| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng quản lý tài nguyên nước bền vững

Thứ Năm 09/01/2014 , 09:56 (GMT+7)

Tỉnh Lâm Đồng phối hợp với một số cơ quan Trung ương tiến hành lập quy hoạch điều tra tài nguyên nước, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp quản lý theo hướng bền vững.

Tỉnh Lâm Đồng phối hợp với một số cơ quan Trung ương tiến hành lập quy hoạch điều tra tài nguyên nước, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp quản lý theo hướng bền vững. Nhận định chung của cơ quan chức năng cho thấy, tài nguyên nước của Lâm Đồng khá dồi dào nhưng nếu không có giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả thì vẫn có nguy cơ cạn kiệt.

Theo các nhà chuyên môn, bởi là địa bàn khởi nguồn của hai sông lớn phía Nam là Krông Nô (thuộc chi lưu Sérepok - Mê Kông) và sông Đồng Nai nên Lâm Đồng có vị trí hết sức quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước của hai hệ thống sông có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển KT-XH của nhiều địa phương nằm trong khu vực hạ lưu.


Sông Đồng Nai là nguồn nước quan trọng không chỉ của riêng tỉnh Lâm Đồng

Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy: Tổng lượng dòng chảy nước mặt phát sinh trên toàn bộ diện tích thuộc phạm vi Lâm Đồng chiếm trên 50% tổng lượng mưa rơi trên diện tích toàn tỉnh (ví dụ, mức trung bình từ 2000 - 2009 là 12 tỷ m3); tính trung bình, một ngày đêm với 1 km2 diện tích sản sinh được 2.750 m3 nước mặt.

Trong đó, sông Đa Nhim có tổng lượng dòng chảy hàng năm lớn nhất - trung bình đạt 2,05 tỷ m3/năm; sông Đại Nga - La Ngà có tổng lượng dòng chảy trung bình năm thấp nhất, 1,28 tỷ m3/năm. Dự báo đến năm 2020, tổng trữ lượng nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và SX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 224,75 triệu m3; thêm vào đó là tổng lượng nước ước tính được sử dụng cho các công trình thủy điện cả tỉnh dự báo đến năm 2020 vào khoảng 3,02 tỷ m3. Nghiên cứu của cơ quan chức năng cho thấy, nguồn tài nguyên nước trên địa bàn Lâm Đồng hoàn toàn đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận là Lâm Đồng có một nhược điểm rất cơ bản đó là nguồn tài nguyên nước mặt được phân bổ không đồng đều cả về không gian lẫn thời gian. Cùng với đó, những tác động thuộc mặt trái từ cách công trình thủy điện và từ phát triển du lịch trên địa bàn Lâm Đồng cũng là vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá lại để có thể quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách bền vững trong tương lai.

Theo tài liệu vừa công bố của PGS.TS Hoàng Hưng (Trường Đại học Kỹ thuật TP.HCM) và thạc sỹ Phạm Thế Anh (Trường Đại học Yersin Đà Lạt), với Lâm Đồng, để xây dựng một khu du lịch thì phải chặt 25,58 ha rừng; để có một công trình thủy điện phải mất 9,16 - 15,23 ha rừng.

Một ví dụ để chứng minh: Trước đây, với hồ thủy điện Đa Nhim, nếu lượng mưa đạt khoảng 50 mm ở thượng nguồn thì phải đến 7 - 8 tiếng đồng hồ sau nước lũ mới đổ về hồ; nhưng trong vài năm gần đây, chỉ sau 4 tiếng đồng hồ là nước lũ đã đổ về hồ khi lượng mưa đầu nguồn cùng ở mức 50 mm.

Điều đáng nói nữa, hầu hết các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mục đích cung cấp nước cho thủy điện là chính, còn chức năng phòng lũ thì hầu như chưa được tính đến. Bên cạnh đó, chất lượng nước mặt trên địa bàn cũng đã đến lúc báo động. Báo cáo của Sở TN-MT Lâm Đồng cho thấy hiện chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh không cao và đã có dấu hiệu bị ô nhiễm, như tình trạng tảo lam ở hồ Xuân Hương (Đà Lạt), nạn rác thải nông nghiệp ở nhiều hồ nước trên địa bàn Đà Lạt và các địa phương khác...

Trên cơ sở đánh giá tài nguyên nước mặt, cơ quan chức năng đề xuất: Lâm Đồng khẩn trương nghiên cứu xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa "áp dụng cho mùa lũ và cả mùa khô"; tăng cường các giải pháp bảo vệ rừng đầu nguồn; đề xuất lập báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng các công trình thủy điện trên cùng một con sông; xây dựng quy hoạch thoát và hệ thống xử lý nước thải hiệu quả hơn; thực hiện nền nông nghiệp phát triển bền vững, xanh - sạch - an toàn; nghiên cứu cho các mục đích tổng hợp như hồ chứa ngoài cấp nước cho thủy điện còn cấp nước cho công nghiệp, nông nghiệp...; ứng dụng GIS vào quản lý tài nguyên nước...

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.