| Hotline: 0983.970.780

Là thành viên WTO, Việt Nam cần thực hiện theo thông lệ quốc tế

Thứ Bảy 19/01/2013 , 11:15 (GMT+7)

Nhập khẩu nội tạng trắng đang là vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận, việc này có ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước hay không? Phóng viên báo NNVN đã có buổi làm việc với ông Lương Thế Phiệt, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp & PTNT.

Việc nhập khẩu nội tạng trắng đang là vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận trong nước. Nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao trước đây đã tạm dừng, bây giờ lại đề xuất cho nhập khẩu trở lại? Nhập khẩu nội tạng trắng có ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước hay không?... Để tìm câu trả lời, phóng viên báo NNVN đã có buổi làm việc với ông Lương Thế Phiệt, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp & PTNT. 


 Ông Lương Thế Phiệt, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp & PTNT. 

Để đảm bảo VSATTP chúng ta đã ngừng nhập khẩu nội tạng từ năm 2010 nhưng gần đây Bộ NN&PTNT lại đề xuất với Chính Phủ tiếp tục cho nhập khẩu nội tạng. Vì sao phải tiếp tục nhập khẩu nội tạng, thưa ông?  

Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và PTNT là đầu mối thực hiện Hiệp định về việc Áp dụng các biện pháp ATTP và Kiểm dịch Động Thực vật của WTO (theo Quyết định 99/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Do vậy, Bộ được giao chủ trì báo cáo Chính phủ về những tác động đến thương mại nông sản thực phẩm có liên quan tới việc áp dụng các biện pháp nói trên.

Nội tạng động vật nói chung (cả trắng và đỏ), trước đây vẫn được nhập khẩu và buôn bán bình thường tại Việt Nam. Tuy nhiên vào khoảng đầu năm 2010 báo chí phản ánh nhiều về hiện tượng nội tạng không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan trên thị trường, có nguy cơ gây mất ATTP, làm công luận bức xúc. Trước tình hình đó, ngày 7/7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1152 về tăng cường quản lý sản phẩm đông lạnh nhập khẩu trong đó có nội dung liên quan đến việc tạm dừng nhập khẩu các loại nội tạng gia súc, gia cầm đông lạnh. 

Ngay sau khi thực hiện tạm dừng nhập khẩu các loại nội tạng, chúng đã gặp phải phản ứng gay gắt từ chính phủ các nước thành viên WTO. Phản ứng của các nước đều bắt nguồn từ những nguyên tắc của WTO mà chúng ta đã cam kết. Do vây, sau khi cân nhắc mức độ rủi ro của các loại nội tạng và xem xét lại các điều kiện thực tế, ngày 21/9/2010 Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng CP, đề nghị cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng đỏ gồm tim, gan, thận của gia súc và tim, gan gia cầm đông lạnh. Còn đối với các lọaị nội tạng trắng như tràng, tinh hoàn, mề gà, chúng ta vẫn duy trì việc tạm dừng cho đến nay. Lý do của của việc duy trì tạm dừng nhập khẩu nội tạng trắng là để chúng ta có thời gian hoàn thiện về mặt pháp lý, đưa ra các biện pháp kĩ thuật kiểm soát phù hợp, nhằm đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng.

Đến nay, đã trên 2 năm, phía Việt Nam tiếp tục chịu rất nhiều áp lực từ quốc tế. Điều đáng lưu ý là những áp lực đó chỉ đến từ chính phủ các nước thành viên WTO chứ không phải từ doanh nghiệp. Các nước đều cho rằng Việt Nam đã vi phạm quy định của Hiệp định về việc Áp dụng các biện pháp ATTP và Kiểm dịch Động Thực vật trong việc cấm nhập khẩu nội tạng trắng. Việt Nam chưa đưa ra được bất kỳ chứng cứ khoa học nào cho biện pháp tạm thời này mà vẫn duy trì nó trong thời gian qúa dài, điều đó không phù hợp với quy định quốc tế. Trong suốt thời gian này, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã nhận được nhiều công thư từ các nước, đồng thời phải tiếp rất nhiều đoàn công tác đến Việt Nam, chủ yếu là các nước đối tác thương mại lớn, có nước đã nhiều lần đến. Họ đều yêu cầu Việt Nam tuân thủ các cam kết và dỡ bỏ ngay việc ngừng nhập khẩu này. Trong những diễn biến khác, một số đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT ra nước ngoài đã bị phía bạn đưa vấn đề về nội tạng trắng để cản trở khi chúng ta đề cập đến việc xử lý những vấn đề vướng mắc liên quan đến xuất khẩu nông sản của ta. Do vậy chúng tôi cho rằng cho phép nhập khẩu và kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ là hướng đi đúng đắn mà chúng ta phải làm đối với nội tạng trắng. Đây là một lý do quan trọng để Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ cho phép nhập khẩu trở lại. Trong xu hướng hôi nhập hiện nay, các nước thành viênWTO cũng đều áp dụng cách này đối với nhập khẩu các loại hàng hóa nông sản thực phẩm.

 Ông vừa nói là cho phép nhập khẩu nhưng phải kiểm soát chặt chẽ. Vậy các cơ quan chức năng của ta liệu đã đủ năng lực và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi cho phép nhập khẩu trở lại chưa thưa ông?

Đúng vậy, cho nhập khẩu trở lại là thực hiện cam kết của chúng ta với tư cách là thành viên WTO và không có nghĩa là mở cho nhập tự do mà là nhập có kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Khả năng kiểm soát ATTP vừa là lý do và cũng là điều kiện khi cho nhập khẩu trở lại nội tạng trắng. Trong mấy năm qua, về năng lực và biện pháp kiểm soát đối với các sản phẩm động vật nhập khẩu của VN đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. Trước hết về cơ sở pháp lý, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT về việc kiểm tra ATTP hàng hóa nguồn gốc động vật, trong đó có quy định phải đăng ký cơ sở có đủ điều kiện mới được xuất khẩu vào Việt Nam. Quy định này sẽ giúp ngăn chặn hiện tượng nội tạng không rõ nguồn gốc được nhập khẩu, bày bán trên thị trường như trước đây mà dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, để làm cơ sở cho việc kiểm tra tại cửa khẩu, chúng ta đã quy định về các chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép đối với vi sinh vật có hại, tồn dư hóa chất độc hại trong nội tạng nhập khẩu. Các tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng dựa trên thỏa thuận với các nước xuất khẩu hoặc tương ứng với thịt, nội tạng đỏ quy định tại Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT, Thông tư số 05/2012/TT-BYT của Bộ Y tế. Về kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm nội tạng trắng thực hiện theo Quyết định 15/2006/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các văn bản khác có liên quan. Về chế độ kiểm soát, trước đây để thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chúng ta đã cho “thông quan trước, kiểm tra sau” nhưng hiện nay sẽ áp dụng tất cả các lô hàng đều phải được giám sát lấy mẫu 100% và chỉ thực hiện thông quan khi đã kiểm tra xong. Nếu phát hiện hàng không đảm bảo ATTP sẽ bị tái xuất. 

Nếu tiếp tục cho nhập khẩu nội tạng trắng, khả năng tác động của việc này đến ngành chăn nuôi trong nước như thế nào, thưa ông?

Theo số liệu báo cáo từ Cục Thú y thì trước đây lượng nội tạng trắng nhập vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam không nhiều, trong đó bao gồm cả lượng nhập để chế biến thực phẩm như làm vỏ xúc xích. Nếu cho nhập trở lại và được kiểm soát chặt chẽ như đã nêu thì dự báo về lượng cũng không tăng đáng kể so với trước đây. Do vậy nếu chỉ tính riêng nội tạng trắng, việc cho nhập khẩu sẽ không tác động đáng kể đến ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.