| Hotline: 0983.970.780

Lại nói sai sự thật?

Thứ Ba 07/08/2012 , 11:48 (GMT+7)

Cùng một vụ án, nhưng hai công văn số 306 của CA huyện Hoài Đức và số 3711 của cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội lại nói ngược nhau hoàn toàn.

Vợ chồng thương binh Quản Đắc Họp

Báo NNVN số 118 (thứ tư, ngày 13/6/2012) đã đăng bài báo trên. Ngày 17/7/2012, chúng tôi nhận được công văn số 306, đề ngày 26/6/2012 của CA huyện Hoài Đức, do thượng tá Nguyễn Viết Thắng, phó trưởng CA huyện Hoài Đức ký, trả lời về bài báo trên. Chúng tôi đã hồi âm trên báo NNVN.

>> Lộ mặt kẻ vu khống

Ngày 5/8/2012, chúng tôi tiếp tục nhận được công văn số 3711/PC45-Đ13 của cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, đề ngày 27/7/2012, do thượng tá Đỗ Xuân Tiến, phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ký, cũng với nội dung trả lời bài báo “Lộ mặt kẻ vu khống”. Đọc công văn trên, chúng tôi nhận thấy như sau :

Cùng một vụ án, nhưng hai công văn số 306 của CA huyện Hoài Đức và số 3711 của cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội lại nói ngược nhau hoàn toàn. Vụ việc xẩy ra ngày 19/7/2003, CA huyện Hoài Đức thì nói rằng đến ngày 27/10/2003, khi nhận được báo cáo của CA xã Vân Côn, CA huyện mới cử cán bộ điều tra, xác minh, sau đó mới trưng cầu giám định thương tích cho hai “bị hại” Đỗ đăng Của và Đỗ Đăng Chuyên, và sau khi có KLGĐ, thì CA huyện mới chuyển toàn bộ hồ sơ lên cơ quan CSĐTCA tỉnh Hà Tây để điều tra theo thẩm quyền vào ngày 15/3/2004. Còn cơ quan CSĐTCATP Hà Nội lại nói rằng sau khi vụ việc xẩy ra, CA xã Vân Côn và CA huyện Hoài Đức đã tiến hành thu thập tài liệu điều tra ban đầu như ghi lời khai bị hại, nhân chứng...đồng thời thu thập tài liệu để ra quyết định trưng cầu GĐTT cho hai “bị hại”. Và sau khi có KLGĐ thì CA huyện mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Tuy nói ngược với CA huyện Hoài Đức, nhưng những gì mà ông phó thủ trưởng cơ quan CSĐTCATP Hà Nội nói trong công văn số 3711 vẫn chưa phải là sự thật của vụ án. Bởi nếu “sau khi vụ việc xẩy ra (19/7/2003), CA xã Vân Côn và CA huyện Hoài Đức đã tiến hành thu thập tài liệu điều tra ban đầu...” thì tại sao mãi đến ngày 10/12/2004, tức là sau hơn 1 năm, CA huyện Hoài Đức mới tiến hành khám nghiệm hiện trường (Theo quy định, thì khám nghiệm hiện trường là một trong những việc phải được tiến hành đầu tiên)? Và tại sao lại không thu giữ vật chứng của vụ án?

Một câu hỏi nữa được đặt ra : Nếu CA huyện Hoài Đức ra quyết định trưng cầu GĐTT cho hai “bị hại” Đỗ Đăng Cẩu, Đỗ Đăng Chuyên, thì tại sao hai bản KLGĐ lại không được cơ quan giám định gửi về cho CA huyện Hoài Đức(đây là 2 tài liệu có tính sinh tử đối với vụ án), mà hai bản KLGĐ đó lại có ở trong tay CA xã Vân Côn, để rồi ngày 27/10/2003, khi CA xã Vân Côn gửi báo cáo vụ việc với CA huyện Hoài Đức thì gửi kèm luôn 2 KLGĐ đó ? Khi phát hiện ra điều này, LS Lương Quang Tuấn,trưởng Văn phòng LS An Thái (Đoàn LSTP Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 3 bố con thương binh Quản Đắc Họp, đã đặt câu hỏi : Phải chăng việc ra 2 quyết định trưng cầu GĐTT cho 2 “bị hại” Chuyên, Cẩu của CA huyện Hoài Đức chỉ là việc “hợp lý hoá” cho 2 bản KLGĐ mà không biết bằng cách nào, CA xã Vân Côn đã có được (Vì CA xã không có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu GĐTT) ?

Cho đến nay, vì sao vụ án đã kéo dài gần 9 năm nhưng chưa một lần được đưa ra xét xử.Theo LS Lương Quang Tuấn, người đã đọc hồ sơ vụ án, thì do những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, là thiếu các chứng cứ quan trọng được quy định tại điều 64 Bộ luật TTHS làm căn cứ để giải quyết vụ án.

Thứ hai, là thiếu vật chứng của vụ án.Các KLĐT , KLĐT bổ sung của CA, Cáo trạng của VKS đều khẳng định 3 bố con ông Quản Đắc Họp dùng “hung khí nguy hiểm” như dao rựa, tuýp sắt để gây thương tích cho “bị hai”. Vậy những “hung khí nguy hiểm” đó đâu ?

Thứ ba, KLGĐ về tỷ lệ thương tích của người “bị hại” không được coi là chứng cứ (như đã nói ở trên)

Thứ tư, là lời khai của người làm chứng, người bị hại chưa đủ làm cơ sở làm chứng cứ, có dấu hiệu vu khống cho ba bố con thương binh Quản đắc Họp.

Và thứ năm, là càng điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này càng bộc lộ những thiếu sót, mâu thuẫn, vi phạm tố tụng.

Từ những nhận định trên, ngày 30/7/2012, LS Lương Quang Tuấn, trưởng VP Luật sư An Thái (Đoàn LSTP Hà Nội) đã có văn bản số 08-KN/AT, kiến nghị ông Viện trưởng VKSNDTP Hà Nội, ông Viện trưởng VKSND huyện Hoài Đức ra quyết định đình chỉ vụ án “Cố ý gây thương tích...” xẩy ra ngày 19/7/2003 tại Vân Côn (huyện Hoài đức, Hà Tây, nay là TP Hà Nội) đối với 3 bố con thương binh Quản đắc Họp, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, tránh oan sai.

Chúng tôi đồng tình với kiến nghị trên, vì đó là một kiến nghị hợp pháp, hợp lý, hợp tình, có căn cứ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.