kéo về hàng loạt, bảo kê, đòi tiền môi giới. Đám người kia tự ra quy định, người nào muốn mua phải nộp một tỷ đồng, nếu không đồng ý sẽ đập ô tô, thậm chí là cả người.

Mấy tay buôn gỗ lão làng đóng giả dân nghèo đi xe máy hoặc đi bộ vào thỏa thuận giá cả với các cụ cao niên. Hàng tháng trời như thế, thương vụ buôn bán hoàn thành nhưng từ đó làng Phụ Chính không còn yên tĩnh nữa.

Ngay buổi chiều ngày đấu giá, khi xe chở số gỗ sưa trên vừa ra khỏi địa phận xã Hòa Chính thì bị công an bắt. Ngày hôm sau, toàn bộ số tiền bán đấu giá cũng bị phong tỏa. Những cụ già làng Phụ Chính đồng loạt bị gọi là sưa tặc.

Có chết cũng phải giữ báu vật của làng

Ban quản lý gỗ sưa thôn Phụ Chính giờ đây người còn người mất, nhưng ngày ngày họ vẫn dùng chút sức lực tuổi già để giữ hai cây sưa của làng.

Sau thương vụ 20,5 tỷ đồng, Phụ Chính không có lấy một ngày yên ả. Hai cụ sưa chẳng khác gì khối vàng ròng nằm tênh hênh trước ngôi đền Đức Thánh Nhì. Sưa tặc chính hiệu từ khắp nơi kéo về đêm ngày phục kích chờ dân làng sơ hở.

Chính đám người ấy đã định giá hai cụ sưa ít nhất cũng phải 150 tỷ đồng. Chốn yên bình trở nên náo loạn. Để gìn giữ, người làng Phụ Chính phải cắt cử, thuê người trông coi 24/24, xây gạch bo xung quanh gốc. Ấy vậy mà cũng chẳng an toàn.

Sau những tháng ngày mật phục, cách đây 3 năm, đám sưa tặc quyết định hành động vào đúng cái đêm bão Sơn Tinh đổ bộ vào làng. Đó là đêm 29/10/2012. Nhanh như chớp và rất gọn gàng.

Sáng sớm hôm sau, người dân đi qua đền đã thấy ngọn cụ sưa cụt lủn, dưới gốc một đống mùn cưa thẫm màu như máu, tường bao bằng gạch bị đập tan nát hết.

Không biết do vội vàng quá hay có động, sưa tặc buộc phải để lại một đoạn ngọn dài tầm 3m ngay dưới gốc, các cụ cao niên đưa về nhà văn hóa thôn cắt cử nhau canh giữ. Sau một thời gian thì xây hẳn một mật thất ở nhà văn hóa thôn để bảo vệ. Lối vào mật thất được bịt kín bằng tường bê tông.

Người làng đã có quyết định, bao giờ có việc dùng đến sẽ cho phá dỡ mật thất này để lấy ra. Trong mật thất còn cất giữ két sắt chứa những cuốn sổ tiết kiệm gửi ngân hàng tiền bán gỗ sưa. Mặc dù đã bị phong tỏa nhưng hàng năm ngân hàng vẫn gửi giấy báo lãi về cho các cụ. Tiền lãi đã lên đến gần 10 tỷ đồng.

Cũng theo lời các cụ, dân làng đi mua những thanh sắt phi 6 về hàn thành lớp bảo vệ bao bọc các cụ sưa. Ban ngày không sao chứ đêm đến phải thuê 2 người trông coi, mỗi người được trả 100 ngàn đồng. Từ bấy đến giờ, chỉ riêng tiền trông coi đã lên đến hàng trăm triệu đồng rồi.

Khoảng một năm trở lại đây tình hình có vẻ tạm yên, nhưng bất cứ người lạ nào ra vào dân làng đều phải cử người theo dõi. Trong đền đặt một chiếc trống, hễ có động tĩnh gì thì gióng báo ngay.

Ngày ngày, các cụ già Phụ Chính thay phiên nhau vừa trông giữ hai gốc sưa vừa đi khiếu nại khắp nơi đòi công lý cho làng. 5 năm trời số gỗ sưa trong thương vụ buôn bán ấy vẫn đang bị tạm giữ, số tiền vẫn đang bị phong tỏa, các cụ vẫn bị tiếng oan “sưa tặc” ám ảnh. Có người, như cụ Nguyễn Văn Du còn phải mang cả tiếng oan ấy xuống mồ. Cụ mất năm ngoái.

Diễn biến chính kỳ án gỗ sưa ở làng Phụ Chính

Năm 2010, thôn Phụ Chính khai thác và bán 2,506m3 gỗ sưa của làng với giá 20,5 tỷ đồng. Toàn bộ số gỗ đều được kiểm lâm đóng búa xác nhận, nhưng trong quá trình vận chuyển bị công an huyện Chương Mỹ bắt giữ, cả gỗ lẫn tiền vẫn bị phong tỏa.

Để phục vụ điều tra, ngày 5/5/2011, Công an Hà Nội có công văn gửi Tổng cục Lâm nghiệp xin ý kiến xử lý số gỗ. Ngày 25/5/2011, Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản khẳng định, số gỗ sưa này là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng do cộng đồng thôn tự quyết định.

Ngày 26/3/2013, cơ quan công an ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 78/03/2013 vì không có hành vi phạm tội. Không hiểu sao ngày 31/3/2015, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lại ký Công văn số 86 chỉ đạo giao toàn bộ số gỗ sưa trên cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá và số tiền thu được nộp vào ngân sách huyện trước ngày 25/4/2015.

 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.