| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để tăng trưởng bền vững?

Thứ Sáu 23/02/2018 , 09:50 (GMT+7)

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, ngoài các yếu tố trực tiếp thì những yếu tố gián tiếp cũng tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế vì chúng cũng là bộ phận cấu thành lực lượng sản xuất...

Kinh tế thị trường và định hướng XHCN thì đâu là động lực, đâu là mục tiêu và những yếu tố nào tác động trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế nhưng dư địa không còn nhiều… là những vấn đề được Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân đề cập khá thẳng thắn trong cuộc trò chuyện với PV NNVN.

12-40-22_db-le-thnh-vn-1
ĐBQH Lê Thanh Vân

Mở đầu cuộc trò chuyện, ĐBQH Lê Thanh Vân chia sẻ niềm vui về những thành tựu của KT – XH đất nước đạt được trong năm Đinh Dậu. Ông nói, ấn tượng nhất là sau nhiều năm GDP vượt chỉ tiêu Quốc hội giao và cái lò chống tham nhũng chưa bao giờ nóng như năm nay.
 

Lắm giáo sư, tiến sỹ mà công nghệ sản xuất vẫn lạc hậu

Còn năm Mậu Tuất này thì như thế nào thưa ông, nếu nhìn nhận về mặt tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế thì đất nước cần làm những gì?

Về chính trị Việt Nam đã duy trì được sự ổn định. Đây là tiền đề quan trọng cho phát triển KT - XH. Và tôi tin, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững được thế ổn định đó. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, tất cả chúng ta mỗi người một việc cùng chung tay dựng xây đất nước.

Về kinh tế, thành tựu đạt được hơn 30 năm qua đã tạo thế và lực căn bản để đất nước có quyền đi những bước tiếp theo vững chắc hơn. Song những hạn chế, yếu kém trong thể chế kinh tế đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Vấn đề là chúng ta phải xem xét động lực thúc đẩy phát triển kinh tế lúc này là cái gì, còn không? Thế giới đang đi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cơ cấu kinh tế đã có điều chỉnh, chuyển từ lượng sang chất; quy mô từ chiều rộng sang chiều sâu. Đảng và Quốc hội cũng nhìn nhận thấy và đã thiết kế một mô hình mới. Đột phá về thể chế kinh tế được lựa chọn.

Hai là cơ cấu lại nguồn nhân lực trong từng lĩnh vực. Xem xét trên bình diện nhân lực chất lượng cao trong lãnh đạo, quản lý điều hành; các chuyên gia, nhà khoa học; những người thợ lành nghề, chuyên sâu; lao động phổ thông. Xem xét để bố trí, sắp xếp, cần thiết đào tạo lại cho phù hợp.

Ba là, đầu tư công. Trong một thời gian dài chúng ta đầu tư quá dàn trải, trong khi khả năng cân đối vốn còn hạn chế. Cho nên kết quả có tạo ra hạ tầng tốt nhưng cũng để lại những tiêu cực lớn. Điều đó buộc phải cơ cấu lại và lần đầu tiên chúng ta có một kế hoạch đầu tư công trung hạn. Vấn đề lúc này là lựa chọn lĩnh vực có sức lan tỏa, kích hoạt mạnh để đầu tư. Theo tôi thì chọn công nghệ mới, hiện đại để đầu tư.

Mô hình trồng rau sạch thủy canh công nghệ cao Đà Lạt (Ảnh: Đình Thi/Báo Người lao động)

Thưa ông, việc cơ cấu lại nền kinh tế và xác lập một mô hình tăng trưởng phù hợp đã được Đảng, Nhà nước tính toán, cân nhắc khá kỹ như đề cập trên của ông. Ở đây, chúng tôi muốn ông làm rõ xem, các yếu tố tác động đến tăng trưởng và dư địa nào là điểm huyệt cho đầu tư của Việt Nam?

Các yếu tố tác động trực tiếp bao gồm vốn, tài nguyên, nhân lực và KHCN. Nhìn vào 4 cái này thì dư địa không còn nhiều. Thẳng thắn mà nói các yếu tố tạo nên tăng trưởng là chưa bền vững. Vốn chủ yếu là vay còn thu từ ngân sách chủ yếu dành cho chi thường xuyên, trả nợ.

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, ngoài các yếu tố trực tiếp thì những yếu tố gián tiếp cũng tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế vì chúng cũng là bộ phận cấu thành lực lượng sản xuất. Đó là các yếu tố chất lượng thể chế, chất lượng giáo dục, chất lượng văn hóa.

Hai là tài nguyên. Chúng ta khai thác quá triệt để nên đã ăn đi phần vốn mà thiên nhiên ban tặng. Cả nợ công và khai thác tài nguyên là những món nợ lớn mà con cháu chúng ta sẽ phải oằn lưng gánh trả.

Ba là nguồn nhân lực. Nói nguồn nhân lực là nói đến đội ngũ tinh hoa có trách nhiệm hoạch định chính sách, dẫn dắt dân tộc đưa đất nước phát triển.

Nhưng rõ ràng cảnh báo của Đảng ta về công tác cán bộ thời gian qua cho thấy còn quá nhiều vấn đề bất cập.

Tình trạng trên nóng dưới lạnh cho thấy chất lượng đội ngũ này chưa đồng đều. Những hiệu lệnh được phát ra từ người đứng đầu Đảng, Chính phủ không phải lúc nào cũng được cộng hưởng của toàn hệ thống.

Có hàng vạn giáo sư, tiến sỹ mà sáng tạo công nghệ, phát minh khoa học, cải tiến không đáng kể. Trong khi các cải tiến dây chuyền sản xuất lại do công nhân và nông dân tạo ra.

Đội ngũ chuyên gia, thợ lành nghề cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu. Các nhà đầu tư nước ngoài vào nhận công nhân của mình đều phải đào tạo lại.

Cũng theo ông Vân, hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong quá trình hoàn chỉnh nên thường xuyên có điều chỉnh. Định hướng thì ổn định nhưng hoàn cảnh cụ thể thì thường phải thay đổi. Đôi khi phải chấp nhận trả giá về điều đó. Điều này cho thấy chất lượng thể chế chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu để tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng.

Bốn là KHCN. Chúng ta có một thời gian dài xác định đường lối CNH – HĐH nhưng chưa kết hợp nhuần nhuyễn giữa CNH – HĐH. Lo đuổi theo CNH mà một thời gian dài chúng ta dễ dàng chấp nhận những công nghệ lạc hậu tạo nên những bãi rác. Cho nên vấn đề đặt ra là CNH phải đồng thời HĐH luôn.
 

Thị trường là động lực cho phát triển

Thưa ông, qua nhiều vụ án tham nhũng tập trung ở các tập đoàn kinh tế nhà nước cho thấy vấn đề mô hình tăng trưởng đang bộc lộ nhiều bất cập. Vậy đâu là căn nguyên và giải pháp để khắc phục?

Thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển rất mới, chưa có sẵn nên vừa hình thành vừa kiến tạo. Thực tiễn không có mô hình nào là bất biến và quá trình xây dựng thì có khi phải chấp nhận trả giá.

Ở đây có hai vấn đề, giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN thì cái nào là động lực, cái nào là mục tiêu? Nhìn vào mệnh đề đấy chúng ta dễ thấy để tăng trưởng và phát triển thì chỉ kinh tế thị trường và chỉ có cạnh tranh mới là động lực cho phát triển. Vì thế kinh tế thị trường chính là động lực. Muốn tạo ra động lực mới, gia tăng nhịp độ tăng trưởng thì phải tác động mạnh vào KHCN và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Còn định hướng XHCN là mục tiêu đất nước hướng tới. Vấn đề là giữ làm sao nền kinh tế thị trường phát triển không bị chệch hướng, không chệch dây. Đấy là đảm bảo công bằng xã hội.

Cho nên, nguồn vốn đầu tư phải trọng tâm, trọng điểm; phải biết đầu tư vào công nghệ mới hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là hai yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo ra đột phá.

Muốn tăng trưởng bền vững phải biết đầu tư vào công nghệ mới hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao (Ảnh minh họa)

Bạn hỏi thất bại của các tập đoàn kinh tế nhà nước vừa qua có phải do mô hình không thì theo tôi không phải. Vấn đề căn cốt vẫn là ở con người. Con người vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua những quy trình do thể chế đặt ra, họ đã lạm dụng nó để trục lợi, biến quy trình thể chế vốn dĩ đang hoàn thiện thành phương tiện cho cá nhân, phục vụ nhóm lợi ích.

Tôi cho rằng, việc rà soát sắp xếp lại các DNNN phải tôn trọng thị trường, cái gì tư nhân làm được hãy để họ tự tin cạnh tranh và trực tiếp làm. Đi cùng với đó là hoàn thiện hành lang pháp lý để kiểm soát, giám sát.

Mặt khác, chúng ta phải biết trọng dụng nhân tài, phân loại cán bộ trên từng lĩnh vực cụ thể. Phải có cách thức nhận diện, thông qua một cơ chế trọng dụng nhân tài bằng một đạo luật như chiếu cầu hiền của Nhà nước.

Hai là tập trung nguồn vốn đầu tư cho khoa học công nghệ mà đặc biệt là ứng dụng. Cốt lõi cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 là sự kết nối của cơ sở dữ liệu thông qua internet, rồi phân tích lựa chọn những thông tin, dữ liệu hình thành các quyết định đường lối, chủ trương, giải pháp. Từ đó nó sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng.

Xin cảm ơn ông!

Đề cập đến nguồn nhân lực đất nước, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, trước đây các triều đại thịnh vì của đất nước bổ nhiệm, tiến cử người hiền tài đều kinh qua thi cử ngặt nghèo và thực chứng công tác. Các triều đại đó đâu có lắm quy trình và tầng tầng lớp lớp nấc thang như bây giờ đâu. Thế mà lúc nào cũng tìm ra được những nhân tài đích đáng, kiệt xuất cho đất nước.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đến coi trọng bằng cấp đều có thể làm cho người ta dĩ hòa vi quý, chạy phiếu và mua bằng cấp. Với cơ chế này thì không thể lựa chọn được nhân tài.

Muốn có người tài thực sự thì phải xây dựng tiêu chí cho từng lĩnh vực và được kiểm chứng bằng thực tiễn, được định lượng. Còn đánh giá bằng quy trình định tính thì tất yếu chúng ta sẽ chuốc thêm những hậu họa khôn lường.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.