| Hotline: 0983.970.780

Làm rõ ai tham nhũng rồi giàu lên từ đất

Thứ Tư 19/09/2012 , 09:54 (GMT+7)

Tại buổi họp sáng 18-9, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

* Xử lý người ra các quyết định sai dẫn đến khiếu nại, tố cáo và tính toán việc bồi thường cho dân.

Tại buổi họp sáng 18-9, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

>> Tập trung giải quyết khiếu nại về đất đai
>> Tình hình khiếu nại, tố cáo: 70% số vụ ''dính'' đến đất

Sai nhiều thế thì quá nguy hiểm

Theo báo cáo giám sát, từ 2003 đến 2010, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,2 triệu đơn thư KNTC, trong đó gần 70% liên quan đến đất đai, tập trung vào các vấn đề như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... “Riêng đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết, tỉ lệ KNTC đúng và KNTC có đúng, có sai chiếm 47,8%. Đồng thời, tỉ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại TAND các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay.

Nhìn nhận về con số trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện lo lắng: “Như vậy tỉ lệ dân KNTC, khiếu kiện đúng chiếm đến hơn 67%. Có lẽ chưa có vấn đề nào mà quản lý nhà nước sai nhiều như lĩnh vực đất đai. Điều này rất là nguy hiểm”.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện phát biểu ý kiến.

Vị Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (nguyên là chánh án TAND Tối cao) cũng tỏ ra ngạc nhiên khi chưa bao giờ thấy các ông chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh ra tòa mà toàn cử các đơn vị tham mưu đi hộ. Trong khi chính những người đó mới là người trực tiếp ký ban hành quyết định hành chính bị khiếu kiện. “Nói thật, trong giải quyết các vấn đề về đất đai, có anh thích thì giải quyết, không thích thì thôi. Có quen thân, đặt vấn đề gì đó thì giải quyết không thì thôi, kệ dân vác đơn đi khiếu nại lên cấp cao hơn” - ông Hiện phản ánh. Ông Hiện cũng đề nghị đoàn giám sát phải làm rõ thêm là trong những năm qua có bao nhiêu trường hợp tham nhũng rồi giàu lên từ đất đai.

Phải xử lý người ra quyết định sai

Báo cáo giám sát cũng cho hay trong 10 năm qua đã thu hồi 16.820 ha đất; thu hồi, hủy quyết định giao đất 135 ha; kiến nghị truy thu, thu hồi gần 180 tỉ đồng; xử phạt hành chính gần 3,4 tỉ đồng; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 11 vụ việc… Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng những con số này không tương xứng với tình hình thực tế. “Bức xúc như vậy mà báo cáo của chúng ta cứ bình bình như thế là không được” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đồng tình.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng báo cáo giám sát chưa làm rõ các quyết định hành chính sai dẫn đến KNTC tập trung ở đâu, cấp nào, khâu nào. “Nếu sai thì phải làm rõ cấp trung ương sai nhiều hay cấp tỉnh, cấp huyện sai nhiều. Rồi sai như thế thì trách nhiệm của những người ra quyết định đó ra sao cũng phải làm rõ” - ông góp ý.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị phải tìm địa chỉ xem ai là những người ra các quyết định sai để xử lý. “Chính quyền ra quyết định sai với dân thì phải bồi thường, đồng thời phải xử lý cán bộ. Thanh tra biết sai nhưng bao che vẫn kết luận đúng thì cũng phải kiến nghị xử lý. Rồi dân khiếu kiện ra tòa nhưng tòa không xử, hoặc tòa xử sai thì sao, cũng phải làm rõ ra” - ông Hùng nói.

Sao mãi không điều tra ra?

Tôi đề nghị làm rõ những khuất tất trong việc ra văn bản và giải quyết các vụ việc KNTC trong lĩnh vực đất đai. Trong các quyết định hành chính bị dân KNTC, có phần không nhỏ liên quan đến tiêu cực, tham nhũng đất đai. Điều này dẫn đến tình trạng cấp dưới thì đùn đẩy không giải quyết, cấp trên thì bao che cho cấp dưới. Cộng vào đó là sự nể nang, thế là KNTC cứ thế kéo dài. Như trong vụ Tiên Lãng (Hải Phòng), người ta mang cả máy xúc to đến ủi nhà dân giữa ban ngày. Thế mà hàng tuần sau cơ quan điều tra vẫn không điều tra được ai là thủ phạm phá nhà dân. Trái lại, một vụ cướp tiệm vàng phức tạp mà chỉ có mấy tiếng hoặc vài ngày sau là điều tra phát hiện ra ngay. Vì sao lại có hiện tượng này?

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh NGUYỄN KIM KHOA

Chia lợi ích phát sinh cho người mất đất

Ở một số nước khi bồi thường đất, ngoài giá bồi thường theo quy định thì người ta còn tính đến cả việc chia lợi ích phát sinh của dự án cho những người đã mất đất. Cụ thể, người ta tính toán lợi ích phát sinh trong dự án đó nhà đầu tư được bao nhiêu, nhà nước được bao nhiêu, người dân có đất được bao nhiêu. Cách giải quyết như thế mới là hợp lý. Chúng ta cần phải xem xét để có thể sửa đổi bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai vấn đề trên. Chứ cứ bồi thường 1 mđất không mua được bát phở thì không hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp NGUYỄN VĂN HIỆN

Theo THÀNH VĂN (Phapluattp)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.