| Hotline: 0983.970.780

Lại đề xuất thu “thuế đường” hàng tháng với ôtô

Thứ Hai 01/08/2011 , 09:15 (GMT+7)

Với lần đề xuất mới này, tới đây, người đi ô tô con có thể phải chịu thuế đường 180.000 đồng/tháng.

Tổng Cục Đường bộ Việt Nam vừa hoàn thành 3 phương án thu Quỹ Bảo trì đường bộ trình Bộ Giao thông vận tải xem xét trình Chính phủ thay vì 2 phương án như trước đây. Với lần đề xuất mới này, tới đây, người đi ô tô con có thể phải chịu thuế đường 180.000 đồng/tháng.

Theo đó, 3 phương án được Tổng Cục Đường bộ đưa ra để thu đủ 12.200 tỷ đồng cho Quỹ Bảo trì đường bộ mỗi năm đó là: Phương án 1, thu trực tiếp trên đầu phương tiện ôtô, xe máy; từ ngân sách nhà nước cấp gián tiếp qua tỉ lệ % trên giá xăng, dầu diesel và cấp trực tiếp bổ sung cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ.

Trong đó, mức thu trực tiếp trên đầu 1 ôtô con khoảng 100 USD/năm, tương đương 100 đồng/km hoặc 180.000 đồng/tháng. Chủ phương tiện sẽ trả theo tháng hoặc kỳ kiểm định của phương tiện, hoặc mua cho cả năm.

Với xe mua mới, chủ phương tiện mua phí sử dụng đường cho 12 tháng đầu ngay khi đăng kí lưu hành phương tiện. Theo tính toán, cả nước hiện có 1.256.488 xe ôtô đã được kiểm định (số liệu đăng kiểm tháng 10/2010), trừ đi 1,5% chi phí tổ chức thu, dự kiến sẽ thu được gần 4.500 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, phí thu trực tiếp trên đầu phương tiện môtô, xe máy dự tính mỗi năm 80.000 đ/xe môtô dưới 100 cm3, 100.000 đồng/xe môtô 100-175cm3, 120.000 đồng/xe môtô trên 175 cm3. Cả nước có 31.155.154 xe môtô đang lưu hành, trừ đi 5% chi phí tổ chức thu, dự kiến thu được 1.520 tỷ đồng/năm.

Nguồn thu theo tỷ lệ % trên giá xăng dầu, mức đề xuất là 1.000 đồng/lít xăng và 170 đồng/lít diesel, sau khi trừ đi 2/3 tổng mức phí dầu diesel do không sử dụng vào mục đích giao thông đường bộ, mỗi năm sẽ thu được 4.936 tỷ đồng.

Theo tính toán, nhu cầu bảo trì đường bộ mỗi năm, ở thời điểm tháng 12/2010, cần tối thiểu 6.700 tỷ đồng cho hệ thống quốc lộ và 5.500 tỷ đồng cho đường địa phương. Như vậy, cùng với các nguồn thu nói trên, Ngân sách Nhà nước cần cấp 1.817 tỷ đồng/năm bổ sung trực tiếp cho Quỹ đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động. Dự kiến sau 2 năm kể từ khi Quỹ bắt đầu hoạt động thì khoản ngân sách nhà nước cấp bổ sung trực tiếp cho Quỹ hàng năm có thể giảm dần và sau 12 năm Quỹ sẽ tự đáp ứng đủ nhu cầu.

Phương án 2: gồm các khoản thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ (chỉ thu với ôtô), từ ngân sách nhà nước cấp gián tiếp qua thuế nhập khẩu xăng, dầu diesel và cấp bổ sung trực tiếp cho đủ nhu cầu.

Phương án 3: thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ (cả ôtô và môtô) khoảng 5.987 tỉ đồng/năm và ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho đủ hoạt động khoảng 6.213 tỉ đồng/năm.

Theo Tổng Cục Đường bộ, phương án 1 kết hợp nhiều nguồn thu, huy động đến mức cao nhất sự đóng góp của xã hội cho việc đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho bảo trì hệ thống đường bộ Trung ương và địa phương. Song người sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ phải chịu, đồng thời nhiều khoản thu cho cùng dịch vụ sử dụng đường bộ, đồng thời thu phí sử dụng đường của phương tiện môtô có khó khăn có khả năng bị thất thu ở đối tượng này.

Phương án 2 sẽ không thu phí sử dụng đường bộ của xe môtô (việc tổ chức thu phí bảo trì đường bộ của người sử dụng môtô, xe máy có những khó khăn nhất định, khả năng sẽ thất thu đối tượng này), đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng ngân sách chỉ phải đảm nhận một phần chi phí. Việc thu thêm 1.000đ/lít xăng và 330đ/lít dầu diesel là có thể chấp nhận được.

Phương án 3, đảm bảo được công bằng giữa các đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ, các ngành khác ít bị ảnh hưởng của việc thu phí, hạn chế tác động gây lạm phát. Khó khăn của phương án này là khó thu phí đối tượng xe máy và đặc biệt là khả năng đáp ứng của ngân sách sẽ rất khó vì quá lớn.

Từ phân tích trên, đơn vị soạn thảo nghiêng về phương án 2 và kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ cho áp dụng phương án này để tạo quỹ sửa đường.Với phương án này, Quỹ sẽ có 4.467 tỷ đồng/năm từ phí trên đầu ôtô, 5.765 tỷ đồng/năm từ thuế xăng dầu (1.000 đồng/lít xăng và 330 đồng/lít dầu diesel - không hoàn lại cho các ngành nghề khác cùng sử dụng diesel) và 1.968 tỷ đồng/năm ngân sách cấp trực tiếp.

Đơn vị soạn thảo đề xuất cho biết, dự kiến từ năm thứ 6 hoạt động của Quỹ sẽ không cần nguồn kinh phí ngân sách cấp trực tiếp, sau khoảng 15 năm hoạt động Quỹ sẽ tự đáp ứng nhu cầu hoạt động từ thu trực tiếp trên đầu phương tiện ôtô. Hiện đề xuất này đang được trình lên Bộ Giao thông vận tải quyết định trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, trước sức ép phải có một nguồn quỹ để sửa chữa đường hàng năm, Bộ Giao thông vận tải đã trình lên Thủ tướng Chính phủ, báo cáo bổ sung về việc xây dựng Nghị định Quỹ Bảo trì đường bộ. Theo đó, đơn vị này đề xuất 2 phương án thu phí bảo trì đường bộ gồm: thu phí sử dụng đường bộ qua giá xăng, diesel tiêu thụ và thu trực tiếp theo đầu phương tiện ôtô, xe gắn máy theo tháng.

Trong 2 phương án được đưa ra, đơn vị đầu ngành giao thông đề nghị Thủ tướng lựa chọn phương án thu phí trực tiếp theo đầu phương tiện sử dụng đường bộ thay cho cách thu qua xăng dầu và qua trạm thu phí như hiện nay. Nếu được chấp thuận, ôtô sẽ chịu mức phí từ 180.000-1,44 triệu đồng/tháng (tùy loại xe), môtô, xe máy chịu phí từ 80.000-150.000 đồng/tháng (tùy loại xe). Tuy nhiên, sau đó Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông cần đưa ra phương án đề xuất hợp lý hơn.

(Theo VnMedia)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.