| Hotline: 0983.970.780

La Xuyên vẫn giữ ngọn lửa huyền thoại

Thứ Bảy 29/04/2017 , 14:05 (GMT+7)

Chuyện kể rằng, vùng đất làng La Xuyên (xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) vốn là khu rừng gỗ lim hoang vu, nằm bên sông Sắt, chi lưu từ sông Châu Giang...

Điều kỳ diệu từ ngọn lửa

Một lần vua Lê Đại Hành (980-1005) cùng đoàn cận vệ đi khảo sát dân sinh, đã dừng chân nơi đây, thắp hương cho hai ngôi đền thờ con cháu vua Hùng. Như thần linh mách bảo, vua chợt nghĩ ra phải khai phá, cải tạo nơi đây thành miền châu thổ sầm uất bên sông.

08-40-54_trng-18
Đình phủ La Xuyên

Bởi vua Lê Đại Hành rất quan tâm tới việc khuyến nông. Nghĩ vậy vua nhắm đến ông Ninh Hữu Hưng (936-1020), một quan chức đáng tin cậy từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, và là người có thể thực hiện được những ý tưởng của mình. Sau đó, vua cắt toàn bộ đất vùng Cái Nành (tên nôm của làng La Xuyên) cho gia đình cùng dòng họ của Ninh Hữu Hưng. Họ về đây, khai hoang lập ấp, phát triển làng nghề, và biến nơi đây thành khu thương mại bên sông Sắt.

Quan ông Ninh Hữu Hưng đã từng là “Tổng công trình sư” phụ trách xây dựng nội cung của sáu phủ, trong triều nhà Đinh. Ông là một thợ mộc tài hoa giỏi nhất vùng Gia Viễn được vua trọng dụng. Bàn tay ông đã tạc nên những đầu rồng, cánh phượng và chỉ huy công trường dựng hàng trăm ngôi nhà, cung điện của vua quan.

Sau đến đời nhà Lê, ông càng được trọng dụng và thường xuyên xa giá bên vua, trong các chuyến đi khảo sát dân sinh. Khi về khai hoang vùng đất mới, ông đã tổ chức và kêu gọi nhiều người từ khắp nơi tụ về làm ăn, trồng lúa và học nghề chạm khắc cung đình.

Ông đã cùng con cháu trong nhà truyền nghề cho dân chúng. Nhiều người tứ xứ đến đây đã đổi lấy họ Ninh để tỏ lòng biết ơn ông. Có người nhận định tục rước lửa của làng La Xuyên ngày nay, có thể bắt đầu từ khi ông tổ nghề Ninh Hữu Hưng mất. Từng thời kỳ thay đổi, có thể tục thờ rước lửa ấy thưa thớt, nhưng mấy chục năm nay được khôi phục, tổ chức thường xuyên.

Tục lễ rước lửa ngày một thiêng liêng hơn, được dân làng La Xuyên coi trọng đối, với tổ nghề Ninh Hữu Hưng. Lửa đã đem lại mọi sự may mắn đến với những gia đình và người thợ chạm khăc gỗ nơi đây. Họ lấy lửa làm ngọn đuốc, soi tỏ con đường mình đang đi, xua tan những rủi ro trong cuộc đời. Đến làng vào ngày đầu xuân, được gặp nghệ nhân Phạm Văn Mùi, ở ngay Đường Thành, trục đường chính làng La Xuyên, tôi càng thấu hiểu những điều tâm linh của người dân La Xuyên với ngọn lửa.

Bởi đúng như trong kinh dịch đã viết ở Ấn Độ, các giáo phái đều xem lửa là phương thức xóa đi những xấu xa, tái sinh sự thanh khiết. Người Ấn Độ còn nói ý rằng “Hiểu được lửa là hiểu được cả vũ trụ”. Lễ rước lửa ở La Xuyên chắc cũng đã ẩn chứa những triết lý về lửa như thế. Nên ngọn lửa trong tâm hồn họ luôn luôn bừng sáng, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng viết: “Tất cả là sáo mòn vô sinh, trừ ngọn lửa. Vừa thức dậy dịu dàng tắm rửa những ban mai” (Châu Thổ).

Tôi thực sự say mê với những ngọn lửa đuốc rực cháy, trong đêm giao thừa, đi khắp xóm thôn làng La Xuyên. Nghệ nhân Mùi kể, vào đêm giao thừa đón xuân Đinh Dậu (2017), chờ khi ông Dương Bích làm lễ mở cửa đền xin lửa, các trai làng đã chờ đợi đông nghịt ở sân đình. Đúng là tối như đêm ba mươi. Hàng trăm người đứng trong đêm tối chờ Thành Hoàng Làng ban lửa.

08-40-54_trng-19
Nghệ nhân Phạm Văn Mùi ở La Xuyên

Đúng thời khắc giao thừa, khi chủ tịch nước cất tiếng đầu tiên chúc tết tới toàn dân, thì ngọn lửa thánh cũng bừng lên. Mọi người lần lượt đưa ngọn đuốc của mình vào để xin lửa. Những lời chúc mừng năm mới rộn ràng, trong ánh lửa bừng sáng, cùng dàn pháo hoa rực rỡ. Các bạn trẻ rước đuốc dọc đường làng. Đó là những con rồng lửa tạo thành những chùm hoa đăng rạo rực niềm vui lan tỏa khắp xóm ngõ. Sau đó mọi người dẫn lửa về nhà. Họ thắp đèn và hương trên bàn thờ, rồi đưa đuốc lửa vào các góc khuất để xua đi những rủi ro, mệt mỏi trong năm cũ và cầu những may mắn đầu năm.

Nghe nghệ nhân Phạm Văn Mùi say sưa kể chuyện rồng lửa, tôi cũng chìm đắm trong cảm xúc, với niềm đam mê sáng tạo những bức tượng chạm khắc, do những bàn tay tài hoa của làng làm ra. Bởi theo quan niệm nho giáo ứng với màu lửa đỏ là sự bay bổng trong sáng tạo của con người. Đó là kết quả nở rộ sau sự dấn thân của Prometheus (Prô-mê-tê), chấp nhận sự trừng phạt của thần Zeus, khi đem lửa Trời trao cho con người, để xua đi mông muội, u tối.

Vậy đã bao năm qua, người làng La Xuyên đã dùng ngọn lửa của thánh Ninh Hữu Hưng, để gột rửa tâm hồn và gìn giữ lấy nghề. Họ đưa đến khắp nơi những sản phẩm khắc chạm trên gỗ, đẹp như những áng thơ ca về mùa xuân. Đúng là sự kỳ diệu mà ngọn lửa đã đem lại cho người làng nghề La Xuyên.
 

Vẻ đẹp của từng nét chạm khắc tài hoa

Thật may mắn khi tôi chứng kiến những đường tạo hình qua mũi dao khắc của nghệ nhân Phạm Văn Mùi. Ông đang khắc một bức tranh trong bộ tứ quý theo đơn đặt hàng. Tôi mê mẩn với những móng chân xinh xinh, nhỏ xíu cùng chiếc mỏ vươn về phía trước của dáng chim công phượng, tạo nét thanh bình của thời khắc chớm xuân. Từng cọng lá, cánh hoa mỏng tang như run run trước ánh nắng ngập tràn. Tôi không còn nghĩ đó là nét khắc họa từ gỗ nữa mà đó là một bức họa từ một tứ thơ về bốn mùa hoa ngát hương hoa.

Nghệ nhân Mùi nói đó là những khắc họa được truyền lại từ hàng trăm năm qua, nghe như hơi ấm của bàn tay ông tổ nghề Ninh Hữu Hưng còn vờn góc lượn của cánh hoa đào đâu đây. Chả thế mà từ xưa La Xuyên đã có câu: “Giai nhân con cháu làng Nành. Dẫu không khoa cử cũng thành nghệ nhân”.

08-40-54_trng-20
Tranh khắc gỗ của Nghệ nhân Phạm Văn Mùi

Mới đây, làng chạm khắc La Xuyên là một trong ba làng nghề tiêu biểu nhất cả nước, được chọn rước lễ tổ nghề và thắp hương tại Điện Kinh Thiên (Hà Nội), năm 2016. Đây là sự đánh giá cao nhất của Nhà nước về độ tinh xảo, tài hoa của thợ chạm khắc La Xuyên, so với hàng trăm làng nghề gỗ khác.

Bởi lâu nay, khách hàng chỉ nhìn trong hàng chục món đồ chạm khắc khác nhau, người tiêu dùng có thể nhận biết ra ngay đâu là hàng của La Xuyên, với những đường nét khác biệt, kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Đẹp như một bài thơ vậy. Nghĩa là bản khắc ẩn chứa mỹ cảm và tâm hồn người thợ. Hàng của làng La Xuyên hết sức phong phú về đề tài, như tranh rẻ quạt, với chủ đề thi họa, hay hình ảnh người con gái áo dài dịu dàng tha thướt bên hồ. Riêng các bộ tranh tứ quý càng phong phú nét tạo hình, với nhiều tích cổ…

Nhất là cuốn thư, câu đối của La Xuyên khác lạ ở chỗ, chữ được khảm trai ốc trên gỗ gụ đánh bóng bằng véc ni chứ không làm bằng gỗ mít, sơn đen như mọi nơi… Chính vì sự tinh tế, sang trọng đó mà trong bộ sưu tập Đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp của Hiệp hội Làng nghề xuất bản, có tới hơn 100 mẫu bàn ghế, chạm khắc của thợ La Xuyên tạo ra.

Sau đó tôi đi theo nghệ nhân Phạm Văn Mùi đi dọc đường làng La Xuyên. Nếu không tính trong các xóm ngõ, thì nguyên trên đường trục chính cũng đã có tới hàng trăm cơ sở sản xuất và bán hàng đủ các chủng loại. Nhiều công ty mọc lên, với xưởng chế tác rộng rãi đem lại nguồn lợi lớn cho những người thợ làng La Xuyên. Chỉ riêng khu công nghiệp gỗ của làng đã rộng tới 15 ha. Hàng ngàn thợ đã ngày đêm miệt mài với công việc của mình. Xe chở gỗ tấp nập vào ra chạy dọc đường làng vào từng kho gỗ lớn của các công ty.

Ấy là chưa kể đến mặt đường số 10, nối giữa hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định cũng dầy đặc công xưởng chế biến gỗ và những mặt hàng như đồ thờ, bàn ghế ,giường tủ, tranh gương… Đường làng đã thành phố hàng mỹ nghệ. Đường quốc lộ đi qua cũng thành phố nghề của làng La Xuyên. Một không khí sôi động chưa từng thấy ở bất kỳ làng làm đồ gỗ nào ở miền bắc.
 

“Nhất cận thị, nhị cận giang”

Thế của mảnh đất La Xuyên lạ lắm. Giữa làng có trục đường quốc lộ ngang qua. Ven làng phía đông nam chạy dài được con sông Sắt ôm đỡ, bao bọc như cánh võng trôi xuôi, bắt nguồn từ dòng nước Châu Giang hiền hòa.

08-40-54_trng-21
Lễ rước tổ nghề La Xuyên ở Điện Kinh Thiên

“Nhất cận thị nhị cận giang”, thế làm giầu của làng La Xuyên, đang kỳ hưng thịnh. Chính vì thế, làng nổi tiếng với phố biệt thự “triệu đô”!? như một thách thức, trước thị trường sôi động ở Nam Định. Ngọn lửa của làng vẫn âm ỷ cháy suốt ngày đêm trong phủ đình La Xuyên. Mỗi người thợ có một ngọn đuốc tiếp lửa của riêng mình để tạo dựng sự nghiệp. Bởi như nhà thơ Thanh Thảo đã quan niệm “thế hệ chúng tôi bằng ngọn lửa chính mình soi sáng đường đi tới”.

Hàng ngàn người thợ, từ khắp nơi đã hội tụ về đây, học nghề và xin ở lại làm nghề sinh sống. Tôi bỗng nhớ thuở khai hoang lập địa cũng vậy, hàng trăm người xin nguyện là người họ Ninh để tôn thờ ông tổ Ninh Hữu Hưng; thì nay lại có hàng ngàn người tứ xứ tụ về mong được làm người làng La Xuyên. Tiếp nối bao đời nay, đất lành chim đậu, La Xuyên càng trở nên giầu có thắm đượm tình người. Có lẽ đó là cái linh thiêng của thế đất, đạt được cái huyền diệu của phong thủy đất trời ban cho.

Ngỡ như tôi đang chìm đắm trong niềm vui xao động của mảnh đất ngàn năm cùng với không khí linh thiêng của lễ hội đền Trần dội về trong tâm khảm. Nụ cười của nghệ nhân Phạm Văn Mùi đã nói lên điều đó. Những đường chạm khắc vờn lượn bay bổng của bàn tay tài hoa đã nói lên điều đó. Tôi đi trong rộn rã tiếng đục chạm của phố nghề, mơ mộng biết bao điều, qua nụ cười hiền hậu của La Xuyên.

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất