| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 20/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 20/05/2015

Lại thêm một đề xuất... làm khổ dân

Đó là đề xuất mới của Cục Đường bộ, theo đó, "nếu người học đăng ký học lái xe số tự động, thì sẽ cấp GPLX số tự động. Còn nếu đăng ký học lái xe số sàn, thì sẽ cấp GPLX số sàn".

Đề xuất của Cục Đường bộ (thuộc Bộ GT-VT) về việc rà soát lại việc học và cấp giấy phép lái xe (GPLX) theo hướng “Nếu người học đăng ký học lái xe số tự động, thì sẽ cấp GPLX số tự động. Còn nếu đăng ký học lái xe số sàn, thì sẽ cấp GPLX số sàn”, đang gây “nóng” trên các phương tiện truyền thông.

Đã có hàng trăm ý kiến phản hồi về chuyện này. Đa số cho rằng đó là một đề xuất thừa, làm khổ người dân. Vì nhu cầu và điều kiện của người dân trong xã hội luôn thay đổi.

Ví như một người hôm nay có chiếc xe số sàn, anh ta đăng ký học và được cấp GPLX số sàn. Nhưng thời gian sau có điều kiện hơn, anh ta đổi sang chiếc xe khác có số tự động, anh ta lại phải đi học, đi thi lại để có GPLX số tự động, gây tốn kém không cần thiết.

Đây là một việc mà “chưa có quốc gia nào làm thế cả”, và “Mỗi khi ra đường, ví của người dân luôn quá tải vì hàng chục thứ giấy tờ, từ chứng minh nhân dân, giấy tờ xe, bảo hiểm, GPLX, các loại thẻ…

Người dân đã quá khổ, vì thế theo tôi, khi chưa làm bớt đi thì đừng “đẻ” thêm ra thứ giấy tờ gì nữa. Không lẽ mỗi khi ra đường, phải vác thêm cái ba lô để đựng giấy tờ” (ý kiến của người dân trên báo Thanh Niên).

Hơn thế nữa, hiện nay GPLX hạng B1 cho phép người có GPLX hạng đó được điều khiển xe chở đến 9 người và được phép điều khiển các loại ô tô tải, máy kéo… đến 3,5 tấn.

Nay nếu GPLX chở người là GPLX số tự động, thì người đó sẽ không thể được lái các loại xe tải hay máy kéo có trọng lượng như trên, vì những loại xe, máy kéo đó không bố trí số tự động.

Năm 2010, trong khuôn khổ dự án An toàn giao thông đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tổ chức tư vấn quốc tế đã khảo sát và đánh giá: Chương trình và nội dung giáo trình đào tạo lái xe của Việt Nam là phù hợp và tương tự như các nước Thái Lan, Hàn Quốc…

Trong đó quy định người học phải tập lái trên ô tô số sàn và tập lái thêm trên đường với ô tô có hộp số tự động khoảng 10 giờ nữa.

Đánh giá này là phù hợp với thực tế: Những người học chuyên về điều khiển xe có hộp số tự động sẽ rất khó lái xe số sàn. Trong khi một người học về xe có hộp số sàn sẽ rất dễ dàng điều khiển xe có hộp số tự động, chỉ cần học thêm một số giờ nữa là đủ.

Một điều nữa không thể không nói đến, là việc tách thành hai loại hình đào tạo xe có hộp số tự động riêng, xe có hộp số sàn riêng, sẽ gây ra sự tốn kém không nhỏ: Các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch sẽ phải đổ kinh phí vào để thay đổi giáo trình, mua sắm thêm ô tô tập lái, sát hạch lái xe trong hình và trên đường…, dự kiến tốn kém khoảng 2.100 tỷ đồng.

Trong khi đó, thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe, năm 2013, các trung tâm đã đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị sát hạch trong hình, trên đường…

Và trong năm 2015, theo chỉ đạo của Bộ GT-VT, các trung tâm đang chuẩn bị nguồn kinh phí lớn để đầu tư ô tô sát hạch và lắp thiết bị chấm điểm tự động lái xe ô tô trên đường, thiết bị sát hạch lái xe trong hình hạng A1; A2. Nay nếu tiếp tục đầu tư ô tô có hộp số tự động trong khi lượng người dự sát hạch không cao (nhiều trung tâm sử dụng chưa hết 50% công suất), sẽ gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch.

Nếu đề xuất trên biến thành hiện thực, thì người dân sẽ lại thêm một lần khổ.

Bình luận mới nhất