| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng: Khốn khổ vì nạn sùng trắng

Thứ Sáu 22/04/2011 , 12:11 (GMT+7)

Mấy ngày gần đây, nhiều nông dân tại các xã như Đạm Ri, Đạ Ploa thuộc huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng phản ánh họ đang rất khốn khổ vì nạn sùng trắng...

Mấy ngày gần đây, nhiều nông dân trồng tiêu, mía, rau màu, cà phê tại các xã như Đạm Ri, Đạ Ploa thuộc huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng phản ánh với NNVN họ đang rất khốn khổ vì nạn sùng trắng (còn gọi là sâu đất – to như ngón tay út, màu trắng có 2 răng rất sắc) cắn phá điên đảo làm khô héo thậm chí chết cây trồng.

Anh Trần Văn Hoà ở thôn 3 xã Đạ Tồn cho biết: “Nhà tôi có trồng 1 sào (1.000m2) rau đậu, 5 sào tiêu nhưng thời gian gần đây tiêu bị đổ đốt, héo chết. Ngỡ rằng tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm thường thấy nhưng ai dè khi cuốc đất ngay gốc tiêu lên thì thấy cả chục con sùng trắng to béo, trắng mũm mĩm dưới lòng đất” – anh Hoà báo tin cho NNVN. Theo anh Hoà, tình trạng sùng đất tấn công cây trồng khiến vườn tiêu nhà anh đang cho thu hoạch bị giảm sút sản lượng nghiêm trọng. Nhiều dây tiêu đang tươi tốt bỗng nhiên bị vàng lá và đổ đốt chết dần chết mòn. Hiện nay hàng ngày gia đình anh Hoà thường cuốc đất (sâu khoảng 12cm) để bắt sùng trắng cho gà, vịt ăn nhưng đang làm ảnh hưởng đến bộ rễ của vườn tiêu.

Chúng tôi điện thoại cho nông dân Nguyễn Văn Dũng ở thôn 3 xã Đạm Ri đang trồng 1,2 ha cà phê được biết: “Sùng trắng không thể làm cà phê chết ngay như tiêu hay cây trồng khác được, nhưng trong vườn nhà tôi khi cuốc lên là thấy rất nhiều sùng trắng to như ngón tay út, thậm chí có những con to bằng ngón tay cái với 2 răng cứng và sắc. Nếu để những con trưởng thành cắn vào tay mình có thể bị chảy máu chư chơi. Tình trạng sùng trắng tấn công đang khiến cho vườn cà phê nhà tôi có nguy cơ bị chúng cắn đứt bộ rễ chùm".

Một nông dân khác là anh Võ Văn Thành ở thôn 2 xã Đạ Ploa cũng xác nhận với NNVN: “Nhà tôi trồng có 5 sào bắp nhưng hiện nay mật độ sùng bám dưới đất quẩn quanh gốc bắp rất nhiều. Ở những chỗ đất tơi xốp ven sông khi cuốc một nhát có thể thấy 2-3 con sùng trắng, lớn có, bé có nằm cuộn tròn dưới đất. Việc mật độ sùng trắng quá nhiều trong ruộng bắp có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây. Nhiều gốc bắp bị sùng cắn đứt rễ nên héo úa, còi cọc thậm chí bị sâu đục thân đổ gục.

Nông dân huyện Đạ Huoai đã được khuyến cáo sử dụng hình thức bắt, bẫy thủ công những điểm sùng xuất hiện đồng loạt trên phạm vi lớn với mật độ lên tới 35 con/m2 nhưng xem ra phương pháp này không khả thi vì rất tốn công, không thể bắt xuể.

Trao đổi với chúng tôi về trạng này, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho biết: Vừa qua xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, lại sắp bước vào mùa mưa khiến đất ẩm ướt, tơi xốp nên sùng trắng phát triển rất mạnh đe dọa nhiều loại cây trồng của địa phương như bắp, tiêu, cà phê, rau màu… Sùng trắng có màu trắng sống trong lòng đất, có nhiều ở khu vực nằm dọc theo bờ sông, suối. Tại Đạ Huoai, sùng trắng phát triển mạnh từ những năm 2000. Có nhiều năm, sùng trắng phá hoại cả trăm ha hoa màu trong đó nhiều nhất là xã Đạ Tồn, Đạm ri, Đạ Ploa.

Được biết, để đối phó với tình trạng sùng trắng, năm 2010 vừa qua Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã cấp cho huyện Đạ Huoai hơn 20 tấn thuốc Basudin 10H để diệt sùng nhưng hiệu quả ngăn chặn vẫn không đạt yêu cầu. Khi dùng thuốc này với liều lượng 50 kg/ha, sùng hình thành lớp vỏ dày và cứng để chống lại thuốc và rất khó diệt triệt để. Hơn nữa, khi dùng thuốc bảo vệ thực vật, sùng di chuyển rất nhanh sang những vùng đất không có thuốc và chui xuống sâu dưới đất đồng thời nhanh chóng đẻ trứng và đến mùa mưa tiếp theo lại nở ra sùng con hàng loạt.

Xem thêm
Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.