| Hotline: 0983.970.780

Lại “quàng chân lên cổ” vì Ethoxyquin

Thứ Năm 13/09/2012 , 10:39 (GMT+7)

Trước tình hình XK tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đang bị “kẹt” rất nghiêm trọng do nước này tái áp dụng việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin ở mức 0,01 ppm đối với 100% lô tôm XK từ Việt Nam, ngày 12/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã chủ trì cuộc họp bàn nhằm tìm hướng tháo gỡ.

Trước tình hình XK tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đang bị “kẹt” rất nghiêm trọng do nước này tái áp dụng việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin ở mức 0,01 ppm đối với 100% lô tôm XK từ Việt Nam Hôm qua (12/9), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã chủ trì cuộc họp bàn nhằm tìm hướng tháo gỡ.  


XK tôm của Việt Nam sang Nhật Bản lại tiếp tục khốn đốn vì chất cấm

Hàm lượng Ethoxyquin trong TĂCN phải dưới 0,5 ppm? 

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), gía tôm thế giới thời gian qua đang lên, tuy nhiên sản lượng tôm XK của Việt Nam thời gian qua đang giảm rất mạnh do việc Nhật Bản – thị trường hiện chiếm trên 30% sản lượng tôm XK của Việt Nam tái áp dụng kiểm soát dư lượng Ethoxyquin với tỉ lệ 100% đối với tôm của Việt Nam. Nhiều DN của Nhật Bản NK tôm của Việt Nam hiện tại, dù trước khi nhập hàng đều phải qua tận nơi để kiểm tra dư lượng Ethoxyquin, dù không phát hiện dư lượng nhưng vẫn không nhập hàng.

Theo ông Hòe, điều vô lí nằm ở chỗ, bản thân nhiều sản phẩm thủy sản NK, hiện nay Nhật Bản vẫn quy định mức dư lượng rất cao, đơn cử như bột cá tra XK từ Việt Nam là 100 ppm. Ngay cả Trung Quốc, hiện nay thậm chí còn quy định dư lượng tối thiểu đối với bột cá tra NK tối thiểu phải đạt 150 ppm.

Như vậy, với quy định dư lượng 0,01 ppm mà Nhật Bản áp dụng, kể cả việc cấm việc lưu hành các sản phẩm nguyên liệu TĂCN lẫn TĂCN thành phẩm có chứa Ethoxyquin trong nước hiện nay cũng rất khó mà kiểm soát được dư lượng đạt yêu cầu trên tôm thành phẩm. Bời hầu hết các lô nguyên liệu TĂCN có trong kho các DN SX TĂCN, trong đó có rẩt nhiều các lô hàng bột cá NK từ Peru hoặc từ Nhật Bản và nhiều nước khác vào Việt Nam đều có hàm lượng Ethoxyquin rất cao, từ 200 đến 600 ppm.

Hàm lượng Ethoxyquin trong nguyên liệu TĂCN NK cao như vậy là bởi đa số các nước hiện đều cho phép hàm lượng chất này ở mức rất cao, trên 150 ppm. Do đặc thù càng để lâu, hàm lượng chất bảo quản càng hạ thấp nên trước khi NK về nước, thường các lô nguyên liệu đều được bổ sung hàm lượng Ethoxyquin cao hơn nhiều mức quy định. Điều này cho thấy nguy cơ hàm lượng Ethoxyquin trong TĂCN thành phẩm trên thị trường nước ta hiện nay là rất cao. 

Theo lãnh đạo VASEP, trước tình XK tôm sang Nhật đang bị bế tắc do “hàng rào Ethoxyquin”, nhiều DN tự cứu lấy mình bằng việc thử nghiệm nhiều phương pháp trong nuôi tôm nhằm hạn chế tồn dư Ethoxyquin trên tôm thành phẩm. Tại Bến Tre, nhiều DN nuôi tôm đã thử nghiệm phương pháp: Trước khi thu hoạch tôm khoảng 5 ngày, sẽ ngừng không cho tôm ăn trong vòng 1 ngày, sau đó tiếp tục cho tôm ăn trở lại trong vòng 4 ngày bằng các loại thức ăn có hàm lượng Ethoxyquin thấp. Sau khi kiểm tra lại tôm thành phẩm nuôi bằng phương pháp này, kết quả cho thấy không còn thấy phát hiện dư lượng Ethoxyquin.

Tại Cần Thơ, nhiều DN đã thử nghiệm thực hiện giám sát việc sử dụng thức ăn cho tôm và cho thấy, đối với các lô tôm được cho ăn bằng thức ăn có hàm lượng Ethoxyquin thấp hơn 0,5 ppm, thì sau khi kiểm tra, cũng không phát hiện thấy dư lượng Ethoxyquin trong tôm thành phẩm.

Theo các kết quả này, tại cuộc họp hôm qua, VASEP tiếp tục đề xuất Bộ NN-PTNT áp dụng quy định hàm lượng tối đa cho phép của Ethoxyquin trên TĂCN thành phẩm dành cho tôm nuôi là dưới 0,5 ppm. Theo ông Trương Đình Hòe, bên cạnh việc khuyến cáo cho người chăn nuôi sử dụng thức ăn có hàm lượng Ethoxyquin thấp, áp dụng quy trình nuôi nhằm kiểm soát dư lượng Ethoxyquin như một số DN làm, về lâu dài cần phải quy định rõ hàm lượng cho phép của Ethoxyquin đối với TĂCN cho tôm, mà theo đề xuất của VASEP là 0,5 ppm. Hiện tại, nhiều DN SX TĂCN cũng đã cam kết SX thức ăn thành phẩm cho tôm với hàm lượng Ethoxyquin dưới ngưỡng 0,5 ppm. 

Sẽ bắt buộc ghi nhãn thông tin về Ethoxyquin trên sản phẩm 

Về giải pháp trước mắt, theo ông Hòe, phía Việt Nam cần phải tiếp tục cử đoàn công tác cấp cao cùng các DN sang làm việc với phía Nhật Bản nhằm đàm phán để nâng mức dư lượng kiểm soát 0,01 ppm như hiện tại.

Bà Trần Bích Nga, Cục Quản lí chất lượng NLS&TS (NAFIQUA) cho rằng, dù bản thân Nhật Bản hiện cũng đang áp dụng hàm lượng Ethoxyquin cho phép đối với TĂCN cho tôm ở mức khá cao là 150 ppm. Tuy nhiên, để hi vọng vì các nước XK mà nước này có thể thay đổi quy định mức dư lượng tôm NK ở mức 0,01 ppm như hiện nay là rất khó có khả năng. Vì vậy theo bà Nga, trước khi tiếp tục có đoàn làm việc với phía Nhật, cần phải triển khai các biện pháp kiểm soát Ethoxyquin trong nước nhằm có cơ sở khi đàm phán.

Về việc áp dụng hàm lượng tối đa ở mức 0,5 ppm như đề xuất của VASEP, bà Nga cho rằng, đề xuất này vẫn còn rất nhiều hạn chế do chưa được nghiên cứu thẩm định kỹ, mà mới chỉ tham khảo qua một số mô hình do các DN tự thử nghiệm. Vì vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu kiểm tra lại. Cũng theo bà Nga, việc áp dụng giới hạn như trên đối với các DN SX TĂCN trong nước thì có thể thực hiện được. Tuy nhiên, sẽ gặp vướng mắc lớn đối với rất nhiều DN SX TĂCN nhập khẩu nguyên liệu tử nước ngoài. Nguyên nhân là bởi rất nhiều nước hiện đều cho phép hàm lượng Ethoxyquin trong nguyên liệu TĂCN rất cao tới hàng trăm ppm, nên nếu chúng ta áp dụng ở mức 0,5 ppm thì sẽ trái với các quy định theo thông lệ quốc tế.

Để giải quyết vướng mắc này trong điều kiện chưa đưa ra được quy định cụ thể nào về hàm lượng cho phép trên TĂCN, giải pháp trước mắt theo bà Nga là cần phải kiểm soát và minh bạch thông tin đối với các loại nguyên liệu lẫn TĂCN trong nước bằng cách quy định bắt buộc ghi nhãn đối với toàn bộ sản phẩm lưu hành tại Việt Nam.

Theo đó, các sản phẩm TĂCN bắt buộc phải ghi rõ là sản phẩm đó có sử dụng Ethoxyquin hay không, nếu có thì hàm lượng là bao nhiêu ppm. Cùng với các biện pháp tăng cường kiểm soát và tuyên truyền, quy định này sẽ giúp người nuôi tôm có quyền lựa chọn các sản phẩm thức ăn phù hợp nhằm tránh bị “dính” về dư lượng sau khi thu hoạch tôm thành phẩm.

Bà Trần Bích Nga khẳng định thêm, do tại Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT quy định về quản lí TĂCN (Thông tư 66) chưa có quy định nào về việc bắt buộc ghi nhãn đối với chất bảo quản trong TĂCN nên sắp tới, phải tiếp tục sửa đổi bổ sung thông tư này cho phù hợp.

Đồng ý với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo, cùng với việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư 66, Tổng cục Thủy sản phải tiếp tục thực hiện việc thí nghiệm và nghiên cứu nhằm xác định hàm lượng Ethoxyquin tối đa cho phép trên TĂCN đối với tôm nuôi cho phù hợp nhằm kiểm soát dư lượng của tôm thành phẩm. Ông Tám cũng chỉ đạo Tổng cục Thủy sản rà soát lại toàn bộ danh mục thức ăn cho tôm trên thị trường, xác định loại nào thức ăn nào sử dụng Ethoxyquin, loại nào không sử dụng, đồng thời truy xuất ngược nguồn gốc tôm thành phẩm có dư lượng Ethoxyquin vượt ngưỡng cho phép để xác định “danh tính” thức ăn đã sử dụng.

Thứ trưởng Tám yêu cầu Tổng cục Thủy sản sớm hoàn thành công tác này và có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến cho nông dân sử dụng thức ăn phù hợp. Ông Tám cho biết sau khi hoàn thành các công tác này, sẽ sớm có kế hoạch làm việc cấp cao với phía Nhật Bản trong thời gian sớm nhất.

Cùng với Việt Nam, tôm của Ân Độ cũng vừa bị Nhật Bản áp dụng kiểm soát 100%. Chỉ sau một thời gian ngắn, nước “chủ nhà” đã phát hiện tới 131 lô tôm của Ấn Độ có dư lượng Ethoxyquin bị vượt ngưỡng cho phép (so với 3 lô của Việt Nam). Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã yêu cầu NAFIQUA và Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng các cơ quan ngoại giao liên hệ với phía Ấn Độ nhằm xem xét các giải pháp tháo gỡ mà Ấn Độ sẽ tiến hành đối với Nhật Bản.

Trong khi đó theo VASEP, từ ngày 4/9/2012, Canada đã thông báo sẽ bắt đầu thực hiện kiểm soát dư lượng chất Nitroamidazonl đối với hàng thủy sản của Việt Nam. Nitroamidazonl là kháng sinh trị ký sinh trùng khá phổ biến, đặc biệt đối với cá tra tại Việt Nam. Dù chất này hiện đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục kháng sinh cấm sử dụng cho nuôi thủy sản, nhưng không ai dám chắc 100% lô hàng thủy sản của Việt Nam sẽ không “dính” chất này.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.