| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 02/07/2015 , 12:13 (GMT+7)

12:13 - 02/07/2015

Lại thêm một con số đẹp

Có 1.225 người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản, thu nhập. Trong số 1.225 trường hợp đó, cơ quan chức năng chỉ phát hiện 4 trường hợp kê khai không trung thực.

Theo báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2015 của Thanh tra Chính phủ, tính đến ngày 31/5/2015, đã có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập về cơ quan này.

Kết quả có 995.383/999.416 người đã kê khai, đạt 99,6%. Có 1.225 người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản, thu nhập. Trong số 1.225 trường hợp đó, cơ quan chức năng chỉ phát hiện 4 trường hợp kê khai không trung thực.

Thật là một con số đẹp như mơ, chẳng khác gì con số do Tổng cục Du lịch đưa ra mới đây về sự hài lòng của du khách nước ngoài đến Việt Nam: Trong 14.000 người được hỏi, số trả lời là hài lòng và rất hài lòng là 94,05%. Nếu căn cứ vào con số đó, thì du lịch Việt Nam phải đứng đầu thế giới, trong khi thực tế thì trong 6 tháng đầu năm qua, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam giảm rất lớn.

Về nguyên nhân giảm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ rõ 6 điều khiến du khách sợ hãi khi đến Việt Nam. Còn ngành hàng không thì đang điên đầu với hơn 700 trường hợp hành khách khiếu nại vì bị mất hành lý tại sân bay chỉ từ năm 2013 đến nay.

Nếu chỉ nhìn vào con số rất đẹp nói trên của Thanh tra Chính phủ, thì Việt Nam làm gì còn tham nhũng nữa để mà chống? Và xét về sự minh bạch, thì Việt Nam cũng xứng đáng đứng đầu thế giới.

Trong khi trên khắp các diễn đàn, hễ nói đến tham nhũng thì đều có một tiếng nói chung, là tham nhũng đang trở thành quốc nạn, càng ngày càng trầm trọng và tinh vi, những vụ tham nhũng bị phát hiện chưa nhiều. Vì sao như vậy?

Có ba lý do để việc kê khai, minh bạch về tài sản chỉ còn là hình thức. Thứ nhất là về tài sản, thì nói như nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (mà ông Truyền là người đã... thực hiện rất thành công câu nói này) là “Nhà đất, họ có đứng tên mình đâu. Họ để vợ, con, cháu đứng tên”.

Thứ hai, là Việt Nam vẫn còn là một đất nước tiền mặt. Những khoản tiền khổng lồ do tham nhũng không được kiểm soát qua các tài khoản ở ngân hàng mà thường được trao trực tiếp tại nhà riêng hay ở những nơi chỉ có “trời biết, đất biết, tôi biết, ông biết”.

Dương Chí Dũng hai lần nhận tiền tham ô tại nhà riêng, mỗi lần 5 tỷ đồng, chỉ nói gọn một câu “cám ơn” với người đưa. Khi kê khai, ai dại gì mà nói ra.

Tuy chưa có những vụ phải dùng ô tô chở tiền mặt khi khám nhà như ở Trung Quốc, nhưng nói như Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, trong diễn đàn Quốc hội mới đây thì “Mới chỉ vài ba năm làm việc mà đã có hàng trăm tỷ. Không tham nhũng thì lấy ở đâu ra?”.

Số tiền hàng trăm tỷ đó, nếu chỉ là những tờ tiền có mệnh giá 100.000 đồng, thì một xe ô tô làm sao chở hết.

Thứ ba, là chưa có chế tài sau những cuộc kê khai tài sản này. Những tài sản có giá trị vượt quá số tiền lương và thu nhập, nhiều khi gấp hàng chục, hàng trăm lần, của người có tài sản đó, sau khi kê khai, người có tài sản cũng chẳng bao giờ phải giải trình, phải trả lời trước dân là vì sao mà có. Nói gì đến việc không trả lời được thì bị tịch thu, sung công quỹ Nhà nước.

Trên các diễn đàn, ai nói tham nhũng ngày càng trầm trọng, ngày càng tinh vi, cứ nói. Còn những con số thống kê đưa ra đều luôn rất đẹp, mặc kệ người dân hiểu thế nào thì hiểu.

Bình luận mới nhất