| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/01/2013 , 10:38 (GMT+7)

10:38 - 14/01/2013

Làm luật như đùa

Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, người ta đã có thể điểm danh gần mười quy định bất hợp lý thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Quy định mỗi lễ tang của cán bộ, công chức, viên chức chỉ được sử dụng tối đa 7 vòng hoa viếng và không được để ô kính trên nắp quan tài chưa kịp có hiệu lực (dự kiến ngày 1/2) đã bị “tuýt còi” vì thiếu khả thi.

Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, người ta đã có thể điểm danh gần mười quy định bất hợp lý thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu như ngành Giao thông có quy định “phải đi xe chính chủ” thì ngành Tư pháp yêu cầu “ghi tên cha mẹ vào CMND”. Gần đây nhất là yêu cầu mỗi lễ tang của cán bộ, công chức, viên chức chỉ được sử dụng tối đa 7 vòng hoa viếng và không được để ô kính trên nắp quan tài của ngành Văn hóa.

Đấy là còn chưa kể đến những quy định đã có từ lâu nhưng chưa được từng được áp dụng như “cấm đốt đồ mã”, “mỗi di tích chỉ có một hòm công đức”…

Các quy định kể trên đều được ban hành rầm rộ, gây xôn xao dư luận và những phản ứng trái chiều. Trong đó, đa phần là những ý kiến phản đối vì cho rằng các quy định này chẳng những bất hợp lý, thiếu tính khả thi không thực hiện được mà còn có dấu hiệu xâm phạm vào quyền công dân đã được thừa nhận tại Hiến pháp (như quy định ghi tên cha mẹ lên CMND và không để ô kính trên nắp quan tài).


Ảnh minh họa

Trước phản ứng gay gắt của người dân và sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí, nhiều quy định đã bị “tuýt còi” gần như ngay lập tức khi vừa mới ban hành, thậm chí trước cả thời điểm có hiệu lực. Đơn cử như Nghị định 105/2012/NĐ-CP về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức do Chính phủ ban hành đã bị yêu cầu tạm ngừng vô thời hạn hôm 10/1 vừa qua, trước khi nghị định này có hiệu lực từ 1/2 tới.

Việc các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc và sửa sai đối với những văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chưa hợp lý là điều đáng mừng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là quy trình soạn thảo, ban hành VBQPPL của ta chặt chẽ như vậy nhưng sao vẫn để lọt những quy định bi hài như trên? Tại sao nhiều quy định hài hước như thế lại liên tiếp được ban hành trong một thời gian ngắn gần đây?...

Cho dù nguyên nhân của tình trạng kể trên có là gì đi nữa thì rõ ràng là công tác xây dựng và ban hành VBQPPL của chúng ta đang có vấn đề và cần nhanh chóng khắc phục. Trong đó, có lẽ các cơ quan chức năng cần quy định rõ trách nhiệm của những người soạn thảo, phê duyệt các văn bản này để tránh tình trạng làm luật vội vã, thực thi gấp rút rồi lại cuống quít thu hồi.

Bởi lẽ, việc xây dựng luật thiếu nghiêm túc, chặt chẽ thậm chí như đùa thế này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính uy nghiêm của luật pháp và khiến người dân ngày càng coi nhẹ pháp luật hơn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm