| Hotline: 0983.970.780

Ký sự miền biên viễn

Thứ Hai 11/02/2013 , 14:31 (GMT+7)

Cuối năm, tôi lại “đánh đường”, làm một chuyến về vùng biên giới. Đích đến của tôi lần này là xã Ia Chía (xã giáp biên với nước bạn - Vương quốc Campuchia), thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Cuối năm, tôi lại “đánh đường”, làm một chuyến về vùng biên giới. Đích đến của tôi lần này là xã Ia Chía (xã giáp biên với nước bạn - Vương quốc Campuchia), thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Cùng đi với tôi lần này là anh bạn đồng nghiệp mãi tận Hà Nội - tuy lên Tây Nguyên đã nhiều, nhưng đây mới là lần đầu anh đi biên giới ở Tây Nguyên. Chính vì vậy mà suốt dọc hành trình, anh không khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước những gì luôn hiện ra trước mắt.

Không khó đi như ở vùng núi, vùng biên giới Tây Bắc mà đi về những vùng biên giới ở Tây Nguyên, giao thông thuận tiện đến… lạ thường! Đi qua thị trấn Ia Kha, xe chúng tôi lướt trên con đường nhựa rộng rãi, phẳng lỳ, thẳng tiến về miền biên viễn. Con đường này dẫn đến QL 14C, đến Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), xuyên qua Vườn quốc gia Chưmomray, ra Ngọc Hồi, nối liền với đường Hồ Chí Minh huyền thoại.


Làm đường nối giữa các làng

Còn hiện tại, chúng tôi đang đi trên đoạn đường thuộc địa phận tỉnh Gia Lai. Tôi thầm tiếc: Nếu đi sớm hơn chừng một tháng, chắc chắn anh bạn Hà Nội sẽ vô cùng ngỡ ngàng trước cảnh đẹp đến quyến rũ ở nơi đây, bởi đó là cao điểm của nắng, của gió cao nguyên, và cũng là cao điểm của dã quỳ. Đó là bắt đầu vào mùa khô Tây Nguyên: Nắng rải thảm ấm áp, gió vô tư phóng khoáng sải cánh trên bạt ngàn dã quỳ - dã quỳ vàng rực có thể mọc ở bất cứ chỗ nào còn thừa đất để chúng mọc… Tuy nhiên chúng tôi cũng không phải thất vọng nhiều. Qua khỏi thị trấn, thị tứ, những khu dân cư sầm uất, xe chúng tôi liên tiếp uốn lượn men theo trùng điệp những quả đồi: Khi thì mất hút vào bạt ngàn những lô cao su rợp mát, lúc lại hiện ra ở những vườn cà phê đang cuối mùa thu hoạch. Càng đi sâu vào vùng biên giới, anh bạn của tôi càng ngạc nhiên bởi sự sầm uất, cuộc sống đủ đầy của bà con dân tộc thiểu số nơi đây.

Chúng tôi đến xã Ia Chía lúc tám giờ sáng. Hôm nay, lãnh đạo xã về huyện học Nghị quyết Trung ương 6, vậy nên tiếp chúng tôi là cô cán bộ nông nghiệp xã - kỹ sư Phạm Thị Kim Oanh. Chỉ là cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp của xã, lại không phải là người dân địa phương, nhưng Oanh có một hiểu biết tường tận về xã đến mức đáng để khâm phục, cô nói mà gần như không cần liếc qua báo cáo. Ia Chía là một xã biên giới thuộc huyện Ia Grai, giáp biên với nước bạn Campuchia. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 1.732 ha, gồm 10 làng với 1.673 hộ dân tộc J’rai sinh sống.

Ia Chía là xã biên giới, lại là xã đặc biệt khó khăn (xã vùng 3) nên được Nhà nước đầu tư từ nhiều nguồn. Cũng chính nhờ vậy mà bộ mặt Ia Chía những năm gần đây thay đổi đến kỳ diệu: Đường nhữa rộng rãi đi đến tận UBND xã, từ đây, các nhánh đường liên thôn (làng này đi làng khác) cũng đang được rải nhựa với mặt đường 3,5 m. Các công trình phúc lợi dân sinh không thiếu thứ gì như trường học cấp tiểu học và THCS, trạm phát sóng điện thoại di động, trạm y tế xã, điện thắp sáng đến từng hộ dân, nhà nào cũng được xây kiên cố, có những căn nhà mái Thái như biệt thự ở phố…

Chúng tôi đến thăm làng Lang - một trong 10 làng người J’rai của xã. Trưởng thôn làng Lang là Rơ-Ma-Vân, năm nay mới ba mươi tuổi. Anh cho biết: Làng có 275 hộ với 1.111 nhân khẩu (trong đó có 85 hộ người Kinh, là công nhân Đội 10 thuộc Cty 74 - Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn). Thu nhập chính của người dân làng Lang dựa vào các loại cây trồng đặc thù là cao su, cà phê, điều (đào lộn hột), sắn. Lúa thì ít bởi đất để dành trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, vậy nên còn nhiều hộ phải mua gạo ở ngoài để ăn. Tuy nhiên cả làng của xã vùng 3 này - theo trưởng thôn Rơ-Ma-Vân, cũng chỉ có 5 hộ đói giáp hạt, nhưng những lúc ấy, các hộ này cũng kịp thời được cứu trợ theo tinh thần “lá lành đùm lá rách” của bà con trong làng, của bộ đội Công ty 74… “Còn hộ có thu nhập cao trong làng thì nhiều lắm!”, Rơ-Ma-Vân không giấu nổi tự hào khi khoe với tôi điều này. Anh liền liệt kê một loạt các hộ giàu trong làng như hộ Siu Xoan có trên 5 ha cà phê và điều, nhà còn có ao cá, có bò, ngựa… Hàng năm, lãi ròng từ sản xuất kinh tế hộ của gia đình Siu Xoan lên đến hàng trăm triệu đồng.


Trưởng thôn Rơ-Ma-Vân (bên trái)

Rơ-Ma-H’lưng cũng là một trong nhiều hộ giàu của làng Lang. Nhà H’lưng có trên 10 ha cà phê, cao su và điều, chưa kể chăn nuôi khác, thu nhập của gia đình ông, trừ chi phí, hàng năm có vài trăm triệu đồng bỏ vào két sắt gia đình. “Nó vừa mới mua ô tô con để đi thăm vườn cao su nữa đấy, vườn cao su của nó rộng lắm”, Rơ-Ma-Vân khoe về H’lưng với tôi như vậy… Anh cho biết thêm: Cây điều cũng là một trong những loại cây trồng góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân trong làng. Với những gia đình nhiều vốn, có kinh nghiệm thì đầu tư vào cà phê, cao su. Còn với những nhà có đất nhưng không có tiền đầu tư thì trồng điều. “Điều là cây của người nghèo mà", Vân nói. Tuy là “cây của người nghèo”, nhưng đã góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu. Cũng theo Vân thì: “Nếu năm tới, giá hạt điều ổn định thì đời sống của người dân trong làng sẽ được nâng lên nhiều lắm, lúc ấy tỉ lệ hộ nghèo cũng sẽ giảm đi đáng kể”.

Theo Vân, chúng tôi đi dạo quanh làng Lang. Quả thật, nếu không đến tận nơi thì không thể hình dung được sự trù mật, đủ đầy của một xã vùng 3 nơi miền biên giới này. Những con đường nối từ làng này sang làng khác đều được thảm nhựa rộng 3,5 m, hai bên là những căn nhà xây khang trang, kiên cố, trong nhà với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền; trẻ em đến tuổi đều được đến trường; ai ốm đau đều đã có trạm xá khám chữa bệnh, cấp phát thuốc kịp thời.

Ghé thăm nhà Rơ-Châm-Tin, một trong những người già trong làng. Ông năm nay (theo ông) chắc khoảng gần tám mươi tuổi. Con cháu đi làm cả, mỗi mình ông ở nhà. Rơ-Châm-Tin không biết nói tiếng phổ thông nên Rơ-Ma-Vân làm phiên dịch, ông nói, đại ý: Đã sống đến chừng này tuổi rồi, đã trải qua nhiều chế độ rồi, nhưng chỉ bây giờ mới thấy cuộc sống thật là tốt đẹp!


Xây dựng mới trụ sở UBND xã Ia Chía

Chia tay Ia Chía, chia tay biên giới thân yêu, loáng cái, chúng tôi đã trở về với phố núi Pleiku. Đêm, ngồi lai rai quán cóc vỉa hè, anh bạn Hà Nội của tôi thắc mắc: “Có xa đâu, sao ông lại gọi là biên viễn?”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm