| Hotline: 0983.970.780

Làm sao nâng cao năng suất và chữ đường cho mía Tây Nguyên?

Thứ Sáu 27/09/2013 , 10:33 (GMT+7)

Hằng năm, vào dịp nông nhàn, Cty CP Phân bón Bình Điền lại tổ chức đưa nông dân làm mía giỏi đi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm SX kết hợp tham quan, du lịch tại nhiều vùng, miền trong và ngoài nước.

Hằng năm, vào dịp nông nhàn, Cty CP Phân bón Bình Điền lại tổ chức đưa nông dân làm mía giỏi đi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm SX kết hợp tham quan, du lịch tại nhiều vùng, miền trong và ngoài nước.

Năm nay, Bình Điền đưa 50 nông dân miền Trung - Tây Nguyên đi giao lưu tại đồng bằng sông Cửu Long và tham quan du lịch tại đất nước Chùa Tháp.

Đáng học tập…

Căn nhà của nông dân Nguyễn Văn Nhị ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang “chật cứng” khách. Tất tật con cháu trong nhà được ông Nhị huy động ra tiếp đoàn nông dân trồng mía đến từ miền Trung và cao nguyên. Một số khách nôn nóng ra coi liền vườn mía hơn 1 ha của ông Nhị trồng kế bên nhà.

Khách “nhào vô” ruộng, vạch lá mía, gõ thân cây mía, coi sâu đục thân… rồi “phán” rôm rả. Số khác sà vào, ngồi chật trên bộ vạt lớn và ghế nhựa xếp kín căn phòng khách rộng. Cứ như đã quen biết nhau từ trước, khách thi nhau hỏi chủ nhà về mía.

Có người mang giấy viết ra tính toán, rồi gật gù: “Mía làm hằng năm không lưu gốc, nước tưới quanh năm không thiếu, đầu tư nhiều, bẹ mía luôn được bóc sạch nên vườn mía thông thoáng, ít sâu đục thân, cây mía cứng, sáng, cả năng suất và chữ đường đều cao”.

Với năng suất 200 tấn mía cây/ha, chữ đường trên 9, giá bán 900 đồng/kg như hiện nay, người trồng mía thu gần 200 triệu đồng/ha. Trừ hết các chi phí khoảng 100 triệu đồng, còn thu lời từ 80 đến 100 triệu. “Chà, vậy có vài héc là sống phè rồi”, lão nông Phùng Bá Dũng ở Gia Lai xuýt xoa.

Phụng Hiệp có CLB 200 với trên 100 hội viên. Điều kiện vào hội là phải có tối thiểu 7.000 m2 đất chuyên trồng mía và phải đạt năng suất 200 tấn mía cây/ha/năm với chữ đường từ 9 trở lên. Hội đồng xét công nhận hội viên gồm thành viên nhà máy đường, lãnh đạo địa phương và ban quản lý CLB. Vào CLB hội viên thường xuyên được nhà máy tập huấn kỹ thuật, được hỗ trợ giống, phân bón không tính lãi, được bao tiêu 100% sản phẩm.

Hằng năm được xét khen thưởng, được nhận học bổng cho con cháu theo học các trường. Nhà máy còn tặng một số cổ phần cho CLB làm quỹ hoạt động. Tới đây sẽ nâng lên thành CLB 20 tấn đường", ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó TGĐ Cty Mía đường Cần Thơ nói.

Cái khó có bó cái khôn?

Ở miền Trung - Tây Nguyên đất rộng, nhưng không phải vùng nào cũng tốt. Thời tiết lại rất khắc nghiệt, vào mùa khô có khi suốt 3 tháng trời không có được một giọt nước mưa. Cây mía cứ phải oằn mình mà chịu đựng qua suốt một năm trời. Người trồng mía có vùng phải đầu tư lớn mà năng suất và chữ đường thu được không cao.

Ông Lô Văn Bốn ở xã An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên cho biết: “Đất trồng mía toàn đá không à, 70% phải cuốc lỗ bỏ hom giống, chỉ có 30% làm được bằng máy cày, vì vậy phải lưu gốc từ 4 - 6 năm, chớ không thể bỏ gốc hằng năm như ở Hậu Giang. Mỗi ha tối đa cũng chỉ thu được 50 tấn mía cây.

Nếu bán với giá 800 đồng/kg thì được 40 triệu đồng mà chi phí cho 1 ha không dưới 30 triệu. Số tiền trên 10 triệu đồng gọi là lãi đó thực ra chỉ đủ trả cho “công nhà” mà thôi.”

Ông Phạm Phú ở xã Ninh Xiêm, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa thừa nhận: “Người trồng mía không phải lo đầu ra như lúa hoặc các cây trồng khác vì đã có nhà máy đường bao tiêu hết, nhưng làm dưới 10 ha/1 hộ thì cũng chỉ đủ sống, còn nếu chỉ có dưới 1 ha/hộ thì cuộc sống sẽ rất chật vật. Nói thật lấy công làm lời thì được, chớ làm mía theo kiểu kinh doanh hàng hóa như Hậu Giang là hơi khó đấy”.

Lão nông Trần Văn Bàn ở xã Sơn Duyên, huyện Sơn Hòa, Phú Yên tâm đắc: "Cái đặc sắc ở đây là người ta có CLB 200. Cái này hay lắm, mình phải học".

Ông Nguyễn Văn Phòng, cán bộ Phòng Nông vụ, Cty CP đường Kon Tum gật gù: “Đợt nầy về, trên mình cũng phải học mô hình này. Trước mắt có thể đặt ra cái khung là CLB 100. 100 tấn/ha cũng là cao lắm với đồng đất trên mình rồi và hạn mức phải từ 5 ha mía trở lên”.

Bình Điền tiếp tục góp thêm một tay

Những bộ sản phẩm phân bón chuyên dùng cho mía của Cty Bình Điền từ nhiều năm nay đã được nông dân trồng mía trong cả nước, trong đó có các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tin dùng. Ông Đặng Ngọc Anh ở xã Eapo, huyện Ku Zup, Đăk Nông trồng hơn 100 ha mía nói: “Hồi nào tới giờ tôi “xài” Đầu trâu chuyên dùng cho mía không à. Bón phân Đầu trâu lá mía không xanh đậm như bón một số loại phân bón khác, nhưng lá mía cứng, cây chắc, ít bị sâu bệnh, cho năng suất và chữ đường cao”.

Kỹ sư Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng vùng miền Trung, Cty Bình Điền, phân tích: “Nhờ năng suất nên người trồng mía Hậu Giang bán với giá 800 đồng/kg mía tươi thì họ đã có lãi kha khá rồi, trong khi ở miền Trung ta phải 900 đồng/kg mới cơ bản đủ chi phí. Vì vậy bằng mọi cách phải tăng năng suất, phải từ 70 tấn mía cây/ha trở lên, mới có lãi. Tăng năng suất phải đồng thời với tăng chữ đường, chứ cứ ném ure nhiều vào, cây mía tốt um, nặng cân mà chữ đường giảm thì lại hỏng”.

“Dự kiến cuối năm 2013 này Bình Điền sẽ cho ra dòng sản phẩm một hạt tan chậm, thích hợp bón cho cây mía ở những vùng đất ít mưa của miền Trung - Tây Nguyên”, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, thành viên Hội đồng Khoa học, Cty Bình Điền, chuyên gia về cây mía cho biết như vậy.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất