| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 04/04/2017 , 06:34 (GMT+7)

06:34 - 04/04/2017

Kỳ quặc hàng không giá rẻ nhưng không bán vé rẻ (!)

Ngày 23/3, góp ý cho Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa, Jetstar Pacific gửi văn bản...

Ngày 23/3, góp ý cho Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa, Jetstar Pacific gửi văn bản đề nghị bên cạnh mức giá trần, cần phải có thêm mức giá sàn. Điều này có hợp lý không?

16-32-05_jetstr-pcific
Jetstar Pacific gửi văn bản đề nghị bên cạnh mức giá trần, cần phải có thêm mức giá sàn

Điều 4 của Luật Giá có khái niệm về bình ổn giá: “Bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý”.

Chính sách bình ổn giá thường áp dụng cho những hàng hóa thiết yếu trên thị trường, luôn là mối quan tâm của Chính phủ, nhằm hỗ trợ cho đối tượng chính là người có thu nhập thấp, đời sống khó khăn do bão giá của lạm phát, hoặc do những tác động tiêu cực khác. Và cũng thường chỉ có đề ra mức giá trần, chứ không phải giá sàn.
Như vậy,  đề nghị xây dựng giá sàn của hãng hàng không Jetstar Pacific không phải nhằm mục đích bình ổn giá.

Có một khái niệm khác trong thương mại là bán phá giá, đó là hiện tượng các sản phẩm hoặc dịch vụ được bán vào một thị trường với giá bán ở mức dưới giá thành sản xuất. Mục tiêu là đánh bại đối thủ, chiếm lĩnh thị trường.

Việc bán phá giá bị coi là cạnh tranh không lành mạnh, và có thể phải chịu bị trừng phạt.

Văn bản của Jetstar Pacific đưa ra 5 lập luận, trong đó, Jetstar nhấn mạnh đến việc nếu không có giá vé sàn, các hãng buộc phải đua nhau giảm giá vé để cạnh tranh trong bối cảnh tăng trưởng nóng của ngành hàng không sẽ khiến cho hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững ngành không được đảm bảo.

Bên cạnh đó, việc “thả trôi” sàn giá khiến cho vé máy bay rẻ hơn giá vé đường sắt, đường bộ sẽ làm mất cân đối giữa ngành hàng không với các ngành vận tải khác. Và Jetstar cũng kiến nghị giá sàn dự kiến cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29 – 34% giá trần. Từ đó hãng đề xuất mức bán thấp nhất trên chặng Hà Nội – TP.HCM là 1,2 triệu đồng/vé/chiều.

Ngược lại, cũng là hãng hàng không giá rẻ, nhưng Vietjet Air thì nhấn mạnh rằng việc áp giá sàn sẽ đi ngược lại quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014 và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Văn bản của Vietjet Air viết: “Trên thế giới hiện nay không có hãng hàng không hay bất kỳ quốc gia nào còn quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách. Vì vậy, nếu Việt Nam áp dụng quy định này thì sẽ đi ngược lại với thông lệ quốc tế, khiến cho ngành hàng không của Việt nam khó khăn trong quá trình hội nhập quốc tế”.
Chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam khẳng định, Luật Hàng không tuy quy định giá vận chuyển trên đường bay nội địa phải nằm trong khung giá do Bộ GTVT quy định, nhưng Luật Giá lại cụ thể hóa bằng điều khoản quy định rằng Nhà nước chỉ đưa ra khung giá đối với tuyến bay nội địa độc quyền thôi, còn tuyến đã có cạnh tranh thì không có khung giá, mà để thị trường tự điều tiết.
Vậy, đề nghị của hãng hàng không Jetstar Pacific cũng không phải là biện pháp chống bán phá giá.

Mà đó là một đề nghị kỳ quặc: không muốn bán vé rẻ cho khách của một hãng hàng không giá rẻ (!).