| Hotline: 0983.970.780

Kỳ bí nhà Vương trên cao nguyên đá

Thứ Hai 10/05/2010 , 13:15 (GMT+7)

Minh chứng về một thời hoàng kim của dòng họ Vương ở Đồng Văn là ngôi nhà trong thung lũng Sà Phìn và những câu chuyện về ông vua Mèo đầu tiên đất Hà Giang.

Trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), dòng họ Vương được biết đến với những ông vua Mèo lừng lẫy. Đến tận bây giờ, trong dinh thự của vua Mèo ở xã Sà Phìn vẫn lưu truyền những câu chuyện ly kỳ.

Vua Mèo đầu tiên và những câu chuyện kỳ bí

Minh chứng về một thời hoàng kim của dòng họ Vương ở Đồng Văn là ngôi nhà trong thung lũng Sà Phìn và những câu chuyện về ông vua Mèo đầu tiên đất Hà Giang. 

Xây nhà ở kiêm… pháo đài 

Vượt cổng trời Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh, nhìn xuống thung lũng Sà Phìn đã thấy một màu xanh thẫm của những cây sa mộc cao vút che lấp nhà Vương. Ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá, xung quanh là những ngôi mộ của gia đình họ Vương qua các thời kỳ. Mỗi ngôi mộ nằm một nơi khác nhau vì căn cứ theo thuật phong thủy. Trong khuôn viên nhà Vương là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật và chứng tích về một thời lừng lẫy.

Người khởi nghiệp dòng họ Vương ở Đồng Văn là Vương Chính Đức. Ông chủ của ngôi nhà nổi tiếng, người được xem là vua Mèo đầu tiên ở Hà Giang. 

Ảnh chụp vua Mèo Vương Chính Đức

Theo một số tư liệu để lại thì Vương Chính Đức sinh ngày 12-8-1865 tại làng Tra Pò, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Ông vốn là người lao động của Thổ ty (một chức tước thời thuộc Pháp) Hoàng Tự Bình. Vào đầu thế kỷ 20, khi Hoàng Tự Bình già yếu, Vương Chính Đức lên thay và trở thành vua Mèo, sau một thời gian được triều Nguyễn phong làm Bang tá.  Khi đã có trong tay quyền lực và đứng đầu một cõi vua Mèo bắt tay vào xây dựng dinh cơ nức tiếng đến tận bây giờ.

Tương truyền, để chuẩn bị xây dựng ngôi nhà, Vương Chính Đức đã đích thân sang Tàu tìm thầy địa lý về chọn đất. Sau khi khảo sát khắp vùng cao nguyên đá, thầy địa lý đã chọn thung lũng Sà Phìn. Giữa thung lũng nổi lên một khu đất hình mai rùa, được ví như là “thần Kim Quy”, phía trước là hai quả núi hình mâm xôi, tượng trưng cho cuộc sống đầy đủ, ấm no. Sau nhà là một dãy núi sừng sững như bức tường thành vòng cung ôm lấy dinh thự mà thầy địa lý phán rằng con cháu đời sau sẽ vinh hiển.

Sau khi chọn được mảnh đất ưng ý, năm 1920, dinh thự họ Vương bắt đầu được xây dựng. Hầu hết thợ xây dựng là người Hồi vùng Vân Nam (Trung Quốc) và những tốp thợ giỏi nhất người Mông được huy động xẻ đá, chặt gỗ để làm nhà. Mất 8 năm và tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng nhà Vương mới hoàn thành.

Mãi cho đến tận bây giờ vẫn chưa ai có thể xác định được nhà Vương được xây dựng theo lối kiến trúc nào. Bởi tổ hợp tòa nhà chính hợp thành chữ Mục, theo kiểu kiến trúc dinh thự Trung Hoa. Công trình này là tổ hợp giao thoa của nhiều nền văn hóa, nhiều phong cách kiến trúc, trong đó nổi lên sự giao thoa kiến trúc Hoa Nam – Mông.

Toàn bộ khu nhà dài 46m, chiều ngang 22m, cao hơn 10m gồm bốn nhà ngang, sáu nhà dọc, đều được làm hai tầng, có 64 buồng. Tường được trình bằng đất sét. Móng nhà làm bằng đá, bên trong ghép ván, cột kèo bằng gỗ, sàn lát ván gỗ, mái lợp ngói máng, hiên nhà lợp ngói ống trang trí hoa văn chữ “thọ”. Ở giữa là bức hoành phi do vua Khải Định tặng năm 1913 với nội dung “chính thức sắc phong cai trị cõi biên thùy”.

Những gian nhà trong được chia làm nhiều phòng nhỏ, phòng chính được dành cho Vương Chính Đức và ba người vợ của ông cùng các con trai, con gái, người giúp việc và lính gác. Tất cả các phòng đều có một chiếc lò sưởi được xây dựng theo kiểu “lò sưởi châu Âu”. Để bảo vệ dinh thự, vua Mèo còn xây tường nhà bằng đá có lỗ châu mai và những bốt canh để lính gác ngày đêm. Phần để phòng khi có biến, phần để cách ly dân bản với cuộc sống xa hoa bên trong. Đứng từ lỗ châu mai trên gác có thể quan sát được toàn bộ dinh thự.

Ở khuôn viên trong cùng còn có kho lương thực, hầm chứa thuốc phiện, kho vũ khí và căn phòng chứa bạc vàng.  

Cổng vào nhà Vương

Ngôi nhà của bạc vàng và thuốc phiện

Thời hoàng kim, gia tộc Vương nức tiếng về giàu có nhờ buôn bán thuốc phiện. Sà Phìn chính là nơi trung chuyển thứ cơm đen từ tam giác vàng Miến Điện với vùng Vân Nam Trung Hoa sang Đông Dương. Vua Mèo lại ngấm ngầm sắm sửa vũ khí và có cả quân đội bí mật là những trưởng họ người Mông trung thành trong vùng. Ngay bản thân ông cũng là người nghiện thuốc phiện nặng và ông dành hẳn một căn phòng để bàn đèn hút thuốc. Và điều đặc biệt nhất trong ngôi nhà Vương là những kiến trúc và hoa văn hình loài hoa anh túc. Tương truyền, thuốc phiện nhà Vương của vua Mèo nhiều đến nỗi ông phải cho xây dựng rải rác các kho chứa thuốc. Gia nhân lính gác vẫn thoải mái dùng quanh năm mà không sợ hết. Minh chứng rõ ràng nhất là căn phòng trước đây được sử dụng chứa kho thuốc nay vẫn còn nguyên.

Năm 1993, khu nhà Vương được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Qua mấy cuộc chiến tranh, nhiều công trình kiến trúc quanh đó bị tan hoang, nhưng nhà Vương vẫn hiên ngang, không một mảnh bom, viên đạn nào rơi vào.

Khu dinh thự cũng là nơi xa hoa với một cuộc sống không thua kém những ông vua chính thống trong các triều đại Việt Nam. Khu đánh bạc, khu hút thuốc phiện, tiệc tùng… Căn phòng cuối cùng của khu dinh thự vốn là nơi vua Mèo cùng các chức sắc đánh bài. Đến mức một người bên họ ngoại của vua Mèo là Phạm Văn Dực còn được phong là thần bài ở Hà Giang. Lần theo chỉ dẫn của mấy bậc cao niên ở Sà Phìn tôi tìm đến nhà ông Dực ở chân núi Bạch Sơn, phố huyện Đồng Văn nhưng ông vừa mất.

Xa hoa nhất trong khu nhà Vương là chiếc bể tắm được đục đẽo công phu hình bán nguyệt từ nguyên một khối đã khổng lồ mà tương tuyền vốn là bể tắm sữa dê cho bà vợ thứ nhất của vua Mèo. Để chiều lòng bà vợ cả, vua Mèo bắt các Tống giáp, Lý trưởng, Mã phài…những chức quan trong vùng cống nạp dê hàng tháng chỉ với mục đích vắt sữa cho vợ tắm.

Còn rất nhiều câu chuyện bí ẩn liên quan đến nhà Vương như lời đồn đại trong các bức tường đều có nhét vàng khiến một thời nhà Vương luôn đặt trong tình trạng báo động vì sợ phá tường tìm vàng. Qua các thời kỳ đô hộ, lính ngoại quốc nghe tiếng đã kéo nhau đến nhà Vương tìm vàng. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Hà Giang, lính Nhật thậm chí còn rạch các bức tường và đào nền để tìm kiếm châu báu. Kết quả đến bây giờ vẫn còn là một bí ẩn nhưng chuyện trong nhà Vương có kho chứa vàng bạc là có thật bởi kho cất giữ vẫn còn nguyên.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất