| Hotline: 0983.970.780

Lại bàn chuyện trồng mắc ca

Thứ Sáu 13/03/2015 , 10:02 (GMT+7)

Ta cũng không nên lấy yêu cầu về mắc ca của ngày xưa để tính cho hôm nay. Bây giờ công nghệ chế biến phát triển mạnh lắm, người ta làm ra nhiều mặt hàng từ mắc ca rất hấp dẫn.../ Cảnh báo trồng mắc ca phong trào

mc-c-1155246229
Tác giả (ngoài cùng bên trái) tham quan vườn thực nghiệm mắc ca của Trung tâm chuyển giao kỹ thuật NLN Ba Vì (Cty CP XNK chế biến nông lâm sản)

Báo NNVN đã đăng bài “Cảnh báo trồng mắc ca phong trào” của GS.TS Lê Đình Khả. Bài báo khiến nhiều người băn khoăn. Tôi nhận được rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và cả của nhiều bà con nông dân.

Theo tôi, đó là một ý kiến rất đáng trân trọng. GS Khả là một trong những chuyên gia đầu ngành lâm nghiệp. Ông là người đã tham gia trong đề tài tạo giống keo lai cho cả nước và đã từng được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học. Nhiều nội dung về lâm nghiệp tôi vẫn thường xin ý kiến đóng góp của ông. Cả về tuổi đời và kiến thức, tôi luôn coi ông là bậc đàn anh đáng kính.

Trong bài báo của ông về mắc ca, tôi thấy sự lo lắng của ông là chính đáng. Ông là một trong những người đầu tiên trồng thí nghiệm cây mắc ca tại Việt Nam.

Ông cũng đã dịch một tài liệu của Úc về mắc ca mà Nhà xuất bản Nông nghiệp đã phát hành. Đó có lẽ là tài liệu đầu tiên về mắc ca được in ở Việt Nam. Cũng như nhiều nhà khoa học khác, GS Khả luôn mong muốn đóng góp được nhiều nhất cho đất nước.

Chúng tôi tiếp nhận thông tin về mắc ca qua cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, GS Hoàng Hòe, tài liệu của GS Khả và các thực nghiệm về mắc ca tại Cty Giống cây lâm nghiệp vùng Đông – Bắc (đóng ở Lạng Sơn).

Khi thấy, đó là một tiềm năng khả thi, chúng tôi đã đi tới khắp mọi nơi đã trồng mắc ca để tìm hiểu. Kết quả lại làm chúng tôi rất phấn chấn. Hầu hết các điểm mà tôi tiếp xúc đều có suy nghĩ na ná như nhau: Lúc đầu thì coi thường và không tin tưởng nhưng dần dần khi cây bắt đầu cho quả thì thấy hứng thú và khi quả có nhiều và bán tốt thì hào hứng hẳn lên.

(Tôi vẫn nói đùa với anh em: “Lòng tham vô đáy của các vị đã nổi lên cuồn cuộn rồi!...). Nhìn họ vui, chúng tôi cũng thấy mừng. Điều đó bắt ta phải suy nghĩ kỹ hơn về đối tượng này. Chúng tôi quyết định lao vào việc.

Trong bài báo, GS Khả có nhận định “mắc ca là cây trồng vô cùng khó tính”. Chắc ông muốn nhắc nhở bà con phải thận trọng khi trồng cây mắc ca. Nhưng trong thực tế, nó cũng không đến nỗi như thế. Tôi đã lên thăm vườn trồng mắc ca của chị Hà Trang (ở Chiềng Sinh, TP Sơn La. ĐT: 01684.755.179).

Chị cho biết: “Ngày xưa (cách đây 8 – 9 năm), người ta mang cây mắc ca về và vứt ở ủy ban cả đống. Thấy thế, tôi xin về trồng với mong muốn nó sẽ làm cây phủ xanh đất trống, đồi núi trọc cho mình.

Thế rồi, cũng chả có ai quan tâm gì tới nó, vì coi nó như cây rừng. Nào ngờ, nó lại ra quả và rất nhiều người tranh nhau tới mua. Biết thế thì ngay từ đầu tôi đã phải trồng thưa hơn và chăm sóc cẩn thận cho nó..!”. Bây giờ thì chị coi vườn mắc ca của chị như hũ vàng, chăm sóc cẩn thận lắm! Mời bà con và các vị lên đó mà xem. Ở Sơn La còn có nhiều điểm trồng mắc ca rất tốt.

Trước Tết Ất Mùi vừa rồi, tôi có lên Lạng Sơn thăm một vườn mắc ca. Ở đó, tôi đã tới thăm nhiều vườn rồi nhưng đây là vườn ở sâu trong núi nên tôi cố gắng tới thăm.

Ở cái tuổi 70 mà lẽo đẽo đi theo một chàng thanh niên vạm vỡ để leo bộ qua mấy quả núi, tôi vã mồ hôi hột. Nhưng khi tới nơi, tôi lại rất thích. Đấy là một vườn mắc ca bị bỏ hoang, nay đang được khôi phục lại.

Ông chủ cho biết: Lúc đầu ông cũng hào hứng trồng. Nhưng sau này, vì vườn ở xa nhà nên ông không chú ý bảo vệ. Trâu, bò vào phá sạch.

Chúng dẫm và húc đổ nhiều cây. Nay ông quyết định khôi phục lại vì thấy các nơi họ trồng tốt quá. Vườn của ông nằm trên sườn đồi dốc tới 40 – 50o. Đất đai khô cằn, nghèo kiệt. Lạng Sơn lại là vùng lạnh giá. Càng đi sâu vào núi càng lạnh. Ấy vậy mà mắc ca của ông vẫn sống. Các cây bị trâu đạp gẫy nay lại nảy chồi mới và mọc lên thành cây.

Chúng cũng ra hoa, kết trái. Lâu nay nó chả được chăm sóc gì mà vẫn sống, vẫn cho quả. Có lẽ tính hoang dã còn đọng lại trong giống mắc ca đã giúp chúng có được sự chịu đựng kỳ diệu.

Mắc ca là cây trồng được con người thuần hóa muộn nhất. Nó mới được đưa từ rừng về trồng cách đây có hơn 150 năm. (Trong lúc lúa, ngô, khoai, sắn… thì đã được thuần hóa từ hàng nghìn năm trước rồi). Quá trình chọn lọc tự nhiên đã loại bỏ hết những cây không có khả năng chống chịu. (Cây nào không chịu được thì đã chết).

Vì vậy, qua hàng nghìn thế hệ, những cây mắc ca ngày nay đều có khả năng chống chịu rất tốt. Tất nhiên là chỉ ở những vùng mà nó đã mọc tốt. (Còn ở các nơi khác, do không phù hợp khí hậu thì nó đã tuyệt chủng từ lâu rồi!). Điều đó GS Khả lưu ý chúng ta là phải chọn những vùng đất phù hợp để trồng mắc ca (chứ không phải chỗ nào cũng mang tới trồng được).

GS Khả có nêu ra nhiều số liệu và kết quả trồng mắc ca mà ông đã thu thập được qua thực nghiệm ở các cơ sở. Đó hoàn toàn là các con số chính xác từ dưới báo cáo lên. Nhưng điều chúng ta băn khoăn là những người thực hiện có làm đúng những lời mà GS Khả đã giao cho không?!

Tôi đã tới rất nhiều các trường, các viện, các trung tâm, các trạm trại trên khắp đất nước để tìm hiểu và xin học tập. Có một thực tế mà chúng ta phải lưu ý tới, đó là việc tắc trách của một số cán bộ ở cơ sở. Họ không thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn của cấp trên nhưng lại vẫn báo cáo đầy đủ. Vì vậy, bà con ta có câu “làm láo, báo cáo hay”.

Tôi cũng đã từng được dẫn ra vườn thí nghiệm của một cơ sở. Phải vạch cỏ cao tới tận bụng để mò vào, sờ được tới thân cây thí nghiệm. Đấy là chưa kể tới việc chăm bón, tỉa tót, trừ sâu... có được làm tốt hay không? Ta vẫn biết rằng với cây mắc ca, ở thời kỳ sung sức thì càng nhiều tuổi, nó cho năng suất càng cao. Vậy, việc năng suất lên, xuống thất thường có phải do nguyên nhân chăm bón kém hay không? Vì vậy, tôi thấy ái ngại khi xem các số liệu mà cấp dưới báo cáo lên cho GS Khả.

Còn về giá trị của cây mắc ca, GS Khả nghiêm khắc cảnh báo “không dễ làm giàu như người ta tưởng”. Đó là một lời răn rất đáng nhớ. Làm việc gì cũng vậy, phải hết sức thận trọng. Nếu ta chủ quan và thờ ơ thì hậu họa chắc chắn sẽ đến. Tuy nhiên, có nhiều nông dân rất cố gắng, cần cù và đã thành công trong việc trồng mắc ca.

Tôi nhớ, hồi đầu đến thăm gia đình ông Nguyễn Đức Ba (ở thị xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. ĐT: 0633.847.535) thì đó còn là một ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc.

Sau ít năm được thu mắc ca, gia đình ông đã vươn lên nhanh chóng. Nay tới thăm lại, nhiều phóng viên nói với tôi: “Nhà bác Ba trông sang trọng như các trang trại ở châu Âu…”.

Hai ông bà đã về hưu chỉ cả ngày chăm lo cho vườn mắc ca (có khoảng 80 cây) mà lại đổi được đời. Đó là một sự thật mà tôi mong mọi người hãy đến tham quan để tận mắt chứng kiến và học tập. Tôi mơ bà con ở Tây Nguyên sẽ vươn lên được như bác Ba.

Những ai chưa tin vào việc trồng mắc ca xin hãy đến thăm vườn của bác ấy rồi hãy phát biểu. Chúng ta đều lo cho nông dân nhưng điều quan trọng là nông dân có chấp nhận ý tưởng của chúng ta hay không và có biến nó thành hành động cụ thể được không.

Nếu có điều kiện, mọi người cũng nên đến thăm gia đình ông Bùi Hữu Hòa (ở thôn Phúc Hưng, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, ĐT: 0973.854.979). Bố con ông đã lặn lội ra tận Hà Nội để đưa cây mắc ca về trồng.


6 cây mắc ca được trồng đầu tiên tại Việt Nam ở vườn thực nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng (Viện KH Lâm nghiệp Việt Nam) tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội

Ông trồng xen nó với cà phê. Sau 3 năm, chúng bắt đầu cho quả. Ông mừng lắm và mời chúng tôi vào thăm. Tôi và cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã đến tận vườn của ông và rất phấn khởi. Năm nay, vườn của ông rất tốt. Cả cà phê và mắc ca đều cho thu hoạch cao.

Bố con ông nói, họ sẵn sàng tiếp mọi người đến thăm. Ai đến, ông cũng mời một vài ly rượu nhắm với hạt mắc ca. Đống vỏ sau nhà đã to như đống rơm. Chắc số hạt đãi khách cũng lên tới vài tạ…

Ở Đăk Lăk, có vườn của vợ chồng anh Đinh Kim Thu (ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, ĐT: 0934.868.589) cũng trồng mắc ca. Anh trồng nó xen với cà phê. Nhưng thấy mắc ca thu hoạch khá hơn nên anh bỏ dần cà phê để trồng thuần mắc ca. Tới nay, vườn mắc ca của anh đã được 9-10 tuổi, cây tốt và rất sai quả. Ai đến thăm cũng mê. Chắc không ai khuyên được anh bỏ cây mắc ca. Nó sẽ gắn bó với gia đình anh lâu dài.

Đi quá chỗ anh Thu khoảng 10 cây số, ta có thể tới thăm gia đình ông Đinh Minh Đại ở xã Eabuk, cũng trong huyện Krông Năng (ĐT: 0984.106.035). Nhà bác cũng trồng mắc ca xen cà phê. Cứ mỗi năm tới thăm lại, chúng tôi thấy nó thay đổi quá nhanh. Mắc ca của bác lên rất tốt và sai quả. Đoàn chuyên gia của Hiệp hội Mắc ca Úc tới thăm đã đánh giá: Mắc ca ở Tây Nguyên còn tốt hơn cả mắc ca của họ bên Úc…

Với các kết quả qua các mô hình mà nông dân đã làm, ta có cần tiếp tục khảo nghiệm nữa không? Ngành lâm nghiệp đã nghiên cứu nó tới 20 năm rồi (từ 1994 – 2014). Chả nhẽ ta không ra được kết luận mà lại xin Nhà nước chi tiền để tiếp tục nghiên cứu! Có lẽ, các anh nên ngồi lại với nhau để tổng kết giúp bà con trong việc này. Chắc Chính phủ và Bộ NN-PTNT cũng mong như vậy.

Ta cũng không nên lấy yêu cầu về mắc ca của ngày xưa để tính cho hôm nay. Bây giờ công nghệ chế biến phát triển mạnh lắm, người ta làm ra nhiều mặt hàng từ mắc ca rất hấp dẫn. Mức sống của người dân cũng nâng lên.

Khi tới thăm các cơ sở chế biến mắc ca ở Trung Quốc, họ nói rằng, không biết tới lúc nào mới thỏa mãn được yêu cầu về mắc ca cho 1 tỷ 400 triệu dân của họ. Mức sống của dân càng cao, yêu cầu ấy càng lớn. Chắc ở Việt Nam chúng ta cũng vậy.

Trước tết vừa qua, Cty CP TM đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm mắc ca do họ sản xuất. Mẫu mã của chúng chả kém gì với các nước trên thế giới. Chất lượng lại được người tiêu dùng chấp nhận. Họ bán khá đắt mà bao nhiêu cũng hết.

Điều đó giúp chúng ta đỡ băn khoăn về “đầu ra” cho hạt mắc ca. Hiện công ty phải nhập hạt của Úc và của Nam Phi về để chế biến. Họ hứa, bà con làm ra bao nhiêu hạt mắc ca họ cũng mua hết. Do đó, mong các vị an tâm.

Tôi rất mừng là nhiều doanh nghiệp lớn đã quay lại đầu tư cho nông nghiệp. Không có họ, nông thôn rất khó vươn lên. Họ lại đang chú ý tới cây mắc ca. Chính phủ cũng khuyến khích họ. Đó là điều tốt lành cho nông dân.

Có người thông báo, chỗ này chỗ nọ trồng mắc ca mà 6-7 năm chưa ra hoa. Đó là sự thật nhưng lỗi do người trồng. Họ đã chọn cây thực sinh (tức là cây trồng từ hạt). Những cây đó rất lâu mới ra hoa và rất dễ bị phân ly, cho năng suất thấp.

Ngày 10/3/2015 vừa qua, tôi xuống thăm vườn mắc ca rộng 8 ha ở Mađrắc (Đăk Lăk). Vườn mới trồng được 3 năm mà hàng nghìn cây đồng loạt ra hoa. Hoa kín đặc trên cây và bắt đầu đậu quả. Giữa lúc ở miền Bắc mưa xuân lép nhép thì Tây Nguyên lại khô ráo và mát mẻ. Đây đúng là vùng có khí hậu tuyệt vời để trồng mắc ca.

GS Khả cũng rất quan tâm tới vấn đề giống. Ông khuyên “chỉ nên trồng mắc ca bằng giống cây ghép, có mắt ghép từ nguồn giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia hoặc giống tiến bộ kỹ thuật. Tuyệt đối không trồng giống mắc ca bằng cây con gieo từ hạt, bởi năng suất chỉ bằng ¼ đến ½ so với trồng bằng cây ghép”. Bà con ta nên coi đó là mệnh lệnh, là nhiệm vụ bắt buộc phải tuân theo. Làm tốt được như vậy, mắc ca chắc chắn sẽ phát triển mạnh được ở Việt Nam.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm