| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 20/10/2014 , 08:44 (GMT+7)

08:44 - 20/10/2014

Lại chuyện “đem con bỏ chợ”

Lấy lý do “thời tiết xấu” nên máy bay không thể hạ cánh xuống Thanh Hóa mà hạ cánh tận... Hà Nội, không một lời xin lỗi, Vietnam Airlines chỉ bố thí cho mỗi hành khách một chút tiền rồi… bỏ mặc.

Sau hàng loạt những cơn “bão táp” của các cơ quan truyền thông về chuyện chậm chuyến, hủy chuyến, đưa khách đến sân bay này nhưng lại hạ cánh xuống sân bay khác… của Vietnam Airlines, tưởng mọi chuyện sẽ được khắc phục sau khi Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng vào cuộc một cách quyết liệt.

Nhưng mới đây, hãng hàng không này lại ghi thêm "điểm đen" vào trong chuỗi bất bình của dư luận. Số là chuyến bay mang số hiệu 1270 khởi hành từ TP Hồ Chí Minh lúc 12 giờ 35 phút ngày 17/10/2014, có đích đến là Thanh Hóa lúc 14 giờ 30 phút. Nhưng mãi hơn 15 giờ máy bay mới hạ cánh được.

Và khi hạ cánh rồi thì 250 hành khách mới ngã ngửa ra, vì cảng hàng không mà họ được Vietnam Airlines đưa đến không phải là Thanh Hóa mà là… sân bay Nội Bài tận Hà Nội.

Sau khi giải thích qua quýt rằng do “thời tiết xấu” nên máy bay không thể hạ cánh xuống Thanh Hóa, không một lời xin lỗi, Vietnam Airlines chỉ bố thí cho mỗi hành khách một chút tiền rồi… bỏ mặc. Khách thắc mắc thì được trả lời: “Hãy tự bắt xe mà về Thanh Hóa. Vì đây là quy định của… Cục Hàng không”.

Không hiểu vì sao mà Cục Hàng không lại ban hành cái quy định quái gở và thiếu văn hóa đến thế. Là người chịu trách nhiệm đưa hành khách “đi đến nơi, về đến chốn”, lẽ ra ngay sau khi biết máy bay không thể hạ cánh xuống Thanh Hóa được, tổ bay phải thông báo cho hành khách biết, để khách có sự chuẩn bị về tâm lý.

Và khi xuống sân bay Nội Bài, thì đại diện của Vietnam Airlines phải có mặt, có lời xin lỗi hành khách, mong được sự cảm thông. Ngay sau đó phải bố trí xe đưa khách về Thanh Hóa. Thậm chí còn phải bố trí chỗ nghỉ qua đêm cho hành khách, nếu thời gian quá muộn. Đó là cách hành xử tối thiểu của những người có văn hóa, trong một xã hội văn minh, khi mình có lỗi.

Vứt cho mỗi hành khách một chút tiền để khách “tự bắt xe mà về Thanh Hóa” rồi bỏ mặc. Điều gì sẽ xảy ra? Câu hỏi thứ nhất là nếu trong số hành khách đó có những người không thể ngồi xe khách được, thì sao? Câu trả lời là quãng đường từ Nội Bài về xứ Thanh, có độ dài 200 cây số, sẽ là một cuộc hành xác khủng khiếp đối với họ. Câu hỏi thứ hai là nếu một vài hành khách đó, trên đường về Thanh Hóa bằng xe khách hay taxi, chẳng may bị tai nạn, dẫn đến chết hoặc thương tật, thì sao? Vietnam Airlines có chịu trách nhiệm không?

Nhưng tất cả những tình huống đó đều không được hãng hàng không này đếm xỉa đến. Trao đổi với chúng tôi, một hành khách từng nhiều lần đi máy bay của Vietnam Airlines thở dài: “Ngay tại một quốc gia nổi tiếng văn minh là Cộng hòa Liên bang Đức, chỉ mới đây thôi, ngày 12/10/2014, Vietnam Airlines còn bỏ mặc hàng trăm hành khách, trong đó có không ít khách nước ngoài, phải vạ vật suốt 24 tiếng đồng hồ ở sân bay FrankFurt, vì chuyến bay từ đó về Hà Nội bị hoãn, mà có một lời xin lỗi nào đâu. Cái nước mình nó thế”.

Cái nước mình nó thế. Án oan rất nhiều. Nợ xấu chồng chất. Đô thị tắc đường. Bình quân mỗi ngày có 25 người chết vì tai nạn giao thông. Cao tốc vừa thông xe đã nứt toác... Chỉ có dân là khổ, và hình ảnh quốc gia ngày càng mất đi sự thiện cảm trước bạn bè quốc tế.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm