| Hotline: 0983.970.780

Ký ức trao truyền của tâm hồn Việt

Thứ Sáu 12/02/2016 , 08:35 (GMT+7)

Việt Nam là quốc gia có văn minh lúa nước, văn hóa nông nghiệp lâu đời, lịch sử dân tộc trên nền tảng canh tác gắn với thiết chế làng. Có thể nói văn hóa Việt là văn hóa làng. Và làng Việt không chỉ ở Việt Nam mà có ở hơn 100 quốc gia trên thế giới.


Làng Việt gắn liền với nền văn minh lúa nước lâu đời

Hà Nội thành phố cổ nhất Việt Nam, ở tuổi 1.006, chuyển biến mạnh mẽ, những quy hoạch thiết kế có tầm nhìn đến 2030 vẫn mang dấu ấn văn hóa làng trong tập quán sinh hoạt ngay ở khu phố trung tâm và nếp sống của nhiều người dân.

GS Sử học Trần Quốc Vượng từng nhận định: “Hà Nội là cái làng lớn”. Trải qua nhiều biến động, biến thiên, đã có lúc mất vị thế trung tâm vì triều đình di dời vào Huế, nhưng Thăng Long luôn là chốn địa linh của nước Việt, với thần khí, nền văn hiến, văn vật không nơi nào sánh được.

Nước ta từng chịu 1.000 năm Bắc thuộc, liên miên phải đối phó với tham vọng, mưu đồ bành trướng của các nước xung quanh. Dân ta từng phải làm nô lệ, đất nước bị thống trị vào tay giặc, chúng ta từng bị mất nước nhưng giành lại được bởi không mất làng.

Dấu ấn văn hóa tâm linh và tính cố kết cộng đồng bền vững nhất của làng Việt Nam là làng quê Bắc bộ. Từ đặc điểm diện tích đồng bằng nhỏ hẹp, khởi nguyên, dân đồng bằng Bắc bộ quần cư, gần gũi cùng canh tác, chống chọi khí hậu, thiên tai trong khi phương Nam là vùng đất mới hơn 300 năm, khí hậu nắng quanh năm, đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu. Điều kiện sống, thiên nhiên ưu đãi khiến con người Nam bộ tính cách hào sảng, phóng khoáng, ít ăn nhịn để dành, lo xa, tích cóp.

Bởi vậy, nói về những đặc trưng đặc sắc làng, tôi muốn nhấn mạnh tới làng quê Bắc bộ, dù vẫn biết sự đa dạng phong phú của các làng quê Việt theo dấu ấn vùng, miền. Cùng lịch sử chính thống được học theo sách giáo khoa các cấp, mỗi người Việt từ nhỏ đã được truyền, kể những truyền thuyết, huyền thoại. Đến giờ, hình tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ vẫn vào tác phẩm nghệ thuật. Lịch sử sống trong tâm linh những người con Việt. Sự tích con Rồng cháu Tiên là niềm tự hào về dòng giống Lạc Hồng, về ý nghĩa đồng bào.

Làng ở miền núi gọi là bản, ở Tây Nguyên gọi là buôn. Mỗi làng là một xã hội thu nhỏ. Những làng cổ bao giờ cũng có đền thờ Thành Hoàng làng, nhân vật có thật, công lớn với làng. Tính bền vững của làng là sức mạnh của đất nước nên mới có câu: “Giữ làng giữ nước”. Làng - Nước thành cặp khái niệm tương hỗ không thể tách rời.

Làng có lệ, hương ước quy định, quy phạm mọi người nếp ăn nết ở, nghĩa vụ, xử thế. Làng trù phú, nề nếp, nghiêm minh, làng học hành khoa bảng, làng sinh ra nhân tài, anh hùng hay dân chân chỉ, quanh năm hay cả đời chỉ biết chuồng trại ruộng đồng, quẩn quanh sau luỹ tre, vẫn là nền tảng làm nên sự hưng thịnh của quốc gia.

Sự ràng buộc của hương ước, tục lệ khiến mỗi người làng được giáo dục từ lúc chào đời đến khi già, lúc về chầu tiên tổ đều gắn bó cả thể xác lẫn tinh hồn, đến phép vua còn phải thua lệ làng. Ai mắc lỗi, phạm tội, có thể lừa dối hay che giấu ở nơi khác, chứ ít khi dám về làng, sợ người làng biết.

Ai phải bôn ba làm ăn xa, quanh năm, năm hết tết đến không thể về làng thì day dứt chông chênh. Dù là ai, hoàn cảnh lý do nào, làng vẫn là nơi để trở về. Vì nơi cắt rốn chôn rau, sinh ra lớn lên, người thân họ hàng, vì mồ mả, hương hoả và kể cả thị dân vẫn có ký ức làng: làng sơ tán, làng đã đi qua.

Ký ức làng được truyền từ thời ông bà. Ký ức làng là lời ru, chuyện kể, ví von so sánh, những thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Ai cũng có quyền và có cớ để tự hào về làng quê của mình. Tự hào về truyền thống, về những danh nhân, người con ưu tú, về nghề, về danh lam thắng cảnh, di tích, phong tục. Tất cả làm nên bản sắc làng. Bản sắc ấy tựu thành bản sắc dân tộc. Làng nghiêm khắc với kẻ làm hổ danh làng, lại độ lượng khi kẻ ăn năn sám hối trở về. Làng như người bà, người mẹ nhân từ ấm áp.

Bà nội tôi luôn tự hào về làng Phù Lưu, làng có chợ Giầu nức tiếng, là làng văn hiến cổ duy nhất của Bắc Ninh và Việt Nam có đường làng lát bằng đá xanh. Nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy biến niềm tự hào về Phù Lưu quê mình thành hình ảnh bất hủ, ông đã đưa đoàn làm phim "Đến hẹn lại lên" về quay tại làng mình năm 1973. Những gì đặc sắc nhất của văn hóa và con người Kinh Bắc trong phim đã khiến "Đến hẹn lại lên" thành một trong những phim kinh điển của Việt Nam.

hoi-lng-phu-luu100317827
Hội làng Phù Lưu, Bắc Ninh, 8/3 Nguyệt lịch hằng năm. (Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo)

Làng Việt không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam, làng Việt có ở nhiều nước trên các châu lục. Sống tụ cư hay không thì mỗi gia đình Việt xa tổ quốc bao giờ cũng có bàn thờ tổ tiên ông bà và ít nhiều đặc điểm sinh hoạt làng xã. Tình làng nghĩa xóm ở quê nhà, đi xa thành tình đồng hương, sang đất khách thành nghĩa đồng bào.

Tại Cộng hoà Séc, hơn 7 vạn người Việt sinh sống hay ở Cộng hoà Pháp có hơn 30 vạn kiều bào mà tôi đã đến mấy lần, chứng kiến và hoà mình với cộng đồng được coi là nơi người Việt đến sinh sống sớm nhất và trí thức nhất trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đều có nhiều chùa.

Mùa Đông năm 2003, khi đến Pháp lần đầu, tôi đã được đưa đến thăm chùa đẹp nhất ở ngoại ô Paris - Trúc Lâm thiền viện, số 9 phố Neufchâtel, 91140 Villebon-sur-Yvette. Các cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam thường đến đây. Như ở Việt Nam chùa còn là nơi đặt tro cốt của những người đã mất muốn nương nhờ cửa Phật.

Tôi đã thăm gian phòng đặt tro của những trí thức nổi tiếng trong đó có GS. Toán học, nhà nghiên cứu văn hoá, giáo dục Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996). 8 năm sau, mùa Đông 2011, tôi lại được TS. Trần Thu Dung đưa đến thăm chùa Khánh Anh, số 14 đường Henri Barbusse, 92220 Bagneux. Khánh Anh nằm trên đường ba hàng cây yên tĩnh, hàng cây cao giữa lối phân cách có hạt to như hạt dẻ, chúng tôi đã nhặt về.

Chùa mang tên Việt, với những đặc điểm căn bản của chùa Việt, thêm chức năng dạy tiếng Việt, hát, võ cho trẻ em, tổ chức những bữa cơm chay để quyên góp, gửi tiền về giúp trẻ em nghèo, nhiễm chất độc da cam hay các cuộc vận động, phong trào, sự kiện lớn của đất nước.

1-tuong-phn-1993100317757
Tương phản (1993) (Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo)

Chùa Việt không chỉ dành cho người Việt thuần chủng, mà còn cho các thế hệ con lai và những người quan tâm, yêu mến Việt Nam. Ít hay nhiều hộ gia đình, ngôi nhà, vẫn làm nên một làng Việt nếu mọi người cùng có tâm hồn yêu nước Việt. Làng Việt xứ người bao giờ cũng có tre trúc, chim, nhà mái ngói, thờ Phật, đồ bằng tre hoặc sản vật của Việt Nam trưng bày, làm tiện nghi sinh hoạt. Dòng máu Lạc Hồng với phái sinh khắp thế giới với những con người thành đạt, các lĩnh vực được nước sở tại biết đến và tôn vinh, thậm chí nổi tiếng ở tầm quốc tế làm nên vinh quang cho tổ quốc, vinh danh, cống hiến cho nước Việt là cách trả ơn sâu sắc nhất với cội nguồn...

Làng nuôi dưỡng biết bao lớp người cả thể xác và tâm hồn nhưng đời này, thế hệ này đến thế hệ khác lại cứ muốn rời làng, bỏ làng bỏ ruộng đồng lên thành phố. Thực ra, hầu như ai cũng về quê lo việc gia đình dòng họ vài lần trong năm song vội vã, nhoáng nhoàng. Nhưng chỉ đến khi mệt mỏi, mất mát, tuổi xế chiều, cần sự yên tĩnh, muốn an dưỡng sau khi đã dành chính yếu thời gian và sinh lực cho những cuộc đua chốn thị thành, người ta mới nghĩ đến việc về quê nghỉ ngơi.

Làng quê thời công nghiệp hoá đang mất dần sự nên thơ, đường làng gạch chỉ lát nghiêng được thay bằng bê tông, tường gạch, người ta ngày càng lãnh đạm với nghĩa vụ phải cống hiến vì cộng đồng. Mặt trái của đô thị hoá - hiện đại hoá là phá vỡ những gì đẹp nhất mà ta hy vọng ở tương lai lại phải tìm trong ký ức trao truyền và hồi tưởng. Những tiếng ru cất lên từ làng thành lời ru đất nước. Hãy cất lên lời ru cho làng, cũng là ru cho tâm hồn chúng ta trong sáng, tươi xanh, bình yên, trở lại khi năm mới đến. Ca khúc "Đất nước lời ru" (1983) của nhạc sĩ Văn Thành Nho mang âm hưởng ca trù, chất chứa văn hóa, khí phách Việt Nam.

Ru con Mẹ ru con tiếng ru cả cuộc đời/Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời/Mẹ Âu Cơ từ xa xưa đi khai thiên lập địa/Lạc Long Quân cùng bao con đi ra nơi biển cả/Ðể đất nước mãi rực rỡ/Một gấm vóc mãi rạng rỡ/Qua bao gian lao Việt Nam ta/Ôi bao yêu thương Việt Nam ta/Ngàn lời ru trong bão giông/Mà ngọt ngào sao câu dân ca/À ơi ơi à ời, à ơi ơi à ời…

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất