| Hotline: 0983.970.780

"Kỹ sư chăn vịt"& những sáng chế ngoạn mục

Thứ Sáu 07/11/2014 , 10:15 (GMT+7)

Anh Hứa Văn Long (46 tuổi) ở thôn 4, xã Thái Long, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) chỉ gắn bó với đàn vịt và cây lúa. 

Nhưng từ năm 2007 đến nay, anh đã có 3 sáng chế phục vụ SX nông nghiệp, được nông dân thán phục, cấp trên khen thưởng.

Máy tẽ ngô, ép phân viên

Từ nhỏ gắn bó với nghề nông, anh Long thấu hiểu nỗi khổ của nông dân mỗi khi dùng tay để vặn, tách từng hạt ngô. Từ những ý tưởng đó, anh quyết tâm sáng chế các máy nông cụ khác thành máy tách hạt ngô chạy bằng động cơ điện 1,1 - 1,5 KW, kích thước nhỏ gọn (70 x 60 x 50 cm).

Trọng lượng máy chỉ nặng 60 kg, giá mỗi chiếc là 2,6 triệu đồng, nhưng mỗi giờ tách được hơn 1,2 tấn hạt, chi phí hết khoảng 10.000 đồng tiền điện/1 giờ vận hành. Đặc biệt là máy này có thể tách ngô cả đêm, vì không gây tiếng ồn, không thổi bụi mạt, không gây ô nhiễm môi trường.

Nếu đem so sánh với chiếc máy chuyên tách hạt ngô (chạy bằng dầu diezen) hiện bán phổ biến trên thị trường, mức giá 16 triệu đồng, tiếng nổ động cơ rất ồn, tiêu tốn khoảng 9 lít dầu/tiếng (khoảng 200 nghìn đồng), mỗi giờ tách được 2 tấn hạt, nhưng phải có 2 lao động vận hành… thì chiếc máy của anh Long có ưu điểm hơn nhiều.

Từ những tiện lợi đó, máy tách hạt ngô do anh Long SX luôn “cháy hàng”. Chỉ tính ở 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đã có hàng trăm nông dân mua về sử dụng.

Ông Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên nhận xét: “Máy tách hạt ngô do anh Long sáng chế rất tiện lợi, gọn nhẹ, giá rẻ, lại tách sạch hạt mà không tốn nhiều tiền đầu tư, nên nhà nông nghèo cũng có thể mua cho mình một chiếc máy về tách hạt ngô”.

Bước sang năm 2011, phong trào bón phân cho lúa bằng phương pháp viên nén dúi sâu được triển khai đại trà tại Tuyên Quang cũng là lúc anh Long nhận được nhiều lời đề nghị SX máy ép phân viên nén dúi sâu.

Qua nhiều lần tính toán các thông số kỹ thuật, cuối cùng anh cho "ra lò" chiếc máy ép phân viên nén dúi sâu rất tinh gọn; kích thước chiều dài 1,2 m, rộng 0,7 m và cao 1,5 m, trọng lượng 550 kg, được hoạt động theo nguyên lý từ động cơ 7,5 KW, gắn liền hộp đồng tốc nối với 2 trục gắn bánh răng, đường kính 250 mm, cùng trục với bánh răng là 2 quả lô ép tạo hình sản phẩm là những viên phân nén.

Mỗi ngày, một cỗ máy có thể ép được hơn 4 tấn phân viên nén dúi sâu, đủ bón cho 16 ha lúa trong cả vụ.

Khi được hỏi, các phụ kiện để chế tạo ra máy tách hạt ngô và máy ép viên phân nén dúi sâu mua từ đâu, anh Long đã vui vẻ bật mí: “Phần nhiều đều phải tự thiết kế, rồi tự tay gia công, cắt, hàn, đến lắp ghép, làm đi làm lại đến khi thật chuẩn mới SX để bán.

Trong quá trình chế tạo, những thiết bị tinh vi mà không thể làm được như động cơ điện, quả lô, hộp đồng tốc, vòng bi thì đặt hàng với các nhà máy… Làm như vậy sẽ không giống với hàng hoá bán trên thị trường từ kết cấu hình học, đến hiệu quả sản phẩm, thì nó mới là bản quyền của mình...”.

Máy ép phân viên nén dúi sâu của anh Long rẻ, chưa bằng nửa tiền các máy nhập khẩu từ Trung Quốc. Máy rất chắc chắn, ít hư hỏng vặt, khi thực hiện các thao tác đơn giản hơn so với nhập ngoại.

Chỉ 1 lao động có thể khởi động máy và viên phân đều, mẫu mã đẹp. Do đó, nhiều đại lý bán phân bón tại Tuyên Quang; Hà Giang; Thái Nguyên đã đăng ký mua, anh Long SX ra đến đâu, được tiêu thụ hết ngay đến đó.

Máy hỗ trợ thi công, thu hái quả

Khi vận chuyển cột thu, phát sóng Viettel lên ngọn núi Khau Khây, tại xóm 7, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, những anh tài về thi công chỉ đến nhìn qua cung đường dài hơn 700 m và lối mòn lên sườn núi cứ dốc thẳng đứng, đều “lắc đầu” bỏ cuộc, chủ đầu tư đành mời anh Long đến giúp hiến kế cách đưa vật liệu gồm cột sắt, cát, gạch… lên vị trí xây dựng trạm.

Sau khi đi khảo sát và nghĩ cách chuyển hàng nặng lên núi, anh chợt nhớ đến chiếc máy cày làm đất có cái trục lô có thể dùng nó cuốn dây cáp tời vật liệu.

Thế rồi, anh về nhà tìm các loại vật liệu cứng, chắc để hàn gắn đường kính bánh lô bằng đường kính bánh lồng của máy, rồi cái trục lô, uốn tròn tấm tôn dày 10 mm, đường kính 20 cm. Sau đó hàn 2 mặt với trục lô và khoan 4 lỗ kích, đúng bằng khuôn thước bánh lồng của máy làm đất.

Với 7 năm miệt mài nghiên cứu và sáng chế ra những nông cụ phục vụ SX nông nghiệp, Hứa Văn Long đã được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen về tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, SXKD và có những sáng chế giải pháp kỹ thuật tiêu biểu.

Hoàn tất công việc sáng chế máy tời, anh Long cùng 3 phụ tá mang cáp, trục lô và dụng cụ đến địa điểm thi công thực hiện chuyển cột lên núi.   

Ban đầu, anh Long cho cuốn cáp vào bánh lô, rồi buộc cáp vào gốc cây to sau đó nổ máy cày, cài số 1 để tời kéo từng đoạn cột thu, phát sóng Viettel lên núi. Mặc dù mỗi đoạn cột dài 6 m, nặng trên 4 tạ, nhưng đặt lên thùng sắt thay máng trượt và dùng tời kéo, thì mọi việc diễn ra rất nhanh gọn.

 Khi vận chuyển hết các loại cột, tiếp tục đến gạch, cát, nước phục vụ thi công, trước sự thán phục của mọi người.

Phát hiện động cơ máy cày rất khoẻ, có tác dụng tốt trong vận chuyển, anh và những phụ tá lại mày mò sáng chế tiếp thành máy vận chuyển rau, củ quả từ trên núi xuống đường. Qua thử nghiệm, đầu tháng 10/2014, anh Long cùng nhóm thợ đã về xã Phù Lưu, nơi có nhiều cam, quýt của huyện Hàm Yên để ký hợp đồng vận chuyển quả cam từ trên núi xuống đường vào mùa thu hoạch năm nay.

Theo tính toán, mỗi chuyến vận chuyển được từ 500 - 600 kg cam quả. Cách thức này không chỉ tiết kiệm chi phí, giải phóng sức lao động, mà quá trình vận chuyển không làm cam bị dập, vương vãi như hệ thống cáp treo chạy bằng ròng rọc như hiện nay.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất