| Hotline: 0983.970.780

Kỳ lạ giá đường

Thứ Ba 15/02/2011 , 10:14 (GMT+7)

Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ đường giảm rất mạnh. Thế nhưng giá đường không vì thế mà hạ, ngược lại vẫn đứng ở mức cao chót vót.

Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ đường giảm rất mạnh. Thế nhưng giá đường không vì thế mà hạ, ngược lại vẫn đứng ở mức cao chót vót.

Theo ông Hà Hữu Phái, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện đang là giữa vụ ép, nên sản lượng đường khá dồi dào. Trong tháng 2 này, dù ảnh hưởng bởi thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nhưng sản lượng đường sản xuất ra vẫn ở mức cao, khoảng 130 ngàn tấn. Trong khi đó, do đã qua thời gian cao điểm của dịp cận Tết, nên nhu cầu tiêu dùng đường trong tháng 2 trên địa bàn cả nước sẽ ở mức dưới 100 ngàn tấn. Như vậy, sản lượng làm ra vào thời điểm này đang vượt khá xa so với nhu cầu. Đấy là chưa tính tới một lượng đường không nhỏ còn tồn từ những tháng sản xuất trước đó.

Hồi cuối năm ngoái, Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT) đưa ra dự báo sản lượng đường niên vụ 2010-2011 sẽ vào khoảng 1 triệu tấn (tăng 5% so với niên vụ trước). Tuy nhiên, mới đây, các nhà máy đã dự báo sản lượng đường niên vụ này có thể đạt 1,1 triệu tấn. Sở dĩ các nhà máy đưa ra dự báo cao hơn là vì tại nhiều vùng sản xuất mía lớn, năng suất và sản lượng thực tế đã cao hơn so với những tính toán ban đầu.

Chẳng hạn tại vùng mía do Cty CP Bourbon Tây Ninh đầu tư, sản lượng ban đầu được ước tính chỉ khoảng 650 ngàn tấn, thì đến thời điểm này, do năng suất bình quân đạt trên 60 tấn/ha (năng suất bình quân của niên vụ trước chỉ đạt trên 50 tấn/ha), nên sản lượng thực tế vào khoảng gần 800 ngàn tấn. Ở vùng mía do Nhà máy đường Biên Hòa – Tây Ninh đầu tư, cũng nhờ năng suất cao như trên mà sản lượng thực tế của niên vụ này sẽ vào khoảng gần 400 ngàn tấn, cao hơn 50 ngàn tấn so với dự báo ban đầu …

Tuy đang có sự chênh lệch lớn về cung cầu như trên, cộng với tổng sản lượng đường niên vụ này nhiều khả năng sẽ cao hơn dự báo ban đầu, thế nhưng có một điều lạ là giá đường bán sỉ, bán lẻ trong nước vẫn đang tiếp tục ổn định ở mức cao suốt từ trước Tết Nguyên đán tới nay. Tại các siêu thị, giá đường bán lẻ vẫn ở mức 22.000-23.000 đ/kg. Giá đường bán lẻ ở các chợ TP HCM khoảng 25.000-26.000 đ/kg.

Theo lý giải của Hiệp hội Mía đường, giá đường trong nước vẫn cao là do giá đường thế giới đang tăng cao, mà nguyên nhân chính là tình trạng bất ổn về nguồn cung từ các nước sản xuất lớn ở khu vực châu Đại Dương. Đúng là ở khu vực này, đã và đang có những bất ổn trong sản xuất mía đường. Điển hình là ở nước Úc, nơi đứng thứ 3 về xuất khẩu đường trên thế giới, cơn bão Tropical Cyclone Yasi đổ bộ vào bang Queensland (chiếm 70% sản lượng đường của cả nước), đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung ứng đường cho thế giới. Cụ thể, bão Tropical Cyclone Yasi làm nước Úc thiệt hại tới 800 ngàn tấn đường, khiến cho tổng sản lượng mùa vụ từ tháng 6 đến tháng 12 tới chỉ còn khoảng 3,5 triệu tấn, thấp hơn vụ trước 100 ngàn tấn. Lợi dụng cơ hội đó, hồi cuối tháng 1 vừa rồi, giới đầu cơ quốc tế đã đẩy giá đường lên mức kỷ lục là 36,02 cents/pound.

Việc giá đường trong nước vẫn đang neo ở mức cao, nhiều khả năng vẫn do sự làm giá của doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại ngành đường mà thôi.
Tuy nhiên, giá đường bị đẩy lên như trên là không hợp lý, cộng với nguồn cung đường ở Brazil cao hơn dự báo trước đó, cùng với nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh ở Trung Quốc …, nên ở những phiên giao dịch sau đó, giá đường trên thị trường thế giới đã nhanh chóng được điều chỉnh giảm xuống. Trong phiên giao dịch ngày 3/2, giá đường đã giảm ngay xuống chỉ còn 32 cents/pound (giảm 9,3% so với trước đó). Đến phiên giao dịch ngày 8/2, giá đường thô giao tháng 3 trên sàn giao dịch ICE Futures U.S tại New York chỉ còn 31,16 cents/pound (giảm tiếp 4,7%).

Như vậy từ sau Tết Nguyên đán đến giờ, giá đường thế giới đang có xu hướng giảm. Vậy mà giá đường Việt Nam, được coi là chịu ảnh hưởng của giá đường thế giới, lại gần như không giảm, dù như đã nói ở trên, cung đang vượt xa cầu. Đó là điều rất lạ.

Mặt khác, theo lý giải của một số doanh nghiệp, Bộ Công thương đã có công văn cho 24 doanh nghiệp nhập khẩu gần 140.000 tấn đường (thời hạn được nhập khẩu đường đến hết ngày 7/7/2011), trong tổng số 250.000 tấn đường nhập khẩu của năm 2011, do đó giá đường trong nước phụ thuộc vào giá đường thế giới là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, 24 doanh nghiệp mà Bộ Công thương đã cấp phép nhập khẩu đường, đều là các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, dược phẩm … có nhu cầu nhập khẩu đường tinh luyện, đường thô để phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Vì thế, rõ ràng lượng đường nhập khẩu này không tác động mấy tới giá đường bán lẻ trên thị trường trong nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lời giải thích trên của một số doanh nghiệp mía đường là không có cơ sở.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.