| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 03/12/2013 , 10:14 (GMT+7)

10:14 - 03/12/2013

Lại chuyện "đúng quy trình"

Dư luận đang xôn xao về vụ "đúng quy trình" để 600 bánh hê rô in, có trọng lượng 239 kg, trị giá khoảng 300 triệu USD, đàng hoàng bay sang Đài Loan.

Vụ nhiều thủy điện và hồ thủy lợi xả lũ "đúng quy trình" khiến hàng ngàn nhà dân ngập lụt vừa trôi qua chưa lâu, thì nay, lại một vụ "đúng quy trình" để 600 bánh hê rô in, có trọng lượng 229 kg, trị giá khoảng 300 triệu USD, đàng hoàng bay sang Đài Loan.

>> Tạm đình chỉ 4 cán bộ an ninh Tân Sơn Nhất vụ 230 kg heroin
>> Lô 230 kg heroin được dán nhãn nguy hiểm trước khi lên máy bay
>> Hành trình chuyến bay chở 230 kg heroin đi Đài Loan

"Hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất đã làm đúng quy trình, hết trách nhiệm. Do làm đúng quy trình nên chúng tôi chưa kỷ luật ai". Đó là lời Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Trần Mã Thông, thông tin với báo chí, được báo điện tử "Dân trí" dẫn lại.


Số heroin bị bắt

Cứ theo lời vị Phó Cục trưởng Cục Hải quan trên, thì đơn vị đứng tên xuất khẩu 12 chiếc loa thùng, trong có chứa 600 bánh hê rô in đó là Cty TNHH giao nhận và vận tải Long Vân, trụ sở ở TP Hồ Chí Minh. Còn việc kiểm tra "đúng quy trình" thì được vị này giải thích: "Hệ thống thông quan điện tử rất thông thoáng, đặc biệt là với hàng xuất khẩu.

Lô hàng đó (12 chiếc loa thùng bên trong chứa 229 kg hê rô in) được phân luồng xanh trên hệ thống, tức là khi doanh nghiệp mang tờ khai đó tới là cho thông quan ngay chứ không qua thủ tục kiểm tra nào".

Còn vì sao lô hàng đó được phân luồng xanh là do "Hải quan chủ yếu kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu. Hàng xuất khẩu thì tùy tính chất. Lô hàng trên được phân luồng xanh trên hệ thống là do doanh nghiệp tự khai trên giấy tờ. Và luồng xanh đa số là ưu tiên cho hàng xuất khẩu".

Thật khổ tai cho người dân cả nước khi phải nghe những lời này. Quy trình, luồng xanh, luồng vàng hay luồng đỏ không ai cần biết, vì đó là những quy định có tính chất kỹ thuật của nghiệp vụ Hải quan. Người dân chỉ cần biết lực lượng Hải quan được sinh ra và hưởng hàng ngàn tỷ đồng tiền lương từ thuế của dân là để ngăn chặn và phát hiện những loại hàng hóa không được phép lưu hành trong xã hội, bất kể là chúng xuất ra khỏi nước hay nhập từ nước ngoài vào.

Những loại hàng hóa đó dù lọt qua bất cứ "luồng" nào, Hải quan cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Làm gì có chuyện "chủ yếu chỉ kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu", và lại càng không có chuyện những loại hàng hóa xuất khẩu nào được phân vào luồng xanh là do "Doanh nghiệp tự khai trên giấy tờ"? 600 bánh hê rô in với trọng lượng "khủng" trên 2 tạ đâu phải cái kim. Nhưng hiển nhiên là chúng đã trở thành cái kim dưới mắt Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với cách quản lý như trên.

Và TP Hồ Chí Minh không chỉ có một cửa khẩu là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất mà còn nhiều hải cảng khác, hàng ngày lượng tàu biển ra nước ngoài và từ nước ngoài cập cảng rất nhiều. Nếu chỉ "chủ yếu kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu" mà lơ là với hàng xuất khẩu. Và nếu hàng xuất chỉ cần "Doanh nghiệp tự khai trên giấy tờ" là được ưu tiên đưa vào luồng xanh ngay, thì từ trước tới nay, bao nhiêu là hàng cấm đã được xuất ra nước ngoài do cách làm việc như vậy?

"Làm đúng quy trình, làm hết trách nhiệm" mà hàng quốc cấm vẫn ung dung ra nước ngoài. Chuyện hài hước này có lẽ chỉ ở nước ta mới có. Và muốn nói gì thì nói, vụ để lọt 600 bánh hê rô in này rõ ràng đã làm danh dự, uy tín của không chỉ Hải quan TP Hồ Chí Minh mà còn là uy tín, danh dự của cả ngành Hải quan bị tổn hại nặng trên trường quốc tế.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm