| Hotline: 0983.970.780

Làm NTM, đâu phải chờ cấp trên!

Thứ Ba 23/04/2013 , 10:56 (GMT+7)

Không phải là một xã điểm, nhưng đến nay, xã Bình Định (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã hoàn thành được tới 16/19 tiêu chí về NTM, và khả năng hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2013 là “nằm trong lòng bàn tay”.

Không phải là một xã điểm, nhưng đến nay, xã Bình Định (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã hoàn thành được tới 16/19 tiêu chí về NTM, và khả năng hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2013 là “nằm trong lòng bàn tay”.

Chúng tôi tình cờ trú mưa bên con đường làng thôn Trần Phú (xã Bình Định), mưa khá nặng hạt nhưng vẫn thấy một tốp gần chục lao động vẫn miệt mài bên chiếc máy trộn bê tông, một số đoạn đường làng dang dở bùn đất đã xen kẽ với những đoạn láng bê tông thẳng tắp.

Quần xắn ngang đầu gối, tất bật chỉ đạo tổ nhân công đổ đường, ông Hoàng Tiến Dũng, trưởng thôn Trần Phú, rạng rỡ trên khuôn mặt giải thích với khách: “Đang làm NTM đấy chú ạ! Thôn này có 15 cụm, đổ bê tông đường liên thôn qua địa phận cụm nào thì ở cụm đó mỗi lao động phải góp 2 ngày công, cụm còn lại phải góp 1 ngày công/lao động. Mỗi ngày trưởng thôn cử ra một tổ 15 người, khoán chỉ tiêu phải đổ xong tối thiểu 60 m đường hẳn hoi, tiêu chuẩn đường phải rộng 3 m, dày 14 cm”.


Người dân xã Bình Định tự nguyện đóp góp ngày công làm đường giao thông

Trưởng thôn Hoàng Tiến Dũng khoe thêm, thôn Trần Phú cũng như đa số các thôn khác ở xã Bình Định hiện đã hoàn thành được 16 tiêu chí về NTM. Ba tiêu chí còn lại chưa đạt gồm cứng hóa kênh mương, nhà văn hóa và đường giao thông, được biết xã Bình Định cũng đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2013. Riêng tiêu chí về đường giao thông, Trần Phú hiện đang là thôn thực hiện tiên phong trong xã khi thời gian qua, thôn này đã bê tông hóa được hơn 1,5 km đường giao thông (trong đó đường liên thôn 930 m và hơn 500 m đường vào cụm dân cư), với tổng kinh phí đã thực hiện gần 800 triệu đồng.

Ông Lê Xuân Hải, Bí thư Đảng ủy xã Bình Định, đúc rút rằng, trong 19 tiêu chí về NTM, tính ra chỉ có 5-6 tiêu chí là cần nhiều tiền, trong đó ba tiêu chí gồm đường giao thông, trụ sở làm việc – nhà văn hóa và cứng hóa kênh mương là cần nhiều tiền nhất.

Ông Hải bảo, chừng ấy tiêu chí cần tiền, nếu cứ ngồi chờ cấp trên hỗ trợ kinh phí thì chẳng biết bao giờ, thế nên chủ trương của xã là cái gì làm được sẽ chủ động làm, không trông chờ cấp trên.

Là một xã làm nông nghiệp, cũng chẳng có dự án đầu tư nào của cấp trên rót vốn, Bình Định vẫn có cách riêng để có tiền triển khai những tiêu chí khó. Để làm được điều này, không phải ngày một ngày hai, mà chủ trương, ý nghĩa của phong trào xây dựng NTM đã phải “ngấm từ từ” vào người dân từ năm 2008 đến nay. Đặc biệt từ năm 2012, sau khi Đảng ủy xã “quyết” chủ trương, các thôn họp bàn với dân và đã thống nhất thành lập Qũy xây dựng NTM của xã. Theo đó, người dân đồng ý đóng quỹ mỗi khẩu 100 nghìn đồng/năm (người già, gia đình khó khăn, diện chính sách... được miễn). Năm 2012, Qũy xây dựng NTM của xã đã thu được hơn 750 triệu đồng.

Ngoài huy động đóng góp tại chỗ, Đảng ủy, UBND xã huy động thêm đóng góp bằng cách gửi hơn 600 lá thư ngỏ kêu gọi ủng hộ xây dựng NTM tới bà con trong xã làm ăn xa. Kết quả trong năm 2012, con em xa quê đã gửi ủng hộ hơn 250 triệu đồng vào Qũy xây dựng NTM của xã.

Để tạo sự minh bạch và công bằng, nguồn tiền ủng hộ của các tập thể, cá nhân ở thôn nào sẽ được bố trí cho thôn đó khi xây dựng các công trình, đồng thời thông báo tuyên dương thường xuyên trên loa phát thanh của xã. Để sử dụng vốn hiệu quả, Qũy xây dựng NTM được giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp quản lí và có tính lãi suất theo lãi suất ngân hàng. Khi xã hoặc thôn nào triển khai làm các công trình cần rút tiền, Chủ tịch UBND xã mới được ký lệnh rút vốn công khai để phân bổ cho việc xây dựng công trình ở thôn đó.

Đối với việc bê tông hóa đường giao thông cần nhiều tiền, ngoài nguồn vốn của Qũy xây dựng NTM của xã, các thôn phải họp dân để vận động thêm đóng góp cũng như ủng hộ tự nguyện của người dân trong thôn.

Cụ thể như tại thôn Trần Phú, người dân hiện đã nhất trí đóng góp 1,4 triệu đồng/khẩu để làm đường giao thông (tùy cơ chế đóng một lần hoặc đóng dần dần, miễn đóng góp đối với người già, hộ nghèo, gia đình khó khăn...). Ngoài ra, thôn Trần Phú cũng đã kêu gọi được hai nhà tài trợ là con em đi làm ăn xa ủng hộ 150 triệu đồng, cùng hàng trăm người dân khác tự nguyện đóng góp thêm với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Khi triển khai làm đường, các thôn sẽ họp dân và ra giá đấu thầu công khai về đơn giá vật liệu như xi măng, cát sỏi, xe trộn bê tông..., ai trúng thầu với giá thấp nhất sẽ được lựa chọn làm nhà cung ứng vật tư, còn công lao động do người dân tự thực hiện.

Bằng những cách nêu trên, chỉ trong năm 2012, đã có 4 thôn trong xã gồm: Trần Phú, Hòa Bình, Ái Quốc và Tân Đông triển khai bê tông hóa được gần 5 km đường làng.

Ngoài các nguồn ủng hộ và đóng góp bằng tiền và ngày công, từ năm 2010, xã Bình Định đã vận động nhân dân tiến hành xong việc dồn điền đổi thửa, hoàn thiện giao thông nội đồng, với sự tự nguyện hiến gần 20 ha đất ruộng, cùng hơn 2 tỷ đồng của người dân để làm giao thông, thủy lợi. Tính sơ bộ từ năm 2010 đến nay, toàn xã đã huy động được trên 10 tỷ đồng nhờ sự đóng góp của nhân dân để xây dựng NTM. Trong năm 2013, xã Bình Định đã lên kế hoạch hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

“Trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM, có tới 13-14 tiêu chí là không cần tiền hoặc chỉ cần rất ít tiền. Vì thế ngay từ khi có phong trào NTM, chúng tôi đã chủ trương cái gì dễ, ít tiền thì làm trước, cái gì khó, cần nhiều tiền thì làm sau. Đến nay, xã, thôn đã vận động được người dân tháo dỡ, chỉnh trang hơn 200 cổng, ngõ, gần 7.000 m bờ dậu nhếch nhác... Cùng với đó, xã cũng đã quy hoạch và dành 3,5 ha đất làm 2 bãi rác, giao HTX đảm nhiệm dịch vụ thu gom xử lí rác thải... Về an ninh trật tự, Bình Định được đánh giá là lá cờ đầu ở tỉnh, đã được Bộ Công an tặng cờ Thi đua xuất sắc dẫn đầu khối xã trong năm 2012. Về kinh tế, đến nay xã đã phối hợp liên kết đào tạo lao động, tạo được hơn 40 nghề khác nhau, giúp thu nhập bình quân đầu người vượt so với yêu cầu của tiêu chí xây dựng NTM", ông Lê Xuân Hải.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm