| Hotline: 0983.970.780

Làm giám đốc vì... người khác

Thứ Sáu 13/08/2010 , 08:00 (GMT+7)

Cũng đã có lúc em định buông xuôi tất cả bởi nghĩ, sự tồn tại của mình chỉ thêm gánh nặng...

Văn hàng ngày miệt mài bên máy tính.
Mặc dù bị khuyết tật phải đi lại bằng xe lăn nhưng Nguyễn Đức Văn ở phố Bình Lộc, phường Tân Bình - TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đã vượt qua tất cả để trở thành giám đốc Cty TNHH MTV, chuyên cung ứng máy tính văn phòng, thiết kế website.

Từng định làm điều dại dột

"Cũng đã có lúc em định buông xuôi tất cả bởi nghĩ, sự tồn tại của mình chỉ thêm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nhưng một lần xem TV, có chương trình có nói về một chàng thanh niên bại liệt nhưng đã vượt lên trở thành một người thầy giáo giỏi; rồi sau này em được biết có nhiều người viết bằng chân, vẽ bằng... mồm, nhưng họ vẫn vươn lên trở thành người có ích. Từ đó, em nghĩ mình phải bỏ ngay ý nghĩ vẩn vở ấy ra khỏi đầu ngay. Rất may em đã không làm điều dại dột, nếu không chính em là người có lỗi với bố mẹ", Văn nói với tôi như vậy trước khi kể về những tháng ngày nghiệt ngã của mình.

Sinh năm 1983 trong một gia đình nông dân nghèo nhưng Văn rất khỏe mạnh, thông minh. Tai họa bắt đầu ập xuống khi Văn bước vào lớp 11. Văn kể: "Hôm đó trời nắng rất to, em vừa về đến nhà, không hiểu sao sờ lên người thì nóng bừng, mà trong người thì rét lạnh run cầm cập. Bố mẹ vội vàng đưa em đi bệnh viện tỉnh, thấy bệnh tình em nặng, họ giới thiệu em lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị". Sau hơn hai tháng điều trị, Văn được xuất viện nhưng đôi chân của Văn đã không thể đi lại được như xưa nữa. Trong bệnh án của Văn kết luận anh bị bệnh viêm màng não tuỷ. Trở về nhà mang theo đôi chân bại liệt, Văn không thể tự đi lại được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân giúp đỡ. Việc học hành dang dở, đôi chân quen chạy nhảy, giờ phải ngồi một chỗ khiến Văn hay nghĩ quẩn.

"Những tháng ngày nằm một mình trên giường, em mặc cảm, tự ti lắm, cứ nghĩ cuộc đời mình như vậy là đã hết. Nhưng dần dần em nghĩ, mình không thể suốt đời là gánh nặng cho gia đình được và em bắt đầu quá trình tập luyện, phấn đấu học tập, hòa nhập với cộng đồng và xã hội”, Văn tâm sự.

Hiện Văn là Trưởng nhóm thanh niên khuyết tật tỉnh Hải Dương. Mặc dù bận bịu với công việc nhưng anh vẫn dành thời gian tham gia nhóm với nhiều hoạt động, động viên, giúp đỡ nhau trong công việc. Cty của Văn tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động ở địa phương. Với những nỗ lực, cống hiến của mình, anh đã nhận được nhiều bằng khen của tỉnh, thành phố và là đại diện của tỉnh Hải Dương tham dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ 3, tổ chức tại Hà Nội.

Những ngày "ngồi thiền" trên giường, nhìn thấy các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, trong lòng Văn quặn thắt. Dù phải ngồi ở nhà nhưng ước mơ đi học chưa bao giờ vụt tắt. Sau thời gian dài tập luyện, khi hai cánh tay đã chăng chắc, đủ để lê đôi chân tê dại, Văn xin gia đình cho đi học lớp vi tính cách nhà hơn 3km. Mới đầu đi học Văn gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng càng học Văn càng đam mê, rồi "nghiện" tin học lúc nào không biết.

Trở ngại lớn nhất đối với Văn là hàng ngày anh phải vượt qua dốc Cầu Cất - một con dốc cao, dài. Vì sức yếu nên không thể tự điều khiển xe lăn nên bố mẹ Văn lại phải thay nhau đẩy xe đưa Văn đi học. Thương bố mẹ, Văn đã kiên trì tập luyện liên tục và rồi anh đã tự mình vượt được dốc Cầu Cất để đến lớp. Tự mình vượt qua được dốc Cầu Cất, Văn vui mừng như thể đôi chân của mình đã đi lại được. Chắc hẳn những người dân sống quanh khu vực này vẫn còn nhớ hình ảnh chàng thanh niên khuyết tật, hàng ngày ì ạch vượt dốc Cầu Cất để đi học. Nhưng không phải hôm nào anh cũng vượt qua được, Văn cho biết, đã có lần vì đuối sức, lên gần hết dốc thì bị trượt tay, xe lùi lại...

Làm giám đốc vì những người cùng cảnh ngộ

Vừa học xong lớp tin học, năm 2002  Văn được Dự án đào tạo nghề cho trẻ em khuyết tật tỉnh Hải Dương cho đi học tin học. Bằng niềm say mê và vốn kiến thức tin học cộng với ý chí khát khao vươn lên, Văn lao vào học và nghiên cứu về phần mềm tin học. Năm 2007 - 2008, Văn tiếp tục học lớp lập trình viên Quốc tế do Mỹ tài trợ. Sau khi học xong, Văn không về quê mà ở lại Hà Nội xin việc làm. Quá trình đi xin việc đối với Văn quả là những chuỗi ngày khó khăn. “Em đã gửi không biết bao nhiêu bộ hồ sơ xin việc nhưng đều không được. Có chỗ thì không nhận người khuyết tật, có chỗ thì cứ hẹn rồi để đấy”, Văn tâm sự. Hàng ngày, Văn nhờ một người bạn đẩy xe lăn giúp mình đi xin việc, rồi anh cũng được nhận vào làm việc cho một Cty dành cho người khuyết tật.

Nhưng do thu nhập thấp, anh xin ra làm cho một Cty tư nhân. Công việc của Văn là thiết kế website, Văn đã từng thiết kế website cho nhiều khách hàng là những Cty có tên tuổi tại Hà Nội. So với người khác, mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/ tháng là khá tươm tất nhưng với người có khát vọng và trí lớn như Văn, số tiền đó chỉ đủ trang trải cuộc sống thường nhật. Hằng đêm, Văn vắt óc suy nghĩ: “Phải làm gì để tăng thu nhập và giúp đỡ được những người cùng cảnh ngộ, chứ cứ làm thuê thế này khó thay đổi lắm".

Nắm bắt nhu cầu sử dụng máy tính ngày càng lớn, Văn đã chuyển sang kinh doanh máy tính. Nghĩ là làm, Văn về bàn với gia đình, lúc đầu ai cũng can ngăn, nhưng nhìn vào ánh mắt quyết tâm, tự tin của Văn dần dần gia đình cũng đồng ý. Ban đầu em chỉ mở cửa hàng phân phối nhỏ máy tính và thiết kế website. Sau hơn 2 năm tích cóp, nỗ lực, tháng 2/2010 Cty TNHH MTV đã được thành lập do Văn làm giám đốc với số vốn điều lệ lên tới 500 triệu đồng.

Kinh doanh, với người lành lặn đã khó, với người khuyết tật như Văn thật không dễ dàng gì. Nhưng, nhìn vào con mắt và ý chí của Văn, ai cũng tin anh sẽ thành công. Anh quyết thành công không phải cho riêng mình mà thắp lên niềm tin, hi vọng cho những người có cùng cảnh ngộ.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất