| Hotline: 0983.970.780

Lại tin đồn thất thiệt: 'Thương lái thu mua bưởi non'!

Thứ Ba 04/08/2015 , 06:15 (GMT+7)

Có thể khẳng định như vậy vì không thể chế biến, lại càng không thể bán ra ngoài, người tiêu dùng chỉ cần nhìn qua vỏ bưởi là biết trái nào chín, trái nào xanh, bưởi non hoàn toàn không có giá trị kinh tế.

Hàng loạt cuộc kiểm tra, rà soát của cơ quan chức năng trong suốt những ngày qua về thông tin thương lái thu mua bưởi non tại ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã có kết luận: “Không có hiện tượng thương lái mua bưởi non tại đây”.

Rối ren bởi tin đồn

Trong suốt 2 tháng ròng, từ đầu tháng 6 đến nay, cán bộ UBND xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu và khuyến nông viên cấp xã, huyện đứng ngồi không yên khi rộ lên tin đồn thương lái đến ấp Tân Triều thu mua bưởi non của nông dân.

Hơn nữa, họ thu mua cả những trái bưởi còn xanh, nhỏ, chưa có vị ngọt với giá rất tốt rồi đem bán tại các vựa hoặc bán cho người đi đường không sành sỏi.

Thông tin này không những gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của một làng bưởi đã làm nên thương hiệu của Đồng Nai là Tân Triều, ảnh hưởng xấu đến việc tiêu thụ bưởi của bà con nông dân.

Được biết, sản phẩm bưởi Tân Triều tại ấp Tân Triều, xã Tân Bình bao năm nay được xem là mặt hàng trái cây có chất lượng tốt, giá bán rất cao, lên tới 40.000 – 50.000 đồng/kg, và chỉ riêng ở ấp Tân Triều mới có đúng loại bưởi này.

Vì thế, không năm nào bưởi Tân Triều lại không “cháy hàng”, mùa bưởi nào cũng không đủ số lượng cung cấp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, chứ đừng nói tới việc xuất bán ra thị trường nước ngoài.

Đứng trước ảnh hưởng nghiêm trọng đó, Sở NN-PTNT Đồng Nai đã lập tức có chỉ thị bằng văn bản đề nghị huyện Vĩnh Cửu và UBND xã Tân Bình trực tiếp đi khảo sát, xác minh thông tin, nắm bắt tình hình và tuyên truyền kịp thời.

Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng có khuyến cáo đối với các địa phương trồng bưởi khác trên địa bàn không cho phép nông dân bán bưởi non, bưởi chưa đủ độ chín cho thương lái…

Ông Lê Văn Có, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình khẳng định: “Chúng tôi đã đi rà soát, xác minh và kiểm tra cả thương lái lẫn hầu hết nông dân tại ấp Tân Triều và các ấp lân cận về thông tin mua bán bưởi non. Đến nay khẳng định chắc chắn không có hiện tượng này xảy ra trên địa bàn xã”.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, chuyên viên nông nghiệp Trạm Khuyến nông Định Quán cho biết, Trạm Khuyến nông sau khi nhận được chỉ thị trên tỉnh đã ngay lập tức cử đoàn đi xác minh tại các vựa, các cửa hàng bưởi Tân Triều và trực tiếp tại các hộ nông dân, ai cũng khẳng định không hề bán bưởi non.

Bưởi non mua làm gì?

Đến khảo sát trực tiếp tại các vườn bưởi của ấp Tân Triều, sau khi nghe phóng viên Báo NNVN nói về thông tin bán bưởi non tại đây, nhiều nông dân đã tỏ ra tức giận: “Chúng tôi bao nhiêu năm nay bán bưởi đúng mùa, đúng chất lượng, đúng thời điểm, chưa bao giờ bán một quả bưởi nào gần chín chứ đừng nói là non!”.

Anh Dũng, người có gần 1 ha bưởi thuộc ấp Tân Triều, nói: “Mặc dù chúng tôi có thể xử lý cho bưởi ra trái quanh năm, nhưng hầu hết bà con đều dưỡng cây đợi đến tháng 11, tháng 12 âm lịch mới bán, lúc đó giá mới cao nhất, trái bưởi cũng chín đẹp, ngon nhất, chứ chẳng ai dại gì bán lai rai trong năm cả”.

Anh cho biết, thông thường vào tháng 8, tháng 9 âm lịch là thời điểm thương lái vào các nhà vườn đặt mua bưởi. Thương lái mua bưởi ở đây thường mua bao trọn vườn chứ không mua lẻ, cân ký.

Không thể chế biến, lại càng không thể bán ra ngoài do người tiêu dùng chỉ cần nhìn qua vỏ bưởi là biết trái nào chín, trái nào xanh, bưởi non hoàn toàn không có giá trị kinh tế. Thông tin thương lái thu mua bưởi non là lời đồn đoán thất thiệt.

Lúc này bưởi cũng đã có một vài quả to, nhưng thương lái không hái mà chỉ nhìn cây, định giá cả vườn và thống nhất với nông dân. Sau đó, nông dân có nhiệm vụ chăm sóc cây thật tốt, đúng thời điểm giao hẹn là vào tháng 11, thương lái sẽ qua chồng tiền và hái bưởi.

Trực tiếp đi khảo sát tại một số vựa bưởi ở ấp Tân Triều, chúng tôi nhận thấy có những quả to, quả nhỏ không đồng đều, bà chủ vựa giải thích: “Tất cả các quả bưởi này đều đã chín, ăn rất ngọt. Trái to, nhỏ không đều là do nhà vườn chăm bón không đồng đều thôi”.

Vừa nói, bà vừa tự cầm dao bóc một lớp vỏ, khoét một góc bưởi ở quả nhỏ nhất cho tôi nếm thử. Quả thực bưởi rất thơm và ngọt, không có vị đắng giống như những quả bưởi non cùng kích thước.

Bưởi là loại trái cây có thể chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau như: cơm thì làm rượu bưởi, gỏi bưởi, ăn trực tiếp, vỏ bưởi có thể làm chè bưởi…

Nhằm tìm hiểu rõ hơn liệu các sản phẩm này có thể tận dụng nguồn bưởi non hay không, chúng tôi hỏi trực tiếp một cửa hàng chuyên chế biến các sản phẩm từ bưởi thuộc ấp Tân Triều.

Bà chủ cửa hàng cho biết, rượu bưởi tại cửa hàng được làm từ những trái bưởi phải chín, ngọt nước thì rượu mới ra đúng hương vị và chất lượng, bưởi non không làm được.

Tương tự, các sản phẩm khác cũng không thể dùng bưởi non để làm, vì vị nó sẽ đắng chứ không thơm ngon như bưởi chín.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm