| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật lâm sinh tăng năng suất keo lai

Thứ Tư 17/09/2014 , 10:12 (GMT+7)

Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ vừa tổ chức hội nghị khuyến lâm “Tối đa giá trị rừng trồng keo cung cấp gỗ xẻ bằng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh”.

Những thông tin từ hội nghị cho thấy có thể đưa rừng keo chỉ lấy gỗ làm dăm, giấy thành rừng lấy gỗ xẻ có giá trị kinh tế cao hơn.

Hội nghị nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của dự án “Quản lý lâm sinh tối ưu và năng suất rừng trồng cho gỗ xẻ chất lượng cao”, do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ phối hợp cùng Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế (ACIAR), thực hiện trong giai đoạn 2008- 2013.

Theo TS Phạm Thế Dũng, Q. Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ, rừng trồng ở nước ta chủ yếu là các loài keo mọc nhanh với kỹ thuật trồng truyền thống nhằm cung cấp gỗ giấy và băm dăm với giá trị rừng thấp.

Việc chuyển đổi mục đích kinh doanh từ rừng SX gỗ bột giấy sang cung cấp gỗ lớn (gỗ xẻ) đang thiếu cả kỹ thuật trồng mới ngay từ ban đầu cũng như kỹ thuật xử lý với rừng cũ có dự định chuyển hóa.

Bởi để có được tỷ lệ sử dụng gỗ cao, gỗ ít bị khuyết tật, khúc gỗ suôn ít mấu mắt… cho mục tiêu làm gỗ xẻ, thì các hoạt động đều phải liên quan, từ khâu chọn giống đến kỹ thuật lâm sinh như trồng, bón phân, tỉa cành, tỉa tán, tỉa thưa, kiểm soát bệnh hại. Chính vì thế, dự án đã khởi đầu nghiên cứu về vấn đề này.

Dự án đã thiết lập 11 thí nghiệm, trải dài từ miền Nam ra miền Trung (Quảng Trị), tới miền Bắc (Tuyên Quang, Hà Nội). Tất cả đều áp dụng kỹ thuật quản lý lập địa (để lại cành nhánh sau khai thác rừng chu kỳ trước, kiểm soát cỏ dại bằng hóa chất ít nhất 2 năm, sử dụng phân lân trong trồng rừng với mức trung bình 50 kg/ha).

Cũng đến năm thứ 8, ở những rừng thí nghiệm áp dụng biện pháp tỉa thưa, khối lượng gỗ xẻ lớn đạt 48,7 m3/ha, gấp hơn 3 lần so với rừng trồng bình thường (16 m3/ha). Đường kính gỗ xẻ ở các rừng thí nghiệm tỉa thưa cũng cao hơn hẳn so với các rừng bình thường (19,8 cm so với 15 cm).

Nhiều kỹ thuật lâm sinh đã giúp nâng cao đáng kể hiệu quả SX cho rừng trồng keo. Chẳng hạn, trước đây, khi chuẩn bị hiện trường trồng rừng, người ta thường dùng các biện pháp như cơ giới (sử dụng các loại máy cày, bừa tác động mạnh đến bề mặt), hóa học (thuốc diệt cỏ) hay đốt toàn diện.

Những phương pháp này đều có những hạn chế lớn: Cơ giới làm thay đổi kết cấu đất, dễ gây rửa trôi bề mặt khi có mưa, khó áp dụng nơi địa hình dốc; chất hóa học dễ gây ô nhiễm môi trường; đốt toàn diện làm hại nhất đến nền đất rừng (giảm 70% chất dinh dưỡng trong đất)…

Còn ở những rừng trồng trong dự án, sẽ giữ lại các vật liệu hữu cơ sau khi khai thác nhằm cải thiện đất. Nhờ đó, đã làm tăng 11,24% chất hữu cơ, 8,33% đạm, 6,97% lân và 3,38% cation. Qua đó, góp phần làm tăng từ 2 - 4 m3/ha/năm.

Th.S Kiều Tuấn Đạt, GĐ Trung tâm Ứng dụng KHKT Lâm nghiệp Nam bộ cho biết, việc bón lân cho rừng trồng keo với liều lượng và kỹ thuật hợp lý sẽ làm tăng sức khỏe và sinh trưởng của keo lai ở giai đoạn mới trồng (vùng Đông Nam bộ bón 10 - 20 kg/ha, miền Trung và phía Bắc có thể bón đến 50 kg/ha).

Đặc biệt, giải pháp tỉa cành, tỉa thưa tạo ra sự khác biệt đáng kể về lợi nhuận và tỷ lệ gỗ xẻ so với rừng bình thường.

Theo Th.S Trần Thanh Cao, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ, lâu nay khi trồng keo lai lấy gỗ, người ta thường trồng mật độ dày.

Biện pháp này làm tăng khối lượng gỗ nói chung, nhưng tỷ lệ gỗ xẻ (gỗ lớn) lại thấp, nên chỉ chủ yếu sử dụng làm dăm gỗ, làm giấy, thành ra hiệu quả kinh tế không cao.

Vì thế, giải pháp tỉa thưa sẽ giúp cho cây keo lai tăng đường kính nhanh hơn để sớm đạt tiêu chuẩn về gỗ xẻ, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn trước đây.

Các lần tỉa gồm tỉa đơn thân (tỉa đầu cành, chỉ để lại thân đẹp nhất, những thân khác cắt 50%; tỉa lần 1 khi 4 tháng, lần 2 khi 8 tháng tuổi), tỉa tạo dáng (tỉa đầu cành, những cành lớn cạnh tranh với thân chính được cắt bỏ 50%; thời điểm tỉa từ 8 - 18 tháng, thực hiện 2 - 3 lần; đảm bảo thân thẳng tới 4,5 m), tỉa cành nâng độ cao tán (thời điểm tỉa từ 18 - 24 tháng, vào đầu mùa khô; tỉa sát thân toàn bộ cành lên độ cao thích hợp; tỉa 1 - 2 lần tùy vào mục đích kinh doanh, tới độ cao 4,5 m) và tỉa thưa (khi cây đạt đường kính từ 11 - 12 cm; tỉa những cây sinh trưởng kém bị bệnh, gẫy ngọn…).

Kết quả trên thực tế đã chứng minh điều này. Khi áp dụng kỹ thuật tỉa thưa ở tuổi thứ 3 với mật độ từ 1.111 cây/ha xuống còn 600 cây/ha, lợi nhuận và tỷ lệ gỗ xẻ cao hơn hẳn so với rừng bình thường.

Cụ thể, tính đến năm thứ 8 (2015), rừng cho lợi nhuận là 120,7 triệu đ/ha. Trong khi đó, lợi nhuận ở rừng bình thường chỉ là 77 triệu đ/ha. Đấy là chưa kể khoản thu nhập từ bán gỗ nhỏ hơn 10 triệu đ/ha khi tiến hành tỉa thưa vào năm thứ 3.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất