| Hotline: 0983.970.780

Lạ lùng bình ổn giá ở Hà Nội

Thứ Sáu 19/11/2010 , 10:51 (GMT+7)

Cho dù có đến 385 điểm bình ổn giá trong toàn TP nhưng có vẻ như chương trình này của UBND TP Hà Nội không thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn.

*TS Vũ Đình Ánh: Sao chỉ có 9 mặt hàng bình ổn? Chúng ta đang duy ý chí!

Cho dù có đến 385 điểm bình ổn giá trong toàn TP nhưng có vẻ như chương trình này của UBND TP Hà Nội không thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn.

Giá bình ổn cao hơn thị trường

Sau hơn hai tháng thực hiện chương trình bình ổn giá 9 mặt hàng tại 385 điểm bán hàng trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều mặt hàng tại các siêu thị đã tăng giá khiến người tiêu dùng không khỏi bất ngờ. Điều đáng bàn là hàng bình ổn trong siêu thị còn cao hơn hàng thị trường.

Bảng báo giá tại Hapromart Thành Công ở nhóm hàng thực phẩm: Gạo Bắc Hương giá 14.400 đồng/kg, rau muống 5.000 đồng/mớ. Dầu ăn Neptune chai 1 lít có giá 33.800 đồng/chai và 152.000 đồng/can 5 lít. Dầu ăn Simply có giá 35.000 đồng/chai 1 lít và 164.000 đồng/can 5 lít. Trứng gà so giá từ 33.000 đồng/giỏ 10 quả... Trong khi đó, tại chợ Thành Công, sau khi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, trứng gà ta cũng chỉ dừng lại ở 3.000 đồng/quả. Gạo Bắc Hương 13.300 đồng/kg, thịt lợn xay 16.000 đồng/hộp...

Để thực hiện bình ổn giá cả, TP Hà Nội đã chi 400 tỷ đồng cho các DN dự trữ bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu và chương trình bình ổn giá đã được tổ chức tại 385 điểm bán hàng bình ổn giá. Thế nhưng, theo khảo sát của NNVN, dù giá cả tăng cao nhưng các điểm bình ổn giá này khá vắng khách. Tại điểm bình ổn giá VNF1 phố Vạn Phúc (Ba Đình), người bán hàng cho hay khách mua hàng vì nhu cầu chứ không mảy may bận tâm tới hàng đó được bình ổn thế nào ở đây.

Được biết, nằm trong chương trình bình ổn giá 2010, các DN được vay vốn ưu đãi để dự trữ hàng bình ổn giá, cam kết bán hàng thấp hơn giá thị trường 10%, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, giá bán những mặt hàng bình ổn cao hơn thị trường đã khiến cho các bà nội trợ không khỏi ngỡ ngàng. “Mất thời gian đi đến các điểm bình ổn để mua được hàng đắt hơn thật là vô lý”, chị Thu Hương (khu tập thể Giảng Võ) bức xúc nói. 

Tại sao hàng bình ổn lại cao hơn hàng thị trường? Liệu có phải, chương trình bình ổn giá đang bị lợi dụng? Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, giá hàng hóa bình ổn trong siêu thị cao hơn giá hàng chợ là điều dễ hiểu, bởi lẽ hàng hóa ở siêu thị, các loại thuế và chi phí mặt bằng, nhân công... được tính vào sản phẩm. Tuy nhiên, điểm bất hợp lý trong việc hỗ trợ bình ổn giá mà Hà Nội đang tiến hành là ở chỗ, hàng bình ổn giá chỉ được bán trong siêu thị.

“Duy ý chí” trong việc bình ổn giá

Theo phản ánh của các DN, trong quá trình thực hiện bình ổn giá theo chủ trương của TP, DN đã gặp một số khó khăn như khi giảm giá hàng thuộc diện bình ổn trong siêu thị, tư thương đã mua lại chính mặt hàng này để bán lại ra thị trường. Trong khi đó, để thực hiện mục tiêu bình ổn giá, có thời điểm DN thậm chí chấp nhận lỗ để giữ giá thấp hơn thị trường 10%. Một số DN kinh doanh mặt hàng thịt tươi sống đề xuất, mặt hàng này không thể dự trữ lâu dài như những mặt hàng bình ổn giá còn lại, nên mức giảm giá khi thực hiện bình ổn chỉ nên là 5%...

Sẽ thanh tra các điểm bán hàng bình ổn giá 

Sở Công thương Hà Nội cho biết, trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11, giá nhiều mặt hàng thiết yếu có chiều hướng tăng cao. Sở đề nghị các DN thực hiện nghiêm việc dự trữ 9 mặt hàng bình ổn giá, chủ động đăng ký điểm bán hàng, các mặt hàng và đăng ký giá hàng bình ổn theo đúng quy định. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ thanh, kiểm tra việc bán hàng tại 385 điểm đã được DN đăng ký.

Bình luận về việc Hà Nội đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để tiến hành bình ổn giá đối với các loại hàng thiết yếu nhưng giá cao hơn so với giá ngoài thị trường, ngoài ra có thể các mặt hàng bình ổn giá đã bị tư thương thâu tóm, nâng giá, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), TS Vũ Đình Ánh, cho rằng: Xét về mặt vận hành theo cơ chế thị trường thì rõ ràng các biện pháp bình ổn giá có hiệu quả rất hạn chế, nhất là tác động tới thị trường. Trong một chừng mực nào đó chúng ta chưa tìm ra được cách nào can thiệp vào thị trường để bình ổn giá.

Theo ông Ánh, có thể nhìn nhận việc bình ổn giá vừa qua mới như là một cam kết của Chính phủ với người dân rằng, vẫn đang có những biện pháp can thiệp chứ không có sự thả nổi cho giá có thể biến động thế nào cũng được. “Tuy nhiên, không thể dùng chỉ có 9 mặt hàng để bình ổn, vì số lượng quá ít. Chúng ta đang duy ý chí trong việc sử dụng công cụ bình ổn giá để điều tiết thị trường”, ông Ánh nói.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, các mặt hàng thiết yếu được đưa vào bình ổn giá đang thực sự làm lợi cho những người giàu. Như vậy, hiệu quả công tác hỗ trợ bình ổn giá, ổn định thị trường không thể thu được kết quả như mong muốn.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm