| Hotline: 0983.970.780

Lâm tặc… giữ rừng

Thứ Ba 10/01/2012 , 14:47 (GMT+7)

Từ khi thực hiện chính sách giao đất rừng về cho cộng đồng dân cư quản lý, những lâm tặc là người dân địa phương “khét tiếng” một thời ở Thừa Thiên-Huế giờ quay trở lại trả nợ rừng xanh...

Những người bảo vệ rừng xanh
Từ khi thực hiện chính sách giao đất rừng về cho cộng đồng dân cư quản lý, những lâm tặc là người dân địa phương “khét tiếng” một thời ở Thừa Thiên-Huế giờ quay trở lại trả nợ rừng xanh, xây dựng cuộc sống ngay trên mảnh đất rừng năm xưa mình đã tàn phá…

Từng là “điểm nóng”

Thôn Thủy Yên Thượng (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc), là địa bàn nằm xa Quốc lộ 1A, khá biệt lập với bên ngoài nên từ những năm sau ngày giải phóng đến trước năm 2000, đây là một trong những điểm nóng phá rừng của tỉnh TT-Huế. Trở lại Thủy Yên Thượng hôm nay, có thể nghe người dân nhắc đến ký ức “phá rừng” cuồng dại của mình qua những lâm tặc khét tiếng một thời.

Gặp chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Hiệp vốn là một trong những lâm tặc ở Thủy Yên Thượng nhớ lại: “Cuộc sống khó khăn nên bà con cứ lên rừng mạnh ai khai thác thứ nấy. Cứ hết mùa đồng áng, hàng trăm hộ gia đình lại vác rựa, cưa, dây thừng kéo lên rừng đốn cây làm nhà, dùng trâu bò vận chuyển gỗ mang bán”. Đất ruộng ít, cuộc sống người dân bấp bênh, nên nhiều gia đình nguồn thu chính là từ rừng.

Cứ chặt năm này qua năm khác, lúc đầu cây to hai ba người ôm, người dân Thủy Yên Thượng đốn lấy gỗ bán đã đành, cây nhỏ cũng “vặt trụi”, khiến rừng ngày một lùi xa. Vào thời đó, những lâm tặc khét tiếng có thể nhắc đến như các ông Trần Văn Mua (nay là Trưởng thôn, Đội trưởng đội bảo vệ rừng Thủy Yên Thượng), Nguyễn Văn Tập, Huỳnh Ngọc Hiệp… Trong gia đình của họ, không chỉ một thành viên mà có khi cả nhà đều sống dựa vào nghề khai thác gỗ rừng, đặt bẫy săn thú mưu sinh.

 Những năm mới định cư lập nghiệp, nhu cầu cần gỗ để xây dựng nhà cửa rất lớn, nên bà con ở Thủy Yên Thượng mua sắm trâu, bò, không phải để kéo cày mà dùng để vận chuyển gỗ. Những con đường làng vốn bình yên bị cày nát bởi vết gỗ xe, dấu chân trâu bò. Như gia đình “lâm tặc” Huỳnh Ngọc Hiệp, Nguyễn Văn Tập, trong nhà có đến 2-3 con trâu. Chặt gỗ làm nhà xong lại lên rừng đốn, dùng trâu kéo về xuôi mang bán.

“Tiếng tăm” phá rừng với những lâm tặc khét tiếng ở Thủy Yên Thượng vang xa, gây bao phen đau đầu cho các cơ quan chức năng. Đến nỗi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế phải bàn phương án, đưa cán bộ kiểm lâm về ăn ở cùng người dân, lắng nghe nguyện vọng của họ nhằm tìm ra biện pháp chống phá rừng.

Khoán… trách nhiệm

Năm 2000, Chi cục Kiểm lâm TT-Huế đã mạnh dạn tham mưu cho UBND tỉnh ý tưởng biến người dân địa phương - những lâm tặc thành người giữ rừng, tai mắt của rừng. Theo đó, hơn 400 ha rừng tự nhiên ở khu vực Thủy Yên Thượng được giao lại cho cộng đồng dân cư quản lý và hưởng lợi. Ông Trần Văn Mua - Trưởng thôn kiêm Đội trưởng đội bảo vệ rừng cho biết: “Hồi năm 2000, được tỉnh giao khoán rừng mình cũng lo lắm, lo không hoàn thành nhiệm vụ, lo vì nhận thức của người dân xưa nay chỉ biết phá rừng, sống dựa vào rừng. Vả lại, đây là một quyết định táo bạo, bởi vào thời điểm đó, mô hình này chưa được áp dụng không chỉ trên địa bàn tỉnh TT-Huế mà trên cả nước".

Ông Mua nói thêm: "Nhưng cũng có mặt thuận lợi bởi cái hay của quyết định này là “khoán” trách nhiệm vào cộng đồng dân cư, mọi người cùng bảo vệ rừng, cùng hưởng lợi. Từ đó, những người dân lên rừng chăm sóc cây, làm cỏ như chính trong vườn nhà mình”.

Sau khi nhận quyết định giao khoán rừng của UBND tỉnh trong thời gian 50 năm, 90% người dân ở Thủy Yên Thượng đã ngồi lại bàn thảo, đưa ra “hương ước bảo vệ rừng” với những quy định nghiêm ngặt. Lễ “đóng cửa rừng” cũng được thôn đứng ra thực hiện với hình thức trang nghiêm. Từ những người “ăn của rừng”, người dân Thủy Yên Thượng đã trở thành những “gia chủ” đứng ra chăm sóc, bảo vệ từng gốc cây, con thú.

Cứ vài ngày, Đội bảo vệ rừng do Trưởng thôn Trần Văn Mua đứng đầu cùng những thành viên, kiểm lâm viên huyện Phú Lộc và cán bộ BQL Khu bảo tồn rừng phòng hộ Bắc Hải Vân đi kiểm tra một lần. Từ tuyến đường nông thôn Thủy Yên Thượng, họ phải băng hơn 5km đường rừng để thực hiện tuần tra. Ông Trần Văn Mua cho biết, nhiều lúc anh em làm việc rất vất vả, những tai nạn, rắn rết cắn trên đường đi tuần cũng nhiều lần vấp phải. Kinh phí thì anh em cứ ứng trước, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Từ mô hình Thủy Yên Thượng, vừa qua UBND tỉnh TT-Huế đã có quyết định chuyển giao toàn bộ gần 241.000 ha rừng và đất lâm nghiệp do UBND các địa phương trên địa bàn đang quản lý cho các cộng đồng, hộ gia đình bảo vệ, chăm sóc và hưởng lợi. Thời hạn giao rừng và đất lâm nghiệp là 50 năm, chính sách hưởng lợi căn cứ vào lượng tăng trưởng của rừng.

Đổi lại, bà con cũng được hưởng lợi từ những nguồn lâm sản phụ, nên đời sống cũng được cải thiện phần nào. Hiệu quả từ sự chung tay, góp sức bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư đã thấy rõ, trong hơn 11 năm qua, rừng được giao khoán tại các tiểu khu 1156 và 1174 chưa từng xảy ra một vụ phá rừng nào, sinh khối rừng tăng trưởng tốt.

Sau 4 năm “đóng cửa rừng”, những giọt mồ hôi bảo vệ rừng của người dân Thủy Yên Thượng đã được đền đáp xứng đáng. Năm 2004, địa phương lần đầu tiên được UBND tỉnh TT-Huế cho phép được “tạm ứng” khai thác 50% sản lượng gỗ từ quy chế hưởng lợi trong quản lý và bảo vệ rừng của 3 năm, tương ứng với gần 100 m3 gỗ tròn.

“Số gỗ này được khai thác đúng quy trình với sự giám sát nghiêm ngặt của cán bộ kiểm lâm. Sau bao năm “ăn ngủ” với rừng, lần đầu tiên người dân Thủy Yên Thượng được hưởng nguồn lợi từ rừng một cách chính đáng. Nhận số gỗ về làm nhà, chưa bao giờ người dân địa phương phấn khởi đến thế” – ông Trần Văn Mua nhớ lại.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.