| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng khó giữ nổi 12.000 ha điều?

Thứ Ba 14/08/2012 , 14:27 (GMT+7)

Chất lượng vườn cây có nguy cơ giảm sút nghiêm trọng khiến cho người nông dân không mấy ai còn mặn mà với loại cây trồng từng một thời được xem là cây “xóa đói giảm nghèo” này.

Một vườn điều ở huyện Đạ Tẻh có nguy cơ bị xóa sổ bởi già cỗi và sâu bệnh

Cho đến lúc này, so với kế hoạch phát triển chung thì diện tích cây điều của Lâm Đồng vẫn còn cao hơn diện tích dự kiến trong tương lai.

Tuy nhiên, với cây điều, vấn đề không phải ở diện tích mà điều đáng quan tâm nhất là chất lượng vườn cây có nguy cơ giảm sút nghiêm trọng khiến cho người nông dân không mấy ai còn mặn mà với loại cây trồng từng một thời được xem là cây “xóa đói giảm nghèo” này. Và đây cũng chính là dấu hiệu để nhận biết rằng ngay cả diện tích điều cả tỉnh chỉ còn 12.000ha theo quy hoạch vào năm 2020 cũng khó mà giữ nổi.

VẪN NẰM TRONG “TỐP ĐẦU”

Thời kỳ cao điểm, diện tích cây điều của cả tỉnh Lâm Đồng lên đến trên dưới 20.000ha. Đến nay, con số này còn lại khoảng 15.000ha. Thực hiện việc chuyển đổi giống cây trồng, trong tương lai, diện tích này sẽ còn tiếp tục được rút xuống. Theo quy hoạch phát triển KT-XH Lâm Đồng đến năm 2020 thì trong 280.000ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích cây điều chỉ chiếm 12.000ha (trong khi cà phê là 135.000ha, chè 30.000ha, rau hoa 60.000ha, cây lương thực 55.000ha…).

 Như vậy, diện tích cây điều của Lâm Đồng hiện vẫn còn cao hơn 3.000ha so với diện tích 12.000ha vào năm 2020 theo quy hoạch phát triển KT-XH Lâm Đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại một hội nghị về phát triển cây điều vừa được tổ chức tại Bình Phước, Bộ NN-PTNT đã nêu ý kiến cho rằng trong thời gian đến, cần quy hoạch lại vùng điều theo hướng tập trung phát triển loại cây trồng này ở 8 tỉnh trong cả nước (hiện cây điều có mặt ở 22 tỉnh) là Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu. Trong đó, Bình Phước và Đồng Nai là hai địa phương trọng điểm sản xuất điều của cả nước với diện tích 150.000ha (Bình Phước) và 50.000ha (Đồng Nai).

Như vậy, tuy không nằm trong các địa phương được xác định là vùng trọng điểm cây điều (2 tỉnh) nhưng Lâm Đồng vẫn thuộc nhóm các tỉnh phát triển cây điều tập trung (8 tỉnh) theo hướng “nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất; từ đó giữ vững diện tích và cơ bản cung cấp phần lớn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu” như chương trình của Bộ NN-PTNT đã đề ra.

MONG MANH 12.000HA

Theo quy hoạch riêng cho vùng điều của tỉnh, như trên vừa nêu, diện tích loại cây trồng này đến năm 2020 của Lâm Đồng sẽ chỉ còn khoảng 12.000ha. Tuy nhiên, với xu thế “triệt hạ” cây điều như hiện nay, liệu diện tích này vào năm 2020 có thể dừng lại ở con số 12.000ha hay thấp hơn? Theo các nhà chuyên môn, nếu không có chiến lược phát triển một cách hợp lý thì khó mà “dừng” lại việc chặt phá cây điều để thay thế các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn trên đất Lâm Đồng.

Hiện tại, trong 15.000ha điều còn lại của tỉnh, thật khó mà tìm thấy vườn điều nào được đầu tư một cách bài bản. Nói cách khác, lúc này không mấy nhà nông ở Lâm Đồng lấy vườn điều làm nguồn kinh tế chính của gia đình; cũng không có mấy địa phương lấy cây điều làm cây trồng chính trong cơ cấu cây trồng của địa phương mình. Trong thực tế, cây điều cứ thế bị “bỏ mặc cho nắng mưa” là vấn đề rất đáng quan tâm khi nghĩ đến vùng điều 12.000ha vào năm 2020 với năng suất không dưới 1,5 tấn/ha của tỉnh Lâm Đồng.

12.000ha điều còn lại vào năm 2020 của Lâm Đồng là con số không quá lớn trong tổng diện tích 280.000ha đất canh tác nông nghiệp của tỉnh, và cũng không quá lớn trong tổng diện tích điều của cả nước theo quy hoạch chung là 350.000ha. Tuy nhiên, diện tích này cũng khó mà giữ được nếu như 1ha điều tiếp tục chỉ mang lại nguồn thu không quá 10 triệu đồng như hiện nay!

Số liệu gần đây nhất của Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho thấy, trong 15.000ha điều hiện còn lại của địa phương, có đến không dưới 5.000ha thường xuyên bị dịch bệnh hoành hành như thán thư, xì mủ… Đồng thời, năng suất cây điều Lâm Đồng cũng đã giảm từ 1 tấn xuống còn trên dưới 500kg/ha hiện nay (thấp hơn nhiều so với các địa phương khác) cũng là điều đáng quan tâm khác.

Việc phá bỏ cây điều để thay thế các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn là một thực tế cần phải chấp nhận. Bởi lẽ, không ai lại duy trì vườn điều của mình trong khi nếu trồng các loại cây trồng khác sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế cao hơn rất nhiều lần (cây cà phê cao gấp 10 lần, cao su gấp 15 lần, hồ tiêu gấp 17 lần…). Tuy nhiên, không phải bất kỳ vùng đất điều nào cũng có thể thay thế bằng những cây trồng khác.

Qua quan sát, điều dễ nhận thấy là hầu hết diện tích trồng cây điều đều nằm ở vùng đất dốc, có độ phì nhiêu không cao, khó khăn về nguồn nước tưới… Nếu ở những vùng đất ấy, việc thay thế cây điều một cách ồ ạt sẽ dẫn đến những hệ lụy khác trong tương lai là điều không thể tránh khỏi.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.