| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 06/06/2016 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 06/06/2016

Lại nóng chuyện giấy phép con

Con số thống kê: Việt Nam hiện có 7.000 giấy phép con (tức điều kiện kinh doanh) được quy định tại các thông tư, trong đó gần 50% giấy phép con là trái pháp luật, đã khiến cả xã hội đau đầu.

Theo Luật Đầu tư năm 2014, đến 1/7 này, tức là chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, những giấy phép con được quy định tại các thông tư trên, nếu không được nâng lên thành nghị định, thì sẽ bị bãi bỏ.

Thế là “nồi cơm” của không ít bộ có nguy cơ bị vơi đi, nói như Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, thì “hàng tháng đang thu mấy chục tỷ, bây giờ còn vài trăm triệu, cho nên họ chống đối kinh lắm”. Mấy chục tỷ, theo lời ông Thừa nói ở đây, chính là số tiền mà các DN phải bỏ ra “bôi trơn”, để có được giấy phép con.

Và thế là để giữ được tỷ nào hay tỷ ấy, người ta quay ra đối phó. Xã hội đang chứng kiến một cuộc “chạy đua” không thiếu chuyện bi hài để “phù phép” các thông tư thành nghị định. Người ta lao vào làm ngày làm đêm, với một khối lượng công việc khổng lồ, như lời một vị có hàm vụ trưởng ở Văn phòng Chính phủ là “chưa từng thấy hiện tượng nào như thế. Người ta làm gấp 10 lần trước”.

Chính vì thế mà Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính thuộc Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, phải thốt lên là rất lo các bộ, ngành đang nâng thông tư lên thành nghị định một cách cơ học. Nghĩa là thông tư thế nào, giờ chép nguyên như vậy thành nghị định, nhiều điều kiện kinh doanh được viết như nghị quyết, và tìm mọi cách “lồng lợi ích” của mình vào đó.

Giấy phép con là “nguồn thu” của không ít bộ, ngành, nhưng lại chính là sự cản trở đối với doanh nghiệp. Chính vì thế mà trong cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Không để có các giấy phép con, tạo thêm các điều kiện gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ “về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, có mục tiêu số 1 là “đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30-35 GDP. Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm có khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới, sáng tạo”.

Muốn đạt được mục tiêu đó, còn rất nhiều việc phải làm. Mà một trong nhưng việc cần làm nhất là bãi bỏ triệt để những giấy phép con không cần thiết.