| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên:

Kỳ vọng vào sức bút trẻ của thế hệ trẻ!

Thứ Sáu 03/02/2017 , 07:45 (GMT+7)

“Kỳ vọng về văn trẻ trong năm 2017 trở đi, tôi một mặt tin vào cái trẻ của họ. Cái trẻ là dám nghĩ, dám viết, dám thử nghiệm, dám chấp nhận thất bại, rủi ro...

“Kỳ vọng về văn trẻ trong năm 2017 trở đi, tôi một mặt tin vào cái trẻ của họ. Cái trẻ là dám nghĩ, dám viết, dám thử nghiệm, dám chấp nhận thất bại, rủi ro. Còn một mặt nữa kỳ vọng họ vượt qua cái trẻ là cái nhất thời, cái nông nổi, không có một đường hướng rõ ràng cho văn nghiệp của mình”, đó là những chia sẻ của Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội với Báo NNVN.

17-23-02_img_4996
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên

 

Điều gì đã khiến ông rất “chịu chơi” với các cây bút trẻ và “chịu đọc” các tác phẩm của họ như vậy?

Tôi vẫn thường hay nói thế hệ nào cũng có trách nhiệm của thế hệ ấy, bổn phận của thế hệ ấy, công việc của thế hệ ấy và không thế hệ nào làm thay thế hệ nào hết cả. Do đó, nói trong văn chương thì tiếng nói của thế hệ nào cũng phải là người của thế hệ đó nói. Sáng tác của thế hệ đó phải có một đội ngũ phê bình của họ.

Dịch thuật, thơ văn cũng thế, là của người cùng thế hệ. Mặc dầu cuộc đời con người trong xã hội bao giờ cũng có rất nhiều thế hệ đan xen, thế hệ ông cha chú, thế hệ đàn anh, nhưng nói văn trẻ ở đây, tôi lấy trong giới hạn đội ngũ 7x, 8x, 9x, mà chủ yếu là thế hệ 8x, 9x bây giờ - những người tiệm cận cuối thế kỷ XX -  bây giờ là thời của họ. Không gian địa lý, không gian xã hội đã khác; không gian tinh thần cũng khác, thời đại cũng khác thì họ phải viết ra. Nếu nhìn như thế thì hiện nay chúng ta thấy có một diện, một nền văn học nhìn vào đâu cũng thấy trẻ.

Ví dụ nhìn vào đây thấy thế hệ văn học chống Mỹ vẫn còn ánh hồi quang; thế hệ hậu chiến bằng tuổi tôi - từ 60 - là cái bản lề giữa chiến tranh và hậu chiến. Còn thế hệ sau này chính họ đóng vai chủ lực, họ đang viết.

Nhìn vào trong thơ, văn, lý luận phê bình và dịch thuật rất nhiều người trẻ. Trong lĩnh vực của tôi - đội ngũ lý luận phê bình - thấy rõ nhất. Những tên tuổi mới xuất hiện, những bài viết mới, những cuốn sách mới đều là của những người trẻ. Nếu như trước đây chúng ta hay nói đến tên của Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ; rồi Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân; sau này thì Đỗ Lai Thúy, Chu Văn Sơn…

Không thể quên Phạm Xuân Nguyên?

Cả Phạm Xuân Nguyên (cười). Thì bây giờ người ta sẽ nói đến Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Trần Ngọc Hiếu, Trần Thiện Khanh, Cao Việt Dũng, Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh… Đều là những tên tuổi mới. Họ đang tiến vào trung tâm còn chúng tôi đang ra ngoại vi. Đó là hợp lẽ thường tình.

Đọc một loạt bài của lớp trẻ như tôi vừa nhắc ở trên thì bản thân tôi người luôn luôn cố gắng đồng hành với thời đại, muốn cập nhật các lý thuyết văn chương mới, rõ ràng các bạn ấy có một cách nhìn khác tôi, có một giọng văn phê bình khác tôi, có một cách tiếp cận vấn đề khác tôi.

Tôi dù rất muốn thì tôi cũng không thể như họ được. Đấy là điều đáng mừng. Cái đó giúp họ đưa lại cho đời sống văn học một sinh khí mới. Họ đọc lại người xưa, người trước khác với các bậc đàn anh, bậc đi trước và họ đồng hành được với giới sáng tác của thế hệ mình. Rõ ràng như vậy.

Ngay cả trong dịch thuật, trước đây người ta nhắc đến những tên tuổi như Dương Tường, Nguyễn Thụy Ứng, Phạm Toàn… nhưng bây giờ là Hương Nhi…

Hiện nay ở một số công ty xuất bản có một đội ngũ dịch rất trẻ, làm việc rất nghiêm túc, rất bài bản, rất trình độ. Như thế ta mới thấy tại sao sách dịch vẫn được xuất bản nhiều như thế, cập nhật như thế, chính là nhờ những người trẻ. Tất nhiên họ làm việc như thế thì họ cũng có những thách thức của họ.

Trong sáng tác, hoàn toàn những tên tuổi mới. Có thể lấy ví dụ như Hạnh Nguyên, Huỳnh Trọng Khang, Đinh Phương, Chu Thùy Anh... Những cái tên bắt đầu xuất hiện và bắt đầu được chú ý. Đinh Phương học Trường viết văn Nguyễn Du, về làm báo ở Quảng Ninh. Cách viết bắt đầu gây chú ý, một cách viết khác. Mới đây nhất Đinh Phương cho ra mắt tiểu thuyết “Nhụy khúc".

Còn trước đó là hai tập truyện ngắn là “Những đứa con của Chúa Trời” và “Đợi đến lượt”. Một cách viết rõ ràng mới lạ mà tôi gọi là không phải viết theo tuyến tính. Đinh Phương viết theo tâm trạng, viết theo cách thức mới, rõ ràng nó đưa đến một cái mà tôi nói trước khi mới thì phải lạ. Cái lạ khiến cho độc giả cũng phải phân hóa, người thích và người thì không thích.

Huỳnh Trọng Khang xuất hiện với tác phẩm đầu tiên đã được chú ý tức là có nội lực, có khả năng. Như Hạnh Nguyên cùng với cuốn “Những thiếu thời lơ lửng” viết từ khi còn học phổ thông cho đến cuốn mới đây là “Say”. Tóm lại, nền văn học hiện nay, đúng là của lớp trẻ. Trên cái nền đó, chúng ta hy vọng và bắt đầu có những tên tuổi được nhắc đến.

Quay trở lại với lý luận phê bình văn học thì những cây bút phê bình trẻ cũng đã khiến cho những nhà phê bình bảo thủ nhất cũng phải chấp nhận?

Tôi có nói ở Viện Văn học nơi tôi làm việc, các anh cùng lứa như tôi không thể viết được một văn bản như thế hệ các nhà phê bình trẻ hiện nay. Một văn bản bằng cách dẫn dắt, bằng giọng điệu lạ, mới, khác hẳn. Các hệ hình đã khác nhau. Cách dẫn dắt vấn đề đã khác hoàn toàn.

Tôi thấy rất là khoái cảm. Nhiều lúc như thách thức tôi. Tôi là người cập nhật nhưng đọc văn của những cây bút phê bình trẻ đôi lúc tôi thấy tôi cũng không viết được như họ. Nhiều chỗ tôi đọc họ không thể hiểu ngay được. Còn khi đã hiểu được thì tôi rất là sướng.

Lý luận phê bình cũng đã thúc đẩy sảng tác lẫn dịch thuật để bước đầu xuất hiện những tác phẩm lạ, khác và mới. Ông nghĩ sao về điều này và kỳ vọng gì ở các tác giả trẻ?

Theo tôi thấy đó là cái hợp lẽ tự nhiên và cái đáng mừng. Nếu như đến bây giờ họ vẫn viết như kiểu cổ điển, như kiểu truyền thống thì mới đáng lo. Kỳ vọng gì ở họ? Tôi kỳ vọng những người viết đó sẽ trở thành những tác giả, những người viết đó sẽ kiên định với mình và anh tạo ra được giá trị mới của mình.

Những kỳ vọng đó với mỗi thế hệ đều luôn luôn có nhưng bao giờ cũng đi đôi với nỗi phấp phỏng và lo âu. Vì trước đây tôi rất hay viết những bài tổng kết văn học cuối năm và bao giờ cũng có nói sau khi nhìn lại cái đã qua và nhìn cái sắp tới thì ra một điều lâu nay với tư cách người làm văn học Việt Nam hiện đại thì một điều mong mỏi và một điều phải nói thật là người viết của chúng ta hình như không đủ dũng cảm, không đủ nghị lực, không đủ quyết tâm đến mức đi trọn con đường của mình. Tức là nhất quán một đường văn mình đã chọn, nhất quán một lối viết mình đã chọn.

Có lần tôi nói, nhà văn không chỉ viết cho độc giả mà còn tạo ra độc giả cho mình, tạo ra lối viết cho mình, thì cái đấy hình như hơi ít nhà văn làm được điều đó. Có một nhà văn trước đây là trẻ, bây giờ cũng đã ngoài 50 tuổi rồi là anh Nguyễn Bình Phương, anh viết - tôi đã dùng chữ “lầm lũi” - anh đi theo con đường của anh, anh không bị tác động bởi những thời thượng, thị hiếu, anh viết theo cái của anh.

Sáng tác của anh không dễ đọc nhưng cuối cùng anh tạo cho mình được một lớp độc giả, một số người quen với văn của anh và anh tạo ra được giá trị của mình. Với lớp trẻ bây giờ tôi cũng trông mong như thế.

Chúng ta hay nói nhiều về văn xuôi. Còn thơ Việt đi về đâu chúng ta vẫn chưa biết...

Đúng rồi. Thơ cựa quậy nhiều nhưng cuối cùng hơn 40 năm qua thơ Việt Nam thì thơ bao giờ cũng đi trước, thơ nổ ra tranh cãi kịch liệt, gay gắt nhưng cuối cùng hình như thơ Việt vẫn chưa khai phá được cái gì mới nhiều.

17-23-02_phm-xun-nguyen-2015
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên tại Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội (2015)
 

Tựu chung lại, tôi mong rằng các nhà phê bình hãy đặt cho mình mục đích, đề tài, ví dụ mổ xẻ văn học Việt Nam thế kỷ XX, hoặc văn học Việt Nam từ thời hậu chiến với những tác giả của thời này, trở thành chuyên gia và đi sâu vào đấy. Đó là kỳ vọng mà tôi phấp phỏng lo sợ thất vọng cũng là ở như thế.

Các nhà văn cũng thế. Anh phải tạo ra cái mới, cái lạ trước đã. Cho nên, nếu kỳ vọng vào văn trẻ trong năm 2017 trở đi, tôi mong một điều: Họ phải vượt qua cái trẻ của mình. Nhanh chóng vượt qua cái trẻ, hiểu như cái ban đầu, cái nhất thời, cái bồng bột, viết như chơi, viết để chơi, viết để thử, thích thì làm không thích thì thôi, họ phải vượt qua những cái đó để nhanh chóng định hình và xác lập được vị trí của mình.

Tổng kết văn học năm 2016 vừa qua, ông nhắc tới 4 già và 4 trẻ. Trong 4 tác giả trẻ thì Huỳnh Trọng Khang mới 22 tuổi vừa “trình làng” tiểu thuyết “Mộ phần tuổi trẻ” đã gây ngạc nhiên cho người đọc.

Tôi cũng đang rất hồi hộp chờ xem Huỳnh Trọng Khang sắp tới sẽ viết như thế nào nữa, anh có đi tới được con đường này không? Tôi đánh giá cao Huỳnh Trọng Khang còn ở chỗ một chàng trai sinh năm 1994, sinh sau chiến tranh rất lâu, mà qua tác phẩm của mình - tình yêu thời chiến tranh - chứ không phải những chuyện vụn vặt như bây giờ. Tuổi trẻ thời chiến tranh bị bóp nghẹt.

Mở đầu tác phẩm là một bữa ăn trong đó nhân vật những Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… Tình yêu thời chiến tranh mà viết chắc tay như thế. Đáng kinh ngạc và đáng vui mừng chứ.

Nói như thế cũng có nghĩa là nói đến tính chuyên nghiệp của nghề văn. Chúng ta thường hay thấy có vẻ rất nhiều người trẻ coi văn chương như một thứ chơi, một thứ tiện tay thì làm, sau đó có thể bỏ ngang không làm nữa. Đó cũng là điều đáng lo.

Cho nên tôi kỳ vọng những người viết văn trẻ cứ đi hết con đường văn chương. Có thể mình chỉ thành công ở mức độ này thôi, mình chưa đi lên đến đỉnh được nhưng những cái đi tới đó nó rất có ích cho những lớp sau. Tức là chúng ta luôn thiếu những người chịu làm người thất bại.

Nhưng trong năm vừa qua, khi nhìn vào việc trao giải thưởng, tôi xin lấy ngay ví dụ như của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, rõ ràng gần như các tác phẩm được trao giải vẫn là những cây bút đã định hình, đã quá quen thuộc, tôi không muốn nói là đã quá già cỗi. Chúng ta không tìm được tác giả trẻ để trao giải. Vì sao vậy?

Có hai cái. Một là giá trị chất lượng của tác phẩm. Hai là cách nhìn của hội đồng, của các thành viên trong ban giám khảo.

Tôi là người có thể nói đứng ở phía người trao giải, tôi làm ở Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, thì thú thực, tôi rất muốn giải được trao cho những người trẻ. Phải nói thế này, ngay cả trong ban giám khảo chúng tôi cũng vậy, người ta đọc trẻ ít và người ta cũng chưa đánh giá cao vai trò văn trẻ. Họ còn bị áp lực của truyền thống là nhìn một chiều.

Ví dụ tôi nói ngay, trong nhiệm kỳ vừa rồi của Hội Nhà văn Hà Nội, một trong những cái tôi tiếc nhất là tôi đã không trao được giải trẻ cho cuốn “Những thiếu thời lơ lửng” của Hạnh Nguyên. Một cuốn mà tôi đọc, tôi đưa ra giới thiệu với hội đồng và tôi cố thuyết phục nhưng hội đồng chưa đọc và chưa hiểu hết được. Rất nhiều nơi trao giải cứ nhăm nhăm vào sự ổn định chứ không phải phát triển, phát hiện.

Thật ra nên có giải cho trẻ, điều mà khi làm công tác hội tôi rất muốn. Trong quá trình tôi làm, tôi đưa cuốn “Có một phố vừa đi qua phố” của Đinh Vũ Hoàng Nguyên vào giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô. Một tác giả đã mất nhưng rõ ràng tác phẩm đưa đến một cách viết khác, một bút pháp khác lạ.

Hai tác giả phê bình trẻ khác là Nguyễn Hoài Nam (SN 1975) với “Mùi chữ” và Đoàn Ánh Dương (SN 1984) với “Không gian văn học đương đại”. Điều này đòi hỏi người chấm giải, người thẩm định phải cập nhật, phải đương thời với những cái mới mẻ.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.