| Hotline: 0983.970.780

"Kỹ năng mềm" cho sinh viên năm cuối

Thứ Sáu 15/04/2011 , 10:31 (GMT+7)

Trong 30 tiết học, sinh viên được trang bị các kỹ năng như: học và tự học, tư duy sáng tạo, lập kế hoạch và tổ chức công việc...

Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương phối hợp với đại diện phòng nhân sự các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Bình Dương và TP.HCM mở lớp đào tạo kỹ năng giao tiếp và phỏng vấn tuyển dụng cho sinh viên năm cuối. Đây là hoạt động nhằm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cao cho xã hội.

Theo thống kê, chương trình học tại các trường đại học – cao đẳng – TCCN hiện nay, chủ yếu chú trọng cung cấp kiến thức chuyên môn – nghiệp vụ cho học sinh, sinh viên mà không quan tâm đến phần kỹ năng mềm – phần được xem là “con át chủ bài” trong quá trình đi xin việc.

“Rớt” vì thiếu kỹ năng mềm

Đại diện Trường ĐH Kinh tế - kỹ thuật Bình Dương cho biết, hầu hết sinh viên còn khá bỡ ngỡ với các kỹ năng mềm. Nhiều sinh viên có năng lực học tập tốt, nhưng kỹ năng về giao tiếp, xử lý các vấn đề phát sinh thì rất hạn chế. Sắp tới, nhà trường sẽ liên tục mở lớp, với số lượng khoảng 300 em/lớp, SV tham gia khóa học này được đào tạo miễn phí hoàn toàn. Nhiều học viên phản ánh, phần lớn các kỹ năng này sinh viên phải tự tìm tòi, trải nghiệm nên khi đi vào thực tiễn xin việc nên gặp rất nhiều khó khăn.

Bạn Nguyễn Ngọc Trâm Anh (lớp Kế toán) tâm sự: “Em cứ nghĩ chỉ cần nắm chắc kiến thức sẽ vững tin, nhưng khi vào phỏng vấn xin việc tại Công ty TNHH Tân Trường Đạt thì khác hẳn. Ngoài những kỹ năng cơ bản, công ty yêu cầu phải thể hiện cách giao tiếp, ứng xử từng trường hợp cụ thể. Phải thể hiện khả năng thuyết trình trước ban giám khảo. Những nội dung ngoài luồng này khiến em bị rớt ngay từ vòng sơ loại”.

Cùng cảnh ngộ với Trâm Anh, Trần Thành (lớp Quản trị kinh doanh) cũng bị loại từ “vòng gửi xe” do khả năng giao tiếp kém và chưa có kỹ năng làm việc theo nhóm. “Vào phỏng vấn, công ty yêu cầu em cùng bốn bạn nữa làm việc theo nhóm, hoàn thành một đề tài. Do lâu nay quen làm việc độc lập, ít có sự hợp tác gắn kết nên đề tài tụi em không hiệu quả. Sau lần ấy, em phải đi học hỏi thêm kinh nghiệm phỏng vấn, giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm để hy vọng lần sau sẽ trúng tuyển”, Thành cho biết.

Lễ tốt nghiệp đang đến gần, nhiều sinh viên ở các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM như: ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại ngữ TP.HCM… và một số trường Cao đẳng, TCCN ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước… đang đổ về đăng ký học khóa đào tạo kỹ năng mềm của Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương.

Chìa khóa thành công

“Trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên trước khi đi phỏng vấn xin việc là điều kiện bắt buộc của nhiều công ty, doanh nghiệp hiện nay. Tại các công ty nước ngoài, kỹ năng mềm rất được xem trọng và là tiêu chí đầu tiên để đánh giá và xét chọn thí sinh phỏng vấn. Các trường ĐH, CĐ, TCCN… cần chú ý đến yếu tố này, bởi nó có tính chất quyết định trong việc lựa chọn nhân sự tại các công ty”, một trưởng nhân sự cho biết.

Tại buổi khai giảng khóa học đầu tiên, cô Nguyễn Thị Ngọc Hương (giảng viên khóa học) cho biết: “Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành, nhà trường rất chú trọng khâu trang bị kỹ năng mềm cho HSSV. Việc kết hợp hai yếu tố trên sẽ là chiếc chìa khóa dẫn đến thành công trong tương lai”.

Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, ông Bruce Robert Newton (giảng viên khóa học) chia sẻ kinh nghiệm: "Chưa chắc bạn học giỏi ở trường sẽ bảo đảm công việc tốt sau này. Ở trường, bạn phải cố gắng học cho giỏi, nhưng thực tế ngày nay, với vai trò nhà tuyển dụng, chúng tôi nhìn xa hơn nữa, chúng tôi còn đòi hỏi ở các bạn những kỹ năng khác, như kỹ năng làm việc nhóm. Và điều quan trọng là chúng ta phải có kế hoạch, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị, làm sao phải thể hiện được mình khi đi phỏng vấn, phải trình bày được những điểm mạnh của bản thân so với các ứng viên khác".

Sinh viên Hoàng Kiều Ngân (học viên khóa đầu tiên) bày tỏ: “Thời gian qua sinh viên chưa hiểu rõ kỹ năng mềm là gì? Nhưng từ lúc tham gia lớp học, em nắm bắt được ý nghĩa lớp học do nhà trường tổ chức, qua đó giúp sinh viên tự tin khi đi phỏng vấn tuyển dụng sau khi ra trường”. Theo thiết kế của chương trình học, trong 30 tiết học, sinh viên được trang bị các kỹ năng như: học và tự học, tư duy sáng tạo, lập kế hoạch và tổ chức công việc, lắng nghe và thuyết trình, giao tiếp và ứng xử, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, đàm phán…

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Xử phạt 8 tàu thuyền vi phạm lĩnh vực thủy sản hơn 340 triệu đồng

Thừa Thiên - Huế Lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ, xử lý 6 vụ với 8 phương tiện tàu thuyền, đồng thời ra quyết định xử lý vi phạm hành chính số tiền hơn 340 triệu đồng.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất