| Hotline: 0983.970.780

Làm rõ trách nhiệm cán bộ quản lý

Thứ Năm 08/11/2012 , 09:36 (GMT+7)

Có 39/47 đại biểu được phát biểu, bày tỏ muốn làm rõ trách nhiệm sai phạm của cán bộ quản lý đất đai đang gây nhiều bức xúc cho nhân dân.

Đại biểu Quốc hội (đoàn Thái Nguyên) Trương Thị Huệ phát biểu ý kiến

Không ngạc nhiên khi Quốc hội (QH) giành trọn cả ngày 7/11 để thảo luận tại hội trường về khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai - một vấn đề đang được coi là nhạy cảm nhất. Có 39/47 đại biểu (ĐB) được phát biểu, bày tỏ muốn làm rõ trách nhiệm sai phạm của cán bộ quản lý đất đai đang gây nhiều bức xúc cho nhân dân.

Dân khiếu nại, tố cáo có cơ sở

Báo cáo của Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, từ năm 2003-2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý trên 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó lĩnh vực đất đai chiếm 70%. Số liệu tổng hợp của nhiều địa phương cho thấy tỷ lệ các quyết định hành chính về đất đai bị khiếu nại, tố cáo chiếm khoảng 3% so với tổng số quyết định ban hành trong lĩnh vực này.

Trong số quyết định bị khiếu nại, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và có đúng, có sai chiếm 47,8%. Có địa phương tỷ lệ này rất cao (lên tới gần 70%). Trong số các vụ được đưa ra xét xử tại tòa án, tỷ lệ người kiện đúng và đúng một phần chiếm cũng xấp xỉ 20%. “Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót".

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh bổ sung: Từ tháng 6-10/2012, Thanh tra Chính phủ thành lập 28 tổ công tác làm việc ở 53 tỉnh, thành phố, có 9 tỉnh báo cáo năm 2011 không còn tồn đọng khiếu kiện kéo dài. Trong tổng số 528 vụ việc tồn đọng kéo dài được rà soát thì 422 là vụ việc có liên quan đến đất đai, trong đó bồi thường, giải quyết chiếm 51%; 42 vụ liên quan đến nhà ở, 50 vụ việc khác. Có vụ kéo dài trên 30 năm, nhiều vụ 20 năm và đã trải qua nhiều cấp giải quyết hành chính.

Là những người đầu tiên bấm nút phát biểu, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) và ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cùng xoáy sâu vào con số thống kê 47,8% người dân khiếu nại tố cáo có cơ sở. ĐB Tiếp cho rằng, điều đó chứng tỏ việc giải quyết còn nhiều thiếu sót dễ dẫn tới hậu quả, làm suy giảm, mất lòng tin của người dân. Nguyên nhân bởi có quá nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về đất đai. Trong các văn bản hướng dẫn có sự chồng chéo mâu thuẫn và thường xuyên thay đổi, từ đó việc áp dụng thực hiện gặp khó khăn, dễ xảy ra sai sót.

Đặc biệt, có tình trạng cán bộ không thực hiện đối thoại đối với người dân bị thu hồi đất mà chỉ căn cứ vào hồ sơ của cơ quan chuyên môn trình rồi ban hành quyết định. Khi công dân khiếu nại lên cấp trên, tiến hành đối thoại thì phát hiện các chứng cứ trong hồ sơ là không đúng nên phải ban hành hủy quyết định lần đầu.

Tiếp theo, việc thực hiện các dự án theo hai cơ chế, cơ chế thứ nhất là hội đồng bồi hoàn tiến hành kê biên áp giá bồi hoàn đồng thời doanh nghiệp tiến hành thỏa thuận với người có đất thu hồi. Số thỏa thuận không được thì tiến hành cưỡng chế áp dụng rất nhiều giá để thỏa thuận và bồi hoàn, kể cả khi cưỡng chế thì áp dụng giá thấp hơn giá thỏa thuận đã bàn giữa doanh nghiệp với người dân từ đó phát sinh tranh chấp khiếu nại. Chưa kể cùng một vùng đất, cùng một khu quy hoạch thì các dự án thỏa thuận giá khác nhau cũng dẫn tới việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thứ ba, đối với các dự án, công trình giao thông, công trình văn hóa, công trình công ích, qua giám sát cho thấy nguyên nhân dẫn tới khiếu nại là do cán bộ của hội đồng bồi hoàn kiểm kê áp giá áp dụng các quy định pháp luật có sai sót dẫn tới khiếu nại và khiếu nại đông người.

Cũng theo ĐB Huỳnh Văn Tiếp, các dự án thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng vừa qua không có chỗ để tái định cư cho dân hay việc các cấp chính quyền vai trò chuyên môn vừa qua chưa làm tốt, công tác xác minh tham mưu giúp chính quyền trong việc xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân hoặc cơ quan tham mưu giải quyết chưa đúng pháp luật dẫn tới người dân khiếu nại.

Phải hài hòa mục đích

“Cần làm thế nào để hài hòa các mục đích của nhà nước, của người sử dụng đất và của người có đất bị thu hồi?” - nhiều ĐB tiếp tục đặt câu hỏi.

Để trả lời câu hỏi trên, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ định ngay Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời. Trước Hội trường, ông Quang nói rằng, ông nhận thức sâu sắc những ý kiến đóng góp trên của các ĐB có liên quan đến khiếu kiện về đất đai bởi về khách quan, đất đai có tính lịch sử trải qua nhiều biến động lớn nên có nhiều chủ sử dụng. Còn về chủ quan, có hơn 20 văn bản, luật có liên quan đến đất đai (khoảng 200-300 văn bản) nên gây khó khăn trong việc sử dụng.

Song, quan trọng và cơ bản nhất là quá trình tổ chức thực hiện có vấn đề, cán bộ thực thi trình độ có hạn. Thêm vào đó là sự am hiểu của người dân về đất cũng còn hạn chế, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lợi dụng, kích động. Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003, đồng thời đề nghị QH xem xét, Luật Đất đai sửa rồi nhưng luật khác có liên quan đến nó có sửa cùng không?

Bổ sung kiến nghị, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nêu: Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nên quy định cơ chế thu hồi đất do cơ quan nhà nước thực hiện, bỏ hình thức chủ dự án tự thỏa thuận với dân. Giá thu hồi đất của nhà nước theo giá thị trường có sự quản lý của nhà nước. QH nên có Nghị quyết đề cập đến những tồn tại, nguyên nhân và đưa ra giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vụ án phức tạp. Có như vậy mới có thể giảm dần số vụ khiếu kiện mà cơ quan bảo đúng, dân bảo sai, là nguyên nhân khiến người dân phải vượt cấp, kiện ra tòa.

“Hiến kế” của ĐB Hà Công Long (Gia Lai) cũng được nhiều ĐB quan tâm. Đó là phải làm rõ được 3 điều: Tại sao để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, là vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến an ninh của xã hội? Phòng tiếp dân đã xử lý được bao nhiêu đoàn để đáp ứng lòng dân? Còn bao nhiêu quy hoạch treo cần xử lý để trả đất về cho dân?

 “Tôi cũng biết giám sát giải quyết mọi vụ việc có liên quan đến đất đai là đúng hay sai không hề đơn giản. Niềm tin là vậy nhưng để đến được chân lý thì không hề dễ” - ĐB Long ví von.

 Đồng tình với nhận định này, đến từ tỉnh Quảng Trị, ĐB Ly Kiều Vân cho rằng, nguyên nhân cơ bản nhất bởi chính sách đang có vấn đề, chưa có cơ chế đền bù hợp lý. Người dân chịu sao nổi khi giá trị miếng đất mà họ đang sử dụng bị trả thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Thêm vào đó, có một bộ phận công chức cố ý làm sai lệnh hồ sơ, sai lệch trong luật tố tụng.

Theo ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) thì nhiều chính sách liên quan đến đất đai thiếu tính khả thi, chồng chéo trong thực hiện. Quy định bồi thường, tái định cư không rõ ràng, nhiều sơ hở dẫn đến trách nhiệm đùn đẩy, gây bức xúc trong người dân tăng lên, việc nhỏ biến thành việc lớn. Cơ quan chức năng cần phải cùng vào cuộc, sớm chỉnh sửa nhằm hạn chế tình trạng khiếu kiện của người dân trong thời gian tới.

Đó cũng là mong muốn của các ĐB Phạm Hồng Giang (Hậu Giang), ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa)…

+ KHIẾU KIỆN VỀ ĐẤT ĐAI VẪN RẤT PHỨC TẠP

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, tính chất, quy mô khiếu kiện về đất đai ngày càng tăng và phức tạp. Đa phần đơn thư đều xuất phát từ việc người dân không đồng tình với các quyết định của chính quyền.

Nguyên nhân do hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên cả nước đã triển khai nhiều dự án lớn, nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp và quá trình đô thị hóa, mở rộng, chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, chỉnh trang phát triển đô thị… liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư đã làm phát sinh những vướng mắc, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp.

 Ông Giàu cũng chỉ ra nhiều kẽ hở pháp luật có trong chính sách đền bù, quyết định giao, cho thuê đất chưa minh bạch, thiếu dân chủ, giá đất đền bù chưa hợp lý. Ví dụ như tại TP.HCM, giá đất do UBND tỉnh quy định mới chỉ bằng khoảng từ 40% đến 70% giá đất chuyển nhượng trên thực tế.

Thêm vào đó là sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. Cũng theo Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH, trong 8 năm (2003 – 2011) đã phát hiện và xử lý trả lại cho công dân 1.850 tỷ đồng, hơn 4.800 ha đất; khôi phục quyền lợi cho hơn 6.900 công dân.

 

 

+ Các đại biểu nói gì?

 

ĐB Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa): "Người dân có 3 cái mất do thu hồi đất là: giá trị kinh tế; nơi ở mới không bằng chỗ cũ; văn hóa truyền thống, mồ mả ông cha bị mất (đây là mất nhiều nhất). Chỉ khi nào giải quyết, tìm được tiếng nói chung của ba đối tượng là Nhà nước - doanh nghiệp và người dân, trong đó doanh nghiệp chiếm vai trò quan trọng thì mới hạn chế được những cái mất trên của người dân".

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): "Phải kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Xử lý nghiêm cá nhân, cơ quan ban hành trái pháp luật, biết sai không sửa, thậm chí “trên bảo dưới không nghe". Kết quả xử lý văn bản trái pháp luật phải được công bố, công khai đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tùy theo mức độ, tính chất và tình hình thực tế, cơ quan ban hành quyết định hành chính về đất đai có biện pháp khắc phục hậu quả một cách hữu hiệu nhất. Phải làm rõ ai sẽ là người được hưởng lợi từ việc xử sai, cưỡng chế thu hồi đất sai phạm này".

ĐB Trương Minh Hoàng (Đồng Nai): "Nếu cán bộ nhận đơn khiếu nại của người dân có thái độ thờ ơ thì phải được sớm phát hiện, loại bỏ khỏi vị trí đang làm".

ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa): "Do tính chất phức tạp của lĩnh vực đất đai, Luật Đất đai (bổ sung) cần phải lấy ý kiến toàn dân, hợp lòng dân. Phải xử lý nghiêm khắc những người không hiểu Luật Đất đai nhưng vẫn đứng ra giải quyết".

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Bình luận mới nhất