| Hotline: 0983.970.780

Ký sự miền rừng

Thứ Hai 28/10/2013 , 10:46 (GMT+7)

Có một thời, khai thác ồ ạt, độ che phủ rừng xuống chỉ còn có 26,3%, nhưng bây giờ rừng là cuộc sống, là niềm tự hào của người dân Tuyên Quang. Tỉnh miền núi này vươn lên trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về diện tích rừng che phủ.

Có một thời, khai thác ồ ạt, độ che phủ rừng xuống chỉ còn có 26,3%, nhưng bây giờ rừng là cuộc sống, là niềm tự hào của người dân Tuyên Quang. Tỉnh miền núi này vươn lên trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về diện tích rừng che phủ. Một cuộc cách mạng màu xanh có thể gọi là kỳ tích.

Đói ăn vẫn quyết giữ rừng

Nằm quanh lòng hồ thủy điện Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) là khu rừng nguyên sinh đặc dụng hàng nghìn năm tuổi. Gỗ quý nhiều vô kể. Đám lâm tặc tứ xứ đánh hơi kéo về đêm ngày dòm ngó thèm thuồng, xuất tiền mua chuộc, thuê đầu gấu dằn mặt, nhưng rừng Na Hang vẫn bình yên. Công lao ấy, một phần nhờ vào người dân bản địa.

Đội tuần rừng của bản

5 giờ sáng trên rẻo cao Tát Kẻ (xã Khau Tinh, huyện Na Hang) sương mù khản đặc, đứng gần cũng chẳng rõ mặt nhau. Đội tuần rừng của bản mang dao, võng, gạo, can nước, đèn pin lên rừng săn… lâm tặc. Qui củ và bài bản như một đội tuần rừng chính quy của lực lượng kiểm lâm vậy.

Đội có 9 người. Bí thư chi bộ Phùng Văn Pham, trưởng bản Quan Văn Thiết phụ trách và chỉ đạo. Đã thành lệ, cứ 10 ngày đến nửa tháng đội tập trung lên rừng một lần, nhưng hôm nay là ngoại lệ. Tối hôm trước, trưởng bản Thiết nhận được tin của một phụ nữ trong bản tên là Triệu Thị Giàng cấp báo “có lâm tặc”. Trong lúc đi rừng, chị Giàng phát hiện một cây nghiến bị lâm tặc phát quang xung quanh, có dấu hiệu bị khai thác. Thế là sáng nay, đội tuần rừng của bản bỏ hết công việc thường ngày, tập trung lên rừng canh.

Họ đã làm việc này được 15 năm. Không có bất cứ một chế độ hỗ trợ nào. Mà có lẽ cũng không quan trọng chuyện chế độ này kia, với người Tày, người Dao ở Tát Kẻ, được tham gia vào đội tuần rừng là cả một vinh dự lớn lao. Họ biết, không nhiều nơi trên đất nước này rừng còn giữ được sự giàu có như Tát Kẻ.

“Đội tuần rừng bản Tát Kẻ được thành lập dựa trên bản Quy ước giữ rừng do dân bản tự lập ra vào năm 1998. Hàng năm, bản quy ước được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhưng về cơ bản có 7 nội dung chính do những cuộc họp bản đề ra. Không chặt phá rừng, không vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, không săn bắn, không lấn chiếm rừng, không chăn thả gia súc trong rừng cấm, không phá hoại dụng cụ bảo vệ rừng, chấp hành nghiêm qui ước của bản về việc bảo vệ rừng…


Phụ nữ Tát Kẻ vừa đi hái măng vừa tham gia tuần rừng

Sau khi thống nhất các quy ước, dân bản trình lên xã, xã trình lên huyện phê duyệt rồi chuyển về cho dân bản ký vào thực thi. Mỗi nhà giữ một bản, dán vào cửa, đi ra đi vào đều có thể thấy”, trưởng bản Quan Văn Thiết tự hào.

Cũng chính vì bản quy ước dán ngay ở cửa, đi ra đi vào đều có thể thấy nên không có điều khoản giảm nhẹ cho những trường hợp vi phạm. Những gia đình không có người nào biết chữ, Bí thư chi bộ, trưởng thôn thay nhau đến đọc cho nghe, lúc nào nhớ nhuyễn thì mới thôi.

Người Dao, người Tày ở Tát Kẻ rất trọng chữ tín. Không cam kết thì thôi, đã cam kết rồi thì trời có sập cũng không vi phạm. Mấy năm nay, Tát Kẻ không phát hiện được trường hợp vi phạm nào. Có lúc, đám lâm tặc cho người mang tiền đến nhà trưởng bản, hứa mua cho cả con trâu để đổi lấy sự im lặng của dân bản, làm ngơ cho chúng tiếp cận với rừng nghiến nghìn năm. Biết tin, dân bản hò nhau đuổi.

Anh Nông Văn Đúng, người tong teo như cây mọc trên núi đá, tiếng Kinh nói chưa sõi nhưng cũng phanh ngực thách thức: Bản tao nghèo đói quen rồi. Không cần tiền của bọn phá rừng. Cút. Cút. Cả đám lâm tặc người xăm trổ lấm lét nhìn nhau rồi bỏ chạy.

Rẻo cao Tát Kẻ nằm giữa thung lũng rừng già. Không điện, không đường, sóng điện thoại cũng không. Hễ phát hiện dấu hiệu có lâm tặc thì chỉ có mỗi cách thông tin là chạy bộ. Bất cứ người lạ nào vào bản đều bị theo dõi. Nếu là bạn thì chẳng ai quý bằng. Còn nếu có ý định xâm hại đến rừng liền bị trục xuất ngay. Dân bản sống dựa vào rừng. Lấy măng, chặt tre, chặt nứa. Họ đi thành từng tổ, vừa kiếm ăn vừa kiêm luôn nhiệm vụ tuần rừng.

Sợ nhất là bị phạt thoát nghèo

Những quy ước giữ rừng của người Tát Kẻ có phần đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Ngay cả những quy định về việc xử lý người vi phạm cũng khá lạ lùng. Trường hợp vi phạm, hình phạt lớn nhất mà người Dao, người Tày ở Tát Kẻ rất sợ là bị loại khỏi danh sách bình xét hộ nghèo hoặc gia đình văn hóa vào cuối năm.

Danh hiệu gia đình văn hóa có thể chờ, chứ không được xét hộ nghèo là cả một vấn đề. Một chuyên gia người nước ngoài khi đến Tuyên Quang thực hiện dự án bảo vệ rừng từng nói: Điều cốt yếu là phải làm sao người dân sống gần rừng bớt đói nghèo thì rừng mới được bảo vệ. Đúc kết ấy đúng với hầu hết các khu rừng khác, còn ở Tát Kẻ, đói nghèo thật đấy, nhưng rừng vẫn được người dân gìn giữ, bảo vệ.

Tát Kẻ có 28 hộ, 122 nhân khẩu, hơn một nửa hộ nghèo, số còn lại cũng cận nghèo. Cả bản vỏn vẹn chưa đầy một ha ruộng nước, không nương rẫy, cuộc sống dựa hoàn toàn vào việc lên rừng lấy lâm sản phụ. Chai mật ong rừng, ngọn măng, cây tre, cây nứa không thể đảm bảo cuộc sống. Mỗi năm thiếu ăn vài ba tháng là chuyện bình thường.

Ví như năm ngoái, hạ thì khô hạn, mất mùa, đông thì sương muối, lạnh thấu xương, không cây gì mọc được. Cả bản phải ăn gạo cứu trợ Nhà nước. Năm nay cũng vậy. Tre nứa trên rừng đến mùa chết đỏ cả một trời, măng rừng chưa mọc nên dân bản bắt được con chuột rừng nào thì quý lắm.

Lại một mùa đói ăn nữa, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai dám nghĩ đến chuyện thỏa hiệp với lâm tặc để phá rừng. “Khổ thì khổ rồi, đói cũng quen rồi, nhưng rừng thì phải giữ”, Trưởng bản Thiết nói.

Tôi đến nhà của đôi vợ chồng người Dao tên là Lý Văn Sài và Triệu Thị Giàng. Hai vợ chồng, ba đứa con, năm nào cũng thiếu ăn. Sài sinh năm 1980 nhưng trông già khúm. Giàng cũng vậy. Vất vả, khổ cực quá mà. Con cái nheo nhóc, trong nhà cũng không có vật dụng gì đáng giá. Nhưng có một chuyện đáng mừng.

Rừng nghiến cổ thụ mọc đến tận vườn nhưng ngôi nhà gia đình Sài ở chỉ tận dụng gỗ mỡ, vách nứa dựng lên. Hỏi sao không kiếm ít gỗ trên rừng về làm căn nhà cho đàng hoàng mà ở? Sài khảng khái: Làm được chứ. Nhưng mà không làm. Sợ vi phạm quy ước của bản. Với lại mình phải giữ rừng cho người dân dưới xuôi không bị lũ lụt. Thật khó tin đó là những lời chia sẻ của một người thất học.


Sống giữa khu rừng bạt ngàn gỗ quý nhưng nhà ở Tát Kẻ chủ yếu làm bằng tre nứa

Vợ chồng Sài tình nguyện dẫn tôi lên cánh rừng nghiến cổ thụ hàng nghìn năm tuổi ở Nà Ngù. Theo tiếng Tày, Nà Ngù nghĩa là ruộng rắn, lãnh địa bất khả xâm phạm của người dân Tát Kẻ. Cả một khu rừng bạt ngàn cây nghiến cổ thụ 5 - 6 người ôm mới xuể. Chính nơi này, cách đây 3 năm, trong lúc hai vợ chồng nhà Sài đi rừng lấy măng thì phát hiện 4 tên lâm tặc đang gùi cưa xăng lên núi. Chồng ở lại theo dõi, vợ chạy về bản gọi người.

Cả bản kéo nhau lên Nà Ngù thấy Sài tay lăm lăm rựa. Tưởng có đánh nhau to rồi, hóa ra không phải. “Thấy bọn chúng vác cưa xăng lên núi tao biết chắc chắn là đi phá rừng nên đến bảo là về đi. Dân bản tao sắp lên đây bắt bọn mày đấy. Rừng này không phá được đâu”, Sài kể chuyện thật mà cứ ngỡ là đùa.

Trên rẻo cao Tát Kẻ bây giờ đã là mùa đông. Sương mù phủ trắng cả đêm lẫn ngày. Điểm trường cắm bản Tát Kẻ. Một căn nhà bằng tre kiêm luôn nhiệm vụ làm nhà nhà văn hóa, nơi họp hành của bản. 4 lớp học chỉ vỏn vẹn có 16 học sinh. Giờ ra chơi thầy giáo Hoàng Văn Kiên và cô Tăng Thị Lý treo mấy tấm ảnh tuyên truyền bảo vệ rừng cho các em tìm hiểu. Trẻ con Tát Kẻ giờ đã biết đến những khái niệm như sinh thái, đa dạng sinh học, quy ước giữ rừng đứa nào cũng thuộc làu làu.

Sau khi Tát Kẻ lập ra quy ước bảo vệ rừng, 3 bản còn lại ở xã Khau Tinh lần lượt làm theo. Khau Tinh có 283 hộ dân, 99% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 67%. Nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng với trên 8.300 ha diện tích rừng tự nhiên, không ai bắt buộc, nhưng những bản làng ở Khau Tinh rất tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Ông Khổng Văn Quang, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang thẳng thắn thừa nhận: Giữ được rừng như Na Hang chủ yếu vẫn phải nhờ những quy ước dân bản như Tát Kẻ. Còn nếu chỉ riêng lực lượng kiểm lâm thì rừng không thể giữ nổi.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.