| Hotline: 0983.970.780

Làm cho mình chứ cho ai mà thiệt

Thứ Hai 12/05/2014 , 07:16 (GMT+7)

Cán bộ, đảng viên tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng. Quần chúng giáo dục quần chúng. Ở xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh (Ninh Bình), công cuộc xây dựng NTM đã thành công. 

Ở đó, bài học về huy động nguồn lực nhân dân vẫn còn nguyên giá trị.

Bước ra cổng là đồng

"Dù ai đi xứ mười đông/ Không bằng công tác Khánh Công, Khánh Thành”. Ám ảnh về những cung đường đất sình lầy, lồi lõm và dính như keo của xã Khánh Thành đã từng được đưa vào thơ ca. Một thời, hình ảnh người cán bộ đi công tác gặp trời mưa phải cởi quần dài, áo đẹp cho vào túi, rồi vác xe đạp trên vai đi bộ vài km là chuyện thường.

Giờ thì khác. Xe đi êm ru trên những cung đường bê tông bóng mịn dẫn vào từng ngõ ngách. Nhìn từ trên cao, hệ thống giao thông của Khánh Thành giống như một bàn cờ. Ở đó, người ta chỉ nhìn thấy những ngã tư hình dấu cộng (+), ngã 3 hình chữ “T” và những trục đường “thước kẻ”. Khu dân cư không co cụm một chỗ mà phân bố đều theo từng dãy bám lộ, bám đồng.

Với lối quy hoạch “bước ra cổng là đồng, nhảng khỏi ruộng là nhà”, Bí thư Đảng uỷ xã Phạm Văn Dân khẳng định: “Đó là con đường ngắn nhất để người nông dân làm giàu. Bởi đối với một xã thuần nông như Khánh Thành, các cụ đã dạy: viễn điền bất phú".

Để có được diện mạo làng quê đẹp như ngày hôm nay, theo ông Dân, sự chung sức đồng lòng của Nhà nước và nhân dân có ý nghĩa quyết định. Và với “chất xúc tác” của Chương trình MTQG xây dựng NTM, mọi nguồn lực vật chất, tinh thần đã được huy động và phát huy hiệu quả tối đa. Điển hình trong xây dựng, cứng hoá đường ngõ xóm, Nhà nước hỗ trợ toàn bộ xi măng; UBND xã hỗ trợ cát, sỏi và nhân dân hiến công lao động.

Lý thuyết chỉ gói gọn trong vài ba câu nhưng thực hiện vô cùng gian khó. Muốn nhân dân ủng hộ và tin tưởng, ngoài nguyên tắc hoạt động công khai minh bạch, dân chủ thì cán bộ, đảng viên phải làm “phép thử” đầu tiên.

Làm cho mình

Ở xóm 2, xã Khánh Thành, đã có lúc người ta nghĩ rằng con đường hẹp 1,5 m (hai xe máy tránh nhau còn khó) sẽ chẳng bao giờ mở rộng được. Ai cũng lo đất của mình sẽ mất. Tường rào phải phá tan. Cây cối phải nhổ bỏ.

Thế mà bỗng dưng có đảng viên Vũ Đức Nhãn dám dẫn cán bộ địa chính đến cắt gần 200 m2 đất ruộng, sau đó bỏ tiền mua 3.000 gạch xây kè cao 1 m, dài 80 m để bồi trúc lòng đường.

Dân xóm trông thấy phục lắm. Họ bảo nhau tạm gác việc gia đình đến hỗ trợ. Từ đấy, đường mở đến đâu, dân dỡ, phá công trình đến đó để nhường đất cho Nhà nước. “Trước đây, người ta chỉ tụ tập đông vui khi có đám, có hội. Giờ vừa mất công, vừa mất của mà vẫn cười hể hả. Hay đến lạ!”, ông Nhãn chia sẻ.

10-30-06_nh-ntm-2
Người dân xã Khánh Thành tận dụng từng mét đất để phát triển trồng trọt, chăn nuôi

“Đạt 19 tiêu chí mới là bước đầu của Chương trình xây dựng NTM. Trong thời gian tới, chúng tôi phải tiếp tục duy trì, phát triển vững chắc 19 tiêu chí. Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, bổ sung cơ sở vật chất cho nhà văn hóa xóm, cổng chào, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người nông dân”, ông Phạm Văn Dân.

Ban Phát triển thôn chịu trách nhiệm vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động. Còn tổ giám sát ghi chép tỉ mỉ tiến độ thi công, kiểm đếm vật liệu xây dựng và thẩm định chất lượng công trình, báo cáo định kỳ lên UBND xã.

Bà Hoàng Thị Lái, Trưởng xóm 2, chia sẻ: “Khi người dân nhận thức được rằng, mình bỏ công bỏ của để chính mình hưởng lợi thì rất hăng hái nhiệt tình. Mà đường do dân tự làm là tốt nhất”.

UBND xã Khánh Thành cấp cho mỗi xóm một cuốn sổ vàng ghi danh người dân đóng góp xây dựng NTM (những cuốn sổ đó, sau này sẽ được trưng bày ở nhà văn hoá xã). Đó là phương thức khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội sáng tạo của địa phương.

Sạch cửa nhà, thôn xóm, phong trào xây dựng NTM tiếp tục lan ra đồng. Xã thực hiện DĐĐT kết hợp với quy hoạch khu dân cư; chỉnh trang thuỷ lợi, giao thông nội đồng. Trước hết, xã tạo điều kiện cho con em lấy chồng trong xã có thể chuyển từ xóm nọ sang xóm kia bằng cách hoán đổi đất 5% để xê dịch cho gần đồng ruộng; khuyến khích các thành viên trong gia đình dồn đất chung vào một khu để vừa tiện canh tác, vừa mang tính cộng đồng, gắn kết gia đình.

Bên cạnh đó, xã vận động các hộ cắt 5 m2 đất/sào. Nhân dân ai cũng nhiệt tình hưởng ứng.

Bí quyết nông sản không ế

Ở không ít miền quê, người nông dân không thể sống dựa vào nông nghiệp. Nhưng, về Khánh Thành mới thấy vàng lẩn trong từng thớ đất.

Dọc hai bên lề đường bê tông dẫn vào xóm 13 không có một khoảng đất bỏ trống. Chẳng ai nghĩ đến chuyện mua gạch xây tường bao. Xung quanh nhà được che chắn bằng những giàn mướp đắng, bí xanh, dưa chuột xanh non mơn mởn, trĩu quả.

Để tận dụng diện tích đất mặt phía dưới, họ đào rãnh (chiều rộng 5 m, sâu 60 cm) rải ni lông xung quanh, sau đó đổ bùn thả lươn, trạch nuôi. Trên bề mặt nước, rau rút được cấy xuống, thu hiệu quả kinh tế rất cao. Việc khai thác 3 tầng không gian trên một diện tích đất đã mang lại thu nhập “siêu khủng” cho người nông dân.

Những cánh đồng trước đây chuyên canh cây lúa, giờ cũng được trồng xen dưa chuột, bí xanh, cà chua, ớt chỉ thiên để tăng hiệu quả kinh tế. Những câu thơ: “Dưa chuột, mướp đắng, bí xanh/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay “Lúa vàng, ớt đỏ, bí xanh/ Ba cây ba sắc nhưng quanh một vườn”… xuất phát từ chính niềm say mê lao động SX của người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Dương (trưởng xóm 13) cùng ông Phạm Văn Lại, Hoàng Trọng Tuyến là những người đầu tiên trồng thử nghiệm mô hình trồng trọt này. Với 1 ha đất trồng bí xanh, dưa chuột, mướp đắng, ớt chỉ thiên kết hợp với nuôi chạch, ông Dương hạch toán doanh thu mỗi năm khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 300 triệu đồng.

Nhìn thấy ông trưởng xóm “phất như diều” từ nông nghiệp, người dân đua nhau học tập. Năm 2013, tổ hợp tác SX và tiêu thụ nông sản xóm 13 đã ra đời. Đến nay lôi cuốn được 60 hộ gia đình tham gia. Những thành viên mới tham gia tổ hợp tác sẽ được các thành viên có kinh nghiệm đi trước hướng dẫn tận tình, đảm bảo mô hình thắng lợi.

Tổ trưởng tổ hợp tác Hoàng Trọng Tuyến cho biết: “Liên kết, giúp đỡ nhau SX mới có thể tạo ra sản phẩm hàng hoá. Nông sản của chúng tôi không bao giờ ế. Thậm chí DN còn cạnh tranh giá thu mua để có hàng. Thu nhập của người dân rất ổn định.

BND huyện Yên Khánh đã hỗ trợ lãi suất ngân hàng để khuyến khích các thành viên trong tổ hợp tác đầu tư mua cọc bê tông, lưới và tre nứa làm giàn để nhân rộng mô hình. Cuộc sống của chúng tôi đã thay da đổi thịt rồi”.

DÂN ĐÓNG GÓP HƠN 200 TỶ ĐỒNG

Tổng giá trị nguồn lực xã Khánh Thành đã huy động được trong Chương trình MTQG xây dựng NTM là gần 560 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn đóng góp từ nhân dân gần 208 tỷ đồng (nhân dân tự đầu tư 179 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng của hộ gia đình như chỉnh trang cổng, sân, nhà, công trình vệ sinh.

Đầu tư phát triển SX là 1,2 tỷ đồng. Dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng như giao thông, thuỷ lợi là 27,2 tỷ đồng).

Nhân dân đã hiến gần 83.000 m2 đất mở rộng mặt đường giao thông và đường nội đồng, dỡ bỏ hơn 1.500 m2 tường bao, 314 m2 nhà và công trình phụ.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm