| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/02/2011 , 10:14 (GMT+7)

10:14 - 14/02/2011

Lạm phát & lòng tin

Ngày 11/2, NHNN đã quyết định tăng tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng lên mức 20.693 đồng/đô la Mỹ,  tăng thêm 9,3% và thu hẹp biên độ biến động tỷ giá xuống 1%. Như vậy, giá trị quy đổi của USD trong ngân hàng và thị trường tự do tiến đến mức gần ngang nhau, xấp xỉ 21 nghìn đồng/USD.

Theo lý giải của NHNN, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ mạng lại những hy vọng về ổn định cho ngoại hối và lợi thế cho XK. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đi kèm đó là những lo ngại về nhập siêu, nợ quốc gia... và nhất là nỗi lo lạm phát. Đây là mặt trái của quyết định không thể không tính đến.

Trước hết, Việt Nam là một nước NK. Doanh số NK của Việt Nam hiện chiếm đến gần 70% GDP. Điều đáng lưu ý, NK của Việt Nam chủ yếu là máy móc, nguyên nhiên liệu sản xuất và cả hàng tiêu dùng... Vì thế, tỷ giá tăng sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên, giá cả hàng hóa cũng tăng theo, đẩy lạm phát đi lên.

Thực tế của nhiều lần tăng tỷ giá trước đây, dù mức tăng thấp hơn nhiều và tỷ giá chính thức thấp hơn tỷ giá “chợ đen” thì tăng tỷ giá luôn là lý do tăng giá của các DN và góp phần làm tăng lạm phát. Dù muốn hay không, mỗi lần tăng tỷ giá thì các chuyên gia kinh tế luôn tính đến tác động tăng lạm phát. Nhất là trong điều kiện giá thế giới lại đang có xu hướng nhích lên.

Điều này là một thực tế khó tránh. Ngay sau khi có điều chỉnh tỷ giá, các DN kinh doanh xăng dầu đã có phản ứng khá bi quan khi cho biết, giá NK xăng dầu sẽ tăng lên rất mạnh. Với điều chỉnh này thì quyết định giữ giá mới đấy của Bộ Tài chính cũng khó mà tồn tại lâu vì không có một nguồn quỹ nào đủ bù đắp thua lỗ của xăng dầu. Lạm phát Việt Nam tháng 1/2011 tăng 1,74%, tháng 2 chưa công bố những đã được dự đoán khoảng 1,8% đến 2%. Điều này đã khiến cho kỳ vọng giảm lãi suất sớm trong quý I trở nên xa vời. Với việc tăng tỷ giá, lãi suất VND chưa có điều kiện giảm... hoạt động kinh doanh của DN và nền kinh tế sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn. Điều đó đặt mục tiêu ổn định vĩ mô trước những thách thức mới và đòi hỏi sự điều hành thông minh hơn mới hy vọng giữ được mục tiêu lạm phát 7% như đề ra.

Cùng với đó, than và xăng dầu mới đây cũng đã “xin” tăng giá bán theo thị trường, bởi theo lãnh đạo các “ông lớn” này, không thể giữ mãi một mặt bằng giá thấp hơn nhiều giá thế giới. Vả lại, nếu không tăng giá, DN khó tránh khỏi việc phải để Nhà nước bù lỗ…

Chưa hết, mới đây Chính phủ cũng đã cho phép tăng giá điện, bắt đầu từ 1/3. Mức tăng là bao nhiêu, cách tính thế nào, tuy chưa được tiết lộ, song điều dễ nhìn thấy được, là cùng với việc tăng giá điện – đầu vào của nhiều ngành kinh tế quan trọng và cả dân sinh – thì cộng hưởng các yếu tố tăng giá xăng, dầu, than, tăng tỷ giá… sẽ hình thành một mặt bằng giá mới, cao hơn nhiều so với hiện tại. Và áp lực cho việc bình ổn kinh tế vĩ mô lại bị đẩy lên cao hơn.

Theo các chuyên gia, lúc này vấn đề tâm lý, niềm tin trở thành một nhân tố quyết định đến việc hình thành giá cả hàng hóa và mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ. Vì vậy rất cần có những lý giải minh bạch về bước đi vừa rồi để nhằm “cứu vãn” và “củng cố” niềm tin của người dân, DN và người tiêu dùng.

Và khi đó, người dân, DN sẽ cảm thông và chấp nhận khó khăn, hợp lực cùng Chính phủ vượt bão. Minh bạch thông tin là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để giữ lòng tin.

Bình luận mới nhất