| Hotline: 0983.970.780

Lạc không củ, ngô không hạt!

Thứ Hai 18/04/2011 , 13:15 (GMT+7)

Hậu quả những đợt rét đậm, rét hại kéo dài của vụ đông xuân 2010-2011 làm cho sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị gặp muôn vàn khó khăn. Nông dân ở các huyện Cam Lộ, Đakrông, Gio Linh... đang dở khóc, dở cười vì gần đến thời gian thu hoạch nhưng lạc không có củ, ngô không có hạt, lúa chậm phát triển... thiệt hại vô cùng lớn.

Hậu quả những đợt rét đậm, rét hại kéo dài của vụ đông xuân 2010-2011 làm cho sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị gặp muôn vàn khó khăn. Nông dân ở các huyện Cam Lộ, Đakrông, Gio Linh... đang dở khóc, dở cười vì gần đến thời gian thu hoạch nhưng lạc không có củ, ngô không có hạt, lúa chậm phát triển... thiệt hại vô cùng lớn.

Trắng tay

Bà Lê Thị Mai ở thôn Đâu Bình 1, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, đi lững thững giữa ruộng lạc, mặt buồn rười rượi. Tám sào lạc đông xuân bà trồng chẳng có chỗ nào cho củ. Cầm trên tay những gốc lạc chỉ lưa thưa vài cái rễ, bà Mai ngao ngán: “Rét đậm làm lạc ra hoa mà không đậu quả. Mùa này gia đình tôi xem như trắng tay, vốn liếng đã tập trung hết cho cây lạc nay lại không thu về được gì nữa”. Mỗi ngày bà Mai lại ra ruộng lạc nhổ về làm thức ăn cho bò.

Không riêng gì gia đình bà Mai, ông Đào Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, cho biết: “Cam Lộ là vùng chuyên canh cây lạc lớn nhất tỉnh Quảng Trị, tập trung nhiều ở các xã Cam Tuyền, Cam Thành, thị trấn Cam Lộ, xã Cam Thuỷ... với 350 ha lạc gieo trà đầu xem như không thu hoạch được vì không có củ. Trà hai gieo 360 ha, lạc ra hoa, hy vọng có củ, song lạc lại mắc bệnh chết ẻo trên 200 ha. Cả hai trà lạc chúng tôi coi như mất trắng 500 ha. Nông dân Cam Lộ đang hết sức khó khăn sau đợt rét đậm”.

Ngược lên huyện miền núi Đakrông, vào vùng chiến khu xưa Ba Lòng, các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên bà con nông dân đứng ngồi không yên khi gần đến ngày thu hoạch mà chẳng thấy lạc có củ. Đây là vùng trọng điểm trồng lạc của huyện, nông dân sống với cây lạc, cây bắp là chủ yếu nhưng cũng như các huyện khác, hậu rét đậm đã làm cuộc sống người dân lao đao hơn lúc nào hết. Ông Mai Tùng ở xã Ba Lòng đầu tư gần 15 triệu đồng trồng hai ha lạc đông xuân, trong khoản vốn ấy một nửa ông vay ngân hàng. Bây giờ gặp phải tình cảnh này, ông Tùng lo âu không biết lấy tiền đâu ra trả nợ.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đakrông - Đinh Tương, cho biết một thông tin không vui sau khi đi thực tế trở về: “100% diện tích lạc của huyện không thu hoạch được vì rét đậm. Ngoài ra còn có hơn 200 ha ngô trổ cờ, cho bắp mà không có hạt. Nông dân sắp đối mặt với một cuộc sống vô cùng bấp bênh”. Ông Tương đề nghị tỉnh sớm giúp dân tìm cây trồng thay thế, ổn định cuộc sống.

Sau rét đậm, rét hại, tỉnh Quảng Trị có gần 1.200 ha lạc đông xuân bị ảnh hưởng nặng, trong đó hơn một nửa diện tích cần phải nhổ bỏ trồng cây khác. Song thực tế bà con nông dân lo không còn tiền mua giống chuyển đổi cây trồng ngay lúc này. Ngoài ra, rét đậm và rét hại làm cho gần 10.000 ha lúa đông xuân chậm phát triển, đẻ nhánh muộn, hiệu quả thấp. Đây là đợt rét được xem lịch sử tại Quảng Trị theo kết quả số liệu quan trắc được. Theo tính toán, vụ đông xuân năm nay bị kéo dài thêm từ 1 đến 1,5 tháng đồng nghĩa với vụ hè thu chắc chắn sẽ muộn hơn mọi năm cũng từng ấy thời gian.

Chuyển trồng cây gì?

Trước tình hình nước sôi lửa bỏng ấy, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cuối tuần qua tổ chức hội thảo khẩn cấp nhằm tìm giải pháp giải quyết khó khăn hậu rét đậm, rét hại cũng như kế hoạch triển khai vụ hè thu 2011. Với cây lúa đặc biệt chú trọng đến công tác phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh LSĐ, đạo ôn, khô vằn. Phun các loại phân qua lá trước và sau khi lúa trổ một tuần, áp dụng cơ giới hoá để thu hoạch nhanh vụ đông xuân, tạo điều kiện cho triển khai vụ hè thu.

Đặc biệt đối với cây lạc, sau khi lắng nghe ý kiến các chuyên gia, ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, cho biết: Số diện tích lạc gieo trà đầu (trước Tết âm lịch) không có củ, nếu có củ thì không có nhân. Vì vậy cần tuyên truyền, giải thích cho nông dân rõ nếu chờ đến ngày thu hoạch sẽ không có hiệu quả. Phải kiên quyết nhổ bỏ. Tuỳ theo tình hình thực tế của từng huyện, thị để chuyển sang cây trồng khác phù hợp nhất.

Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy có hai loại cây chuyển đổi quen thuộc, phù hợp với tình hình “nóng” lúc này mà dễ làm, có thời gian sinh trưởng ngắn (70 đến 75 ngày), cho hiệu quả kinh tế cao, đó là đậu xanh và dưa hấu. Ông Bài chỉ đạo cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết những ngày giữa tháng 4 đang thuận lợi, tận dụng ẩm trong đất, nguồn dinh dưỡng trong đất chưa sử dụng hết để thực hiện chuyển đổi. Chú ý khi chuyển sang trồng đậu xanh cần sử dụng các giống có sẵn trong dân, hoặc giống mới có bán tại TT Giống cây trồng.

Trong lúc trồng nhất thiết phải lên luống rộng 1,5 đến 2m hoặc rộng hơn để thoát nước tốt khi gặp mưa lớn và tưới nước thuận lợi khi gặp hạn. Không cần bón phân đạm, nên bón phân lân, ka li... Hoặc có thể trồng dưa (dưa ăn chín và dưa rau) với các giống như Tiểu Yến, Hắc Mỹ Nhân... Với diện tích lạc gieo sau Tết âm lịch hiện đang ra hoa, phát triển khá tốt cần sử dụng phân phun qua lá phun trước và sau khi lạc kết thúc ra hoa một tuần nhằm tăng tỷ lệ quả chắc, rút ngắn thời gian sinh trưởng, sử dụng vôi bón lạc khi tàn hoa đợt một...

Riêng với kế hoạch sản xuất vụ hè thu do vụ đông xuân 2010-2011 kéo dài nên vụ hè thu 2011 gieo trồng bị trễ, và thu hoạch sẽ bị muộn, nguy cơ bị thiệt hại do lũ rất lớn nên đặc biệt chú ý sử dụng giống lúa ngắn ngày như Khang Dân, HT1, HC95, PC6... Theo Sở NN-PTNT Quảng Trị, phấn đấu thu hoạch vụ hè thu xong trước 30/9.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất