| Hotline: 0983.970.780

Làm sao dạy bảo em chồng?

Thứ Ba 25/08/2015 , 14:13 (GMT+7)

Về làm dâu, tuy may mắn không gặp bà mẹ chồng nanh nọc, nhưng không ít người lại “đụng đầu” cô em chồng xấu tính. Phải làm sao đây ? Hãy nghe “người trong cuộc” chia sẻ kinh nghiệm.

Chị Bích, kế toán một công ty kể, Hà Châu, em chồng của chị dù đã lấy chồng, có nhà riêng, nhưng vẫn thích “ké” nhà mẹ ruột. Cũng bởi nhà Châu gần nhà bố mẹ đẻ. Hơn thế, chồng Châu làm xây dựng, thường xuyên vắng nhà dăm ba tháng mới về nên cô luôn túc trực ở nhà bố mẹ đẻ. Thời buổi kinh tế khó khăn. Việc Châu ăn vài bữa không sao. Nhưng là khách “thường trú”, ngày nào cũng có mặt đầy đủ vào 2 bữa cơm thì làm sao chị Bích “cáng đáng” nổi?

Thế là chị nói với Châu, nếu có ý định ăn luôn ở đây thì chị sẽ sẵn sàng nấu. Nhưng cũng nên góp ít tiền để công bằng. Lập tức, Châu đáp ngay: “Tất nhiên rồi! Em sẽ gởi tiền!”. Nhưng rồi, sau đó chị không thấy Châu sang ăn nữa. Tuy vậy, cô ấy chuyển sang lén lút, vụng trộm. Đợi khi chị Bích đi vắng, Châu lấy cớ sang thăm bố mẹ rồi tranh thủ lục lọi tủ lạnh. Có thứ gì ngon là “rinh” về nhà mình. Biết thủ phạm là là Châu mà chị Bích đành chịu vì nếu có nói ra, chẳng những cô ấy chối đây đẩy mà mẹ chồng còn hùa vào mắng xối xả là “đổ điêu”, “ăn không nói có”, “keo kiệt”… Thôi thì, để cho yên cửa yên nhà, chị Bích đành im lặng.

Tuy vậy, đến tháng thứ 3 thì chị Bích không thể kham nổi vì tình trạng “thiếu hụt ngân sách” trầm trọng. Chị nói thật với chồng về chuyện Châu. Thương và thông cảm với vợ, anh đồng ý với chị phương án đối phó: “Xin bố mẹ chồng cho ăn riêng với lý do Bích bị đau dạy dày, phải kiêng khem đủ thứ!”.

Từ khi thấy mẹ đẻ vào bếp lo chuyện ăn uống, Châu lại thỏai mái xách miệng sang ăn nhờ. Được hơn chục bữa, đến lượt mẹ chồng chị Bích phải kêu lên: “Này! Con phải góp tiền ăn vào đây chứ cứ bám vào lương hưu của bố mẹ mãi mà không biết xấu hổ à?”. “Mình nghe thế, thấy thật hả lòng hả dạ!”. Chị Bích kết luận.


Ảnh minh họa (nguồn: internet)
 

Câu chuyện thứ 2 là của chị Mỹ, nhân viên ngân hàng. Học xong đại học, vợ chồng chị có việc làm rồi định cư luôn ở thành phố, chỉ ngày lễ tết mới về quê thăm gia đình anh. Vì thế, chị Mỹ không hề lo ngại cô em chồng tên Trà.

Song, đến khi Trà thi đỗ đại học, lên nhà anh chị ở cùng thì chị Mỹ mới thấy gánh nặng của em chồng. Vốn được cưng chiều từ nhỏ nên Trà chẳng bao giờ phải động tay động chân vào việc gì. Lên ở với anh chị, “hành trang” cô mang theo là tính “ lười biếng”. Sáng nào cũng vậy, mặc kệ chị dâu một mình tất bật với hàng đống công việc phải làm cho xong trước khi đi làm như đi chợ, nấu điểm tâm, đút cho con ăn sáng…

Trà cứ ngủ thoải mái đến sát giờ lên lớp mới lồm cồm bò dậy. Vệ sinh cá nhân xong, cô ngồi vào bàn ăn vội ăn vàng bữa sáng rồi xách túi đi học, để mặc chén bát trên bàn cho chị dâu “giải quyết”. Lúc nào trống tiết hay nghỉ học, Trà lang thang dạo phố, cà phê cà pháo với bạn bè… Chiều tối dù có về nhà sớm, cô cũng ung dung ngồi trong phòng bấm điện thoại, chát chít trên máy tính hay ra phòng khách nằm ườn trên lông xem ti vi, như một người khách trọ thật sự. Sau khi tất bật đón con, vừa về đến nhà, chị Mỹ phải lăn lưng làm cả núi việc: tắm rửa cho con, giặt dũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn…Bận rộn là vậy trong khi cô em chồng thảnh thơi ngồi đợi cơm, chị Mỹ rất bực mình. Nhưng ngại va chạm ồn ào nên lúc đầu, chị cố gắng chịu đựng.

Tuy vậy, chị Mỹ cũng biết là không thể kéo dài tình trạng này nên quyết định phải dạy bảo cô em chồng, với mục đích như chị bàn với chồng: “Để sau này nó còn làm dâu nữa !”.

Chị nói với Trà, buổi sáng dậy sớm để “giúp chị một tay”. Cô em chồng xua tay: “Phải thức khuya học nên em không dậy sớm đâu!”. Chị Mỹ lại nói: “Vậy thì buổi tối vào bếp với chị nhé !”. Trà vẫn lắc đầu: “Em bận lắm! Phải học bài, làm bài tập! Nếu chị thấy vất vả quá thì từ giờ em không ăn ở nhà là được chứ gì !”. Chị Mỹ đồng ý: “Tùy em!”.

Song, buổi sáng dậy trễ, sợ muộn học nên Trà không kịp ra ngoài ăn, đành nhịn đói đến trường. Cơm bụi Trà cũng chỉ ăn được một tuần là ngán đến tận cổ. Cô bèn thủ thỉ với chị dâu “ báo cơm ở nhà”. Chị Mỹ đồng ý với điều kiện: “Muốn ăn thì lăn vào bếp”. Thế là từ hôm đó, Trà bắt đầu học cách nấu cơm, nhặt rau, làm cá, xắt thịt… Khi rảnh rỗi, Trà được chị Mỹ “ nhờ” quét nhà, rửa chén bát, giặt và phơi quần áo… Hai chị em vừa làm vừa tám, vừa tâm sự với nhau đủ thứ chuyện. Chị Mỹ đỡ vất vả mà quan hệ giữa chị dâu em chồng cũng cải thiện rõ rệt.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?