| Hotline: 0983.970.780

Kỹ sư của ngư dân

Thứ Sáu 02/07/2010 , 10:16 (GMT+7)

Bằng thực tế của mình, ông Nguyễn Văn Xê (53 tuổi, trú tổ 13, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đã chế tạo ra được nhiều ngư cụ phục vụ cho hoạt động của ngư dân trên biển.

Ông Xê hướng dẫn công nhân sản xuất ngư cụ tại cơ sở Hải Linh

Bằng thực tế của mình, ông Nguyễn Văn Xê (53 tuổi, trú tổ 13, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đã chế tạo ra được nhiều ngư cụ phục vụ cho hoạt động của ngư dân trên biển.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, học hết lớp 7 thì nghỉ học đi làm kiếm tiền sinh sống. Sợ con hư hỏng, cha ông cho đi học nghề sửa chữa ti vi, điện lạnh. Năm 1977, sau khi cưới vợ, ông cùng vợ đăng ký đi vùng kinh tế mới tại thôn 5, Phước Đức, Phước Sơn, (Quảng Nam – Đà Nẵng). Hơn 10 năm sau, vì ốm đau, không lao động được, hoàn cảnh gia đình trở nên khó khăn túng thiếu buộc ông phải bán nhà trở về lại địa phương sinh sống. Thời gian này, bà con ngư dân phường Xuân Hà đang được mùa biển nhất là mùa mực vì họ đã học tập được kinh nghiệm câu mực từ ngư dân Trung Quốc.

Được mùa, đời sống của ngư dân Xuân Hà ngày càng khấm khá. Tuy nhiên, về ngư cụ, ngư dân đang còn gặp nhiều khó khăn, mua đồ của Trung Quốc, giá cao mà chất lượng kém. Trước tình hình đó, ông đã trăn trở, nghĩ suy rất nhiều để tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm hướng đi, ông đã đánh liều bằng cách mua những sản phẩm ngư cụ của Trung Quốc về rồi tháo ra nghiên cứu từng tí một. Sản phẩm đầu tiên là rường (nhiều lưỡi câu bó thành chùm) câu mực.

Suốt một thời gian khá dài, ông mày mò tìm hiểu và đưa ra kết luận, để làm được những rường câu mực, phải sáng chế ra máy đập, máy cắt. Không nản, ông lại tiếp tục tìm tòi, mua sắm các trang thiết bị về lắp ráp, chế tạo máy. Sau một năm miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu, “kỹ sư” Xê đã chế tạo được khuôn đúc các linh kiện, rường câu mực. Sau khi có khuôn mẫu, ông thử làm và dạy cho những người trong gia đình. Thấy được, ông gọi thêm một người trong địa phương không có việc làm đến để dạy. Tự chế thì khó nhưng khi học thì dễ nên những người trong gia đình của ông đều trở thành thợ hết thảy. Do đó, chỉ trong một thời gian rất ngắn, ông đã sản xuất ra được hàng loạt sản phẩm rường câu mực bán cho ngư dân ở các nơi với giá rẻ nhưng chất lượng khá tốt, đảm bảo sử dụng lâu dài và vừa túi tiền của ngư dân nghèo.

Không dừng lại ở đó, khi nghĩ đến cái khó của ngư dân Đà Nẵng đánh bắt bằng nghề lưới cản, phải dùng đèn Trung Quốc giá vừa cao vừa hao phí điện, khi thả xuống nước lại lo sợ bị nước ngấm vào hỏng đèn, ông lại mày mò nghiên cứu một loại sản phẩm khác là đèn lưới cản và đèn câu mực. Đây là một loại đèn dùng bằng năng lượng pin (dạng pin thông thường), nhưng tự động. Từ bàn tay và khối óc của mình, chỉ một thời gian ngắn, ông đã sản xuất thành công loại đèn lưới cản tự động sáng, tối. Theo ông Xê, tác dụng lớn nhất đối với loại đèn tự động này là giúp ngư dân nhìn thấy nhau về ban đêm đồng thời để nhử mực dễ dàng hơn.

Để sản phẩm bán ra được thị trường, ông đã lấy thương hiệu cho cơ sở của mình là Hải Linh, hiện những sản phẩm của ông đã có mặt trên cả nước. “Tuy nhiên, để thành đạt như hôm nay, cũng nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các cấp hội ở địa phương, tạo điều kiện giúp vốn để đầu tư, sản xuất” - ông Xê bộc bạch. Rồi ông hồ hởi khoe, mỗi năm cơ sở của tôi sản xuất trên 15 nghìn bộ rường câu mực, 20 nghìn chiếc đèn câu mực và đèn lưới cản. Sản phẩm bán hết sạch cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Điều làm ông vui hơn là cơ sở của ông đã giải quyết được việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động phổ thông ở địa phương. Những người lao động cho ông chủ yếu là người nghèo, chưa có công ăn việc làm ổn định. Ban đầu đến cơ sở của ông, họ đều chưa biết việc, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã thành thạo nghề và trở thành những công nhân chuyên nghiệp của cơ sở. Với những thành công ban đầu, ông dự định sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, giá thành thấp mang nhãn hiệu Việt Nam, phục vụ nhu cầu đánh bắt ngày càng hiện đại của ngư dân Đà Nẵng và cả nước.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất