| Hotline: 0983.970.780

Ký ức của người cưới trong hầm Đờ Cát

Thứ Tư 09/10/2013 , 10:38 (GMT+7)

Được sự đồng thuận của Đại tướng, đám cưới của bà Toản và Trung tướng Cao Văn Khánh diễn ra ngay trong hầm tướng Đờ Cát, giữa trận địa Mường Thanh.

Những ngày này hàng triệu người dân Việt Nam lần lượt đến ngôi nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (số 30 đường Hoàng Diệu) để dâng lên vị Anh hùng dân tộc nén hương tiễn biệt. Trong một ngôi nhà nhỏ ở Khu tập thể Bệnh viện Quân y 108, bà Nguyễn Thị Ngọc Toản ngày ngày ngồi khóc lặng lẽ bên hai bàn thờ.

Một bàn thờ chồng, Trung tướng Cao Văn Khánh. Một bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà bảo: Chính Đại tướng là người đồng ý cho vợ chồng tôi tổ chức đám cưới lịch sử ở hầm Đờ Cát năm 1954.

Tôi biết bà Toản qua lời giới thiệu của nhà văn Lê Lựu và đạo diễn Đặng Nhật Minh. Cả hai ông đều khẳng định, nếu nói về kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì bà Toản là một "kho tàng".

Tôi đến căn nhà tập thể ở số 1 đường Trần Thánh Tông (Hà Nội). Bà Toản giờ chỉ sống có một mình. Thắp nén nhang trên bàn thờ chồng, trên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp xong bà ngồi lặng lẽ. Ký ức ùa về, nước mắt lại rơi trên khuôn mặt người đàn bà năm nay đã bước qua tuổi 86.


Bà Toản bên di ảnh chồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đám cưới lịch sử trong hầm Đờ Cát

“Cha tôi là quan thượng thư Tôn Thất Đàn, dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn, tôi là nữ sinh Đồng Khánh. Ông nhà tôi vốn con nhà Nho học, chỉ thích đi dạy. Đối với chúng tôi, ở khía cạnh nào anh Văn cũng là người anh lớn. Một người anh dẫn dắt mình đi, cho mình được làm người, đi đúng con đường ý nghĩa nhất Trường Quốc học Huế thời điểm thế hệ chúng tôi theo học có tên là Trường Khải Định.

Bác Hồ học ở đây. Bác Giáp học ở đây. Bác Đồng học ở đây. Chồng tôi cũng học ở đây. Cách mạng đưa tôi đi khi còn là cô nữ sinh, đưa chồng tôi đi khi anh ấy là thầy giáo. Cứ nghĩ đánh giặc một hai năm rồi về, ai ngờ đi đến mấy mươi năm. Tất cả đều là số phận”, bà Toản mở đầu câu chuyện.

Cách mạng tháng Tám bùng lên, thầy giáo Khánh gác bút đi theo và công tác ở Ban chấp hành giải phóng quân, còn nữ sinh Ngọc Toản tham gia cứu thương, bị trục xuất khỏi Huế, năm 1949 theo anh rể là bác sĩ  Đặng Văn Ngữ lên Việt Bắc.

Cũng năm đó, Cao Văn Khánh được điều động ra Việt Bắc giữ chức Đại đoàn phó Đại đoàn 308. Họ gặp gỡ rồi yêu nhau. Mãi đến sau này bà Toản mới biết chuyện tình ấy do các đồng chí Vương Thừa Vũ, Lê Quang Đạo và Giáo sư Tôn Thất Tùng tác thành.

“Trước lúc lên đường theo cách mạng, theo Bác Hồ, theo anh Văn, ông Khánh nhà tôi xác định, đánh xong giặc sẽ xin về quê cưới vợ, dạy học. Vợ phải là người Huế, phải là nữ sinh Đồng Khánh mới chịu. Ai ngờ đi chống giặc triền miên, giật mình nhìn lại thấy sắp già rồi nên anh em, đồng chí giúp sức tìm vợ”, chuyện khá vui nhưng bà Toản vẫn bị nỗi buồn mất mát át cả tâm can.

Gặp gỡ, yêu đương rồi lại phải chia xa. Cuối năm 1953, khi Bộ Tổng tư lệnh điều động Đại  đoàn 308 lên Tây Bắc chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc chia tay, ông Khánh, bà Toản nắm tay nhau thề hẹn đến ngày chiến thắng sẽ làm lễ cưới. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Bà Toản cũng được điều lên Tuần Giáo (Điện Biên) cứu thương.

Sau một ngày đêm đi bộ ròng rã, họ gặp nhau, chưa kịp nói lời nào thì ông Khánh đã phải nhận nhiệm vụ ở lại tiếp quản trận địa Mường Thanh, trao trả tù binh. Kế hoạch tổ chức đám cưới đổ vỡ.

Đem hết tâm sự trình bày với đồng chí Trần Lương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lúc đó. Ông Lương bày cách: Hay là xin phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức đám cưới tại đây luôn. Ông Khánh vốn theo Đại tướng chinh chiến khắp nơi, bà Toản lại là bạn thân của bà Hà (vợ Đại tướng) nên lời thỉnh cầu của đôi uyên ương được chấp thuận.

“Lúc ông nhà tôi xin ý kiến Đại tướng, anh ấy rất vui, liên tục chúc phúc cho chúng tôi và căn dặn, lúc nào về Hà Nội nhớ đưa vợ đến nhà chơi, giới thiệu để tôi xem mặt nhé”, bà Toản kể.

Được sự đồng thuận của Đại tướng, đám cưới của họ diễn ra ngay trong hầm tướng Đờ Cát, giữa trận địa Mường Thanh, nơi mà  mới hôm qua còn là một biển lửa chết chóc. Đó là ngày 22/5/1954.

Giữ đúng lời hẹn với Đại tướng, lúc cùng nhau về Hà Nội, hai ông bà đến ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu để cảm ơn. "Đại tướng rất vui, còn vợ chồng tôi cứ ôm nhau khóc. Ông nhà tôi nói: “Hạnh phúc của chúng em không ngờ lại đến vào lúc bao nhiêu anh em, đồng đội, đồng chí ngã xuống. Chúng em nguyện sẽ sống xứng đáng với những sự hi sinh lớn lao vô cùng”. Nghe thế, Đại tướng vừa cười vừa rươm rướm lệ", bà Toản nhớ lại.

Bây giờ, tấm ảnh cưới bé bằng lòng bàn tay, đã nhuốm màu thời gian vẫn được bà Toản treo ở nơi trang trọng. Trong ảnh, hai vợ chồng ngồi trên tháp pháo xe tăng. Mắt họ cùng hướng lên bầu trời Điện Biên lồng lộng.

Cạnh đó là bức ảnh chụp chung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Cao Văn Khánh trong một chiến dịch. Cả hai người đều không còn nữa. Ông Khánh mất vào năm 1980 do di chứng của chất độc dioxin. Bên cạnh bàn thờ chồng bà Toản để sẵn một bàn thờ khác. Ngày 4/10/2013, bà đặt lên đó di ảnh Đại tướng, một tờ lịch và một bát hương. Với bà, đó là hai Anh hùng bất tử.

Không ai thương anh em hơn anh Văn cả

“Trong lòng thế hệ chúng tôi, anh Văn là người anh cả, người dẫn dắt chúng tôi đi theo lý tưởng cách mạng, một lòng với cách mạng. Cho dù, có nhiều thời điểm thăng trầm trong cuộc đời Đại tướng, nhưng với chúng tôi, anh Văn mãi mãi là tấm gương mà khi chúng tôi nhìn vào đó có thể soi sáng được lòng mình”, bà Toản bắt đầu câu chuyện thứ hai, một câu chuyện về tấm lòng của Đại tướng với nhân dân và của nhân dân với Đại tướng.


Bà Toản: Không ai thương anh em hơn anh Văn cả

Năm 1984, kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhiều đoàn công tác lên với Điện Biên. Bà Toản đi cùng đoàn Quân đội, bao gồm các anh hùng đã chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, các nhà văn, nhà báo… Họ đến đồi A1, đến hầm Đờ Cát…

Trong lòng ai cũng thắc mắc tại sao không thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Điện Biên trong thời khắc trọng đại này. Đứng trước cửa hầm Đờ Cát, nơi 30 năm trước diễn ra đám cưới của mình bà Toản òa lên khóc. Gạt nước mắt, bà nói với anh em trong đoàn: Hôm nay, anh em chúng ta được trở lại Điện Biên, được đi viếng các liệt sĩ ở đồi A1. Nhưng tôi nhớ anh Văn quá. Giá mà được gặp anh ấy ở đây.

Nghe bà Toản nói thế ai nấy đều đồng lòng: Anh Văn là người anh cả của quân đội, người làm nên chiến thắng lịch sử mà cả thế giới phải ngưỡng mộ. Bác Hồ đã dạy “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, một người làm nên lịch sử như thế thì ước gì được gặp, được chúc sức khỏe Đại tướng trong ngày hôm nay. Cuối cùng họ đề đạt nguyện vọng với Ban tổ chức xin được quay về Hà Nội đến nhà thăm Đại tướng.

“Từ Điện Biên chúng tôi đi xe riêng thẳng về nhà Đại tướng. Đi ngang cầu Long Biên, nhiều người tỏ ra ái ngại vì sợ anh Văn bận, sợ làm phiền nhưng tôi nhất quyết đến nhà. Khi nghe tin có anh em trong đoàn của Bộ Quốc phòng từ Điện Biên về thăm, Đại tướng dẫn vợ con ra đón chào nhiệt liệt.

Ngồi báo cáo Đại tướng ở phòng khách tự nhiên tôi òa lên khóc. Tôi nói là báo cáo anh Văn, tất cả anh em, nhân dân đều nhớ đến anh, ai cũng muốn được đến thăm anh nhưng vì điều kiện, chúng tôi xin đại diện đến chúc sức khỏe anh trong ngày trọng đại này”. Bà Toản nói rằng, sau câu nói ấy, Đại tướng lặng đi gần một phút rồi động viên mọi người vui vẻ.

“Con người anh Văn là thế, bình dị, cao quý. Đặc biệt với anh em, đồng chí, đồng đội, chưa thấy anh ấy từ chối khó khăn bao giờ. Không ai thương anh em hơn anh Văn cả”, bà Toản lại khóc.

“Năm 2002, chúng tôi chạy vạy khắp nơi vận động xin thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam để kiện các Cty hóa chất Mỹ. Có thời điểm việc này vô cùng khó, tôi đã khóc khi đến Bộ LĐ -TBXH để đề nghị công nhận những người lính nhiễm chất độc da cam là thương binh nhưng nghe một cán bộ ở đây nói là thương binh thì phải có vết thương.

Công việc vô cùng khó khăn, nếu không có anh Văn thì chúng tôi không làm gì được. Không những giúp đỡ về mặt thủ tục, anh Văn còn nhiều dịp gặp gỡ các nạn nhân dù sức khỏe của anh lúc đó đã yếu dần rồi. Anh động viên chúng tôi, tham gia với chúng tôi trong nhiều sự kiện.

Tôi lại nhớ đến Bác Hồ. Chính Bác Hồ, trước khi mất 7 ngày đã viết thư lên án Tổng thống Mỹ dùng chiến tranh hoá học huỷ diệt nòi giống và môi trường Việt Nam. Bạn thân của tôi, nhà văn Mỹ Lady Borton, đã tìm được bức thư ấy, trong đó có những đoạn tự tay Bác Hồ chữa bằng mực đỏ. Đó là những động lực lớn lao để chúng tôi theo kiện. Chồng tôi chết vì dioxin, con tôi cũng chết vì dioxin, hàng triệu người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng loại chất độc hóa học này”.

Những câu chuyện này chỉ là phần nhỏ trong kho tàng ký ức bà Toản. Xúc động, thương tiếc, nhưng nó sẽ làm bà mạnh mẽ hơn. Ở tuổi 86, người đàn bà gốc Huế này vẫn miệt mài đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Bà bảo, phải sống, phải chiến đấu theo lý tưởng Bác Hồ, theo lý tưởng người anh cả, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cuối buổi trò chuyện, bà Toản và tôi thắp hai nén nhang. Một nén thắp lên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nén thắp lên bàn thờ Trung tướng Cao Văn Khánh. Thắp xong bà lại lặng lẽ ngồi khóc. Có lẽ bà sẽ còn khóc rất lâu dù nước mắt gần như cạn kiệt. Ai cũng hiểu, với bà Toản, có những nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.