| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vọng vào cuộc đổi mới nông thôn

Thứ Ba 18/01/2011 , 13:56 (GMT+7)

Trong Dự thảo chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020 trình Đại hội XI có nêu: "Triển khai chương trình xây dựng NTM phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn..."

Trong Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 trình Đại hội XI có nêu: "Triển khai chương trình xây dựng NTM phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn những nét đặc sắc của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn...". Đây là chủ trương được nhiều đại biểu quan tâm và người dân rất kỳ vọng, chờ đợi.  

Ông Trần Thành NghiệpPhó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng:Cuộc vận động toàn dân

Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI chú trọng việc xây dựng tạo ra diện mạo NTM. Mục tiêu, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM là đúng đắn, cần thiết. Để thực hiện mục tiêu này, theo tôi trước hết phải hiểu cho đúng, từ hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, đoàn thể cho tới người dân. Hiểu đúng ở đây là xây dựng NTM không phải như là một dự án đầu tư mà là một cuộc vận động toàn dân. Trong đó, Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Trước tiên người dân có thể hiểu rằng xây dựng NTM trong vùng qui hoạch của địa phương xã, quanh nhà mình đang ở phải biết gìn giữ vệ sinh môi trường, nhà ở vệ sinh sạch sẽ… Còn Nhà nước sẽ lo những việc lớn hơn mà người dân không thể làm được, như những công trình xây dựng lớn, đường giao thông quan trọng và cơ chế chính sách. Vừa qua một số địa phương còn lúng túng, thậm chí có người còn hiểu rằng xây dựng NTM là Nhà nước sẽ đổ tiền vào đầu tư xây dựng. Mặt khác, để thực hiện xây dựng NTM Nhà nước đã ban hành những cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về vùng nông thôn; chính sách đào tạo nghề nông thôn. Đó là những điều kiện giúp cho người lao động có thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, tạo chuyển biến lớn nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.

Riêng ở tỉnh Sóc Trăng, trong những năm qua nhờ quá trình thực hiện Quyết định 99/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Chương trình 134, 135 cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn, nước sạch được nâng lên một bước đáng kể. Tuy nhiên, một số công trình đầu tư chưa đạt tiêu chuẩn. Ở một số địa phương xã vì công tác qui hoạch chậm nên vẫn còn một bộ phận người dân tạm cư rải rác không theo qui hoạch mới. Đây là mặt tồn tại, khó khăn. Vì vậy, để tập trung tạo nguồn lực, nâng cao nhận thức người dân góp sức cùng Nhà nước trong công tác xây dựng NTM, Nhà nước cần chú trọng đào tạo nâng cao năng lực và quan tâm chính sách đãi ngộ đội ngũ cán bộ cơ sở. Sắp tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức sơ kết công tác xây dựng NTM của 10 xã thí điểm trên địa bàn tỉnh. Qua đó thẳng thắn nhìn nhận và rút ra những mặt làm được, chưa được để từ đó chính quyền địa phương các cấp phối hợp các đoàn thể cùng vận động nhân dân quyết tâm dân dựng tạo diện mạo mới làng xóm nông thôn quê mình.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Nhân dân đồng thuận rất cao

An Giang chọn được 11 xã điểm triển khai xây dựng NTM/136 xã của tỉnh. Mặc dù đến nay tỉnh vẫn chưa nhận được vốn từ Trung ương hỗ trợ để xây dựng NTM. Tuy nhiên, tỉnh vẫn quyết tâm triển khai thực hiện ở các xã điểm và nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Cái mới của An Giang trong xây dựng NTM là đưa ra 3 chỉ tiêu: Hỗ trợ từ Trung ương; Tự làm; Thống nhất từ ý dân. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM của Chính phủ đưa ra, An Giang còn đưa thêm 1 tiêu chí nữa là ứng dụng KHCN sau thu hoạch, tổng cộng 20 tiêu chí.

Khó khăn trong triển khai xây dựng NTM là vẫn còn tư tưởng ỷ lại của dân và của cả lãnh đạo. Cái khó tiếp theo là đưa ra xây dựng NTM như thế nào gần như chưa có hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn như Nghị quyết 63 của Thủ tướng Chính phủ về an ninh lương thực, Nghị quyết 48 của Thủ tướng Chính phủ triển khai ưu đãi làm kho chứa lúa gạo nhưng khi triển khai lại quá chậm đó là một trong những trở ngại trong việc xây dựng NTM.

Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Tân (Vĩnh Long): Mong ước nông thôn văn minh, giàu đẹp

Trong báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng tôi quan tâm nhiều đến “xây dựng NTM theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân”.

Bình Tân là huyện mới chia tách từ huyện Bình Minh (Vĩnh Long), nhưng đã được tỉnh chọn ra 1 xã điểm để xây dựng NTM, đó là xã Thành Đông. Ngoài ra, huyện cũng chọn thêm 2 xã điểm nữa. Dự trù kinh phí thực hiện các dự án, công trình cơ sở hạ tầng xây dựng xã NTM trên địa bàn huyện trong năm 2011 hơn 147 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc đầu tư kinh phí cho các xã để xây dựng NTM không đồng bộ. Hơn nữa, việc lập và triển khai thực hiện đề án xây dựng xã NTM hầu hết các xã còn khoán trắng cho cán bộ nông nghiệp xã lập, trong khi đề án mang tính quy hoạch tổng quan về phát triển KT-VH-XH, ANTT của địa phương.

Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang: Nông dân ủng hộ cao

Chương trình xây dựng NTM do Trung ương triển khai đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân nên rất được địa phương và nông dân đồng tình ủng hộ. Thực tế cho thấy, qua mô hình thí điểm tại xã Định Hòa (1 trong 11 xã trên cả nước) ở huyện Gò Quao, Kiên Giang, đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thu nhập của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày.

Hiện nay, Kiên Giang đang triển khai thêm 40 xã trong toàn tỉnh, trong đó có 1 huyện NTM với mục tiêu đạt ra là đến năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí về NTM. Bài toán kinh phí đầu tư hạ tầng vẫn là điều nan giải nhất hiện nay. Vì thực tế, để xây dựng hoàn chỉnh 1 xã NTM cần khoản kinh phí khá lớn, tới hàng trăm tỷ đồng. Điều này nằm ngoài khả năng của địa phương khi triển khai trên bình diện rộng vài chục xã như hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận của người dân. Muốn như vậy thì phải chọn được khâu đột phá để nâng cao thu nhập cho người dân. Kinh tế hợp tác và ứng dụng nhanh tiến bộ KHKT để nâng cao hiệu quả sản xuất là yếu tố quan trọng được ngành nông nghiệp Kiên Giang chọn để triển khai xây dựng NTM. Khi kinh tế đã khá lên thì việc huy động sức dân sẽ dễ dàng hơn.

Tiến sĩ  Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL - Trường ĐH Cần Thơ: Liên kết vùng để phát huy lợi thế xây dựng xã NTM

Theo tôi nghĩ mô hình xã NTM là nền tảng quan trọng cho quá trình "Hiện đại hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn". Hiện nay lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL đã đánh giá hiện trạng 19 tiêu chí xã NTM và lập kế hoạch đầu tư phát triển 19 tiêu chí này theo tình hình cụ thể từng xã. Trong đó mỗi tỉnh chọn ra các xã để xây dựng xã NTM. Vừa qua Trung ương có xây dựng mô hình xã điểm xây dựng xã NTM mang tính chất đại diện vùng, đặc biệt ở các địa phương khó khăn. Tuy vậy, tôi nhận thấy có mấy vấn đề cần quan tâm.

 Để xây dựng NTM thành công có cách liên kết và tham gia như sau: (1) Liên kết dọc là liên kết Bộ, Ngành Trung ương liên quan thực hiện 19 tiêu chí đưa vào Nghị quyết 800 TTg của Chính phủ về xã NTM; (2) Liên kết ngang là sự tổ chức và điều phối sự tham gia của các Sở, Ngành và huyện để tạo nguồn lực thực hiện 19 tiêu chí cấp xã; (3) Liên kết vùng là điều kiện và môi trường thuận lợi để các địa phương xây dựng các tiêu chí xã NTM thông qua thị trường; (4) Về tham gia, cần huy động vai trò tham gia cộng đồng và khả năng lãnh đạo của cấp xã để thực hiện 19 tiêu chí; (5) Trong xây dựng, đánh giá và nhân rộng xã điểm NTM cần rút ra bài học về những mặt được và chưa được để cải tiến xây dựng xã NTM hàng năm, từ đó có kế hoạch cải tiến.

Nếu tạo được sự đồng thuận và tham gia tốt thì khi xây dựng xã NTM người dân và chính quyền địa phương sẽ nghĩ đây là việc của chính mình và họ không trông chờ, đồng thời năng động hơn lập kế hoạch và tranh thủ nguồn lực từ trên xuống và biết tận dụng được nguồn lực tại địa phương mình. Như thế xã NTM càng không trông chờ và ỷ lại từ Nhà nước.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.