| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu từ vườn điều

Thứ Tư 08/10/2014 , 08:10 (GMT+7)

Chuyển sang làm nông chưa lâu, nhưng anh Nguyễn Văn Thắng (tổ 3, ấp Bầu Sen, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã tích lũy được vô số kinh nghiệm với cây điều. 

Phần nhờ gia đình, phần nhờ sống với điều từ bé, anh là một trong những người trồng điều năng suất cao có tiếng.

Chúng tôi có dịp gặp anh Thắng qua lời giới thiệu của các thành viên bên Hội Nông dân xã Xuân Trường. Tuy còn rất trẻ, nhưng khi bắt chuyện, anh Thắng tỏ ra rất chuyên nghiệp, am hiểu về điều, từ cây giống, sâu bệnh, cho tới thời tiết, mùa vụ.

Anh Thắng vui vẻ nói: “Trước đây tôi rất thích học và thi đậu trường ĐH Hàng hải Việt Nam. Sau đó, tôi từng làm việc với nhiều người nước ngoài, đi cả Nhật Bản, Hàn Quốc để khám phá, học hỏi”. Tuy nhiên, sau một thời gian bôn ba, anh quyết định bỏ biển về quê trồng điều.

Hỏi lý do, anh tâm sự: “Trước đây tôi chăm sóc vườn điều cùng mẹ. Nhưng kể từ hồi đi học đến giờ, chỉ còn mình mẹ tôi chăm sóc. Đất thì rộng, mẹ dạo này hay bệnh tật, thế là tôi quyết định về nhà, vừa chăm mẹ, vừa chăm điều luôn”.

Mới chỉ 34 tuổi, nhưng anh am hiểu điều rất rõ. Vào Xuân Trường từ năm 1991, hồi đó, đất nhà chỉ vỏn vẹn 6 sào, may thay người bán đã trồng sẵn cho những hàng điều cao chót vót, tươi tốt, anh biết đến loại cây này cũng từ đấy. Tích góp dần dần, đầu năm 1999, gia đình anh có gần 3 ha đất trồng điều, cây bắt đầu dày, um tùm, trái rộ khắp vườn. Nhưng cũng chính năm đó xảy ra đợt dịch sâu róm phá hoại toàn bộ diện tích điều của bà con trong xã, không một vườn điều nào sống sót. Một số cây cho trái tít trên ngọn thì may ra được mót, còn đổ xuống là chết sạch. Cũng từ đây, mọi người ý thức hơn về phương pháp phòng bệnh và cải tạo vườn điều.

Sau năm đó, anh năng nổ tham gia các hoạt động đoàn, xã, đồng thời học hỏi, đi tham quan rất nhiều các mô hình trồng điều khác nhau. Các buổi hướng dẫn kỹ thuật, anh đều nghe và tiếp thu chu đáo. Nhờ đó, chỉ sau 2 năm, anh đã phát triển gần 3 ha điều của gia đình tươi tốt, đồng thời cũng làm khoán cho hơn 4 ha điều của hàng xóm.

Để tăng thu nhập, anh Thắng còn trồng xen 6 sào tiêu trong vườn điều. Cả khu vườn phát triển tốt, dự báo cho năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, anh còn đầu tư chuồng trại, mỗi lứa nuôi 40 con heo các loại, cho thu nhập thêm hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Anh kể thật tình: “Trước đây chỉ thu được vài tạ/ha, giờ biết kỹ thuật rồi, năm nào cũng đạt trên dưới 3 tấn/ha”. Theo anh, yếu tố chính tác động tới điều là thời tiết, sau đó mới tới sâu bệnh. Cây điều sợ nhất sương muối, chủ yếu vào dịp cuối năm, tức tháng 11 - 12 dương lịch. Đây cũng là thời điểm cây ra bông, nếu gặp sương muối rất dễ rụng trái.

Để giải quyết vấn đề này, anh thường rải phân sớm, hoặc để cây cho trái trước, hoặc để cây cho ra trái muộn nhằm hạn chế thiệt hại do thời tiết. Về cách trị muỗi, bọ xít hút chất dinh dưỡng ở lá điều, anh Thắng khuyến cáo vào sáng sớm nên đốt cỏ hoặc lá cây khô, khói bốc nghi ngút, sâu hại sẽ không dám bám vào lá và sẽ bay đi.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn điều của mình, anh kể rành rọt cả tuổi đời của cây. Có những cây điều chỉ chừng 10, 15 năm tuổi. Còn có những cây lên tới hơn 30 năm tuổi, vẫn lá, quả trĩu cành, có cây cho thu tới 50 kg trái điều tươi. Anh Thắng đã gia nhập CLB điều năng suất cao, cùng với hơn 70 thành viên khác tạo ra một vùng điều có quy mô hàng trăm ha.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.