| Hotline: 0983.970.780

Làm thầy hay làm thợ?

Chủ Nhật 11/03/2018 , 09:30 (GMT+7)

Không thể nói là con hát mẹ khen hay nhưng công bằng nhận xét thì Kim Ngọc khi còn bé đã là cô bé thông minh, đặc biệt là giỏi toán, tôi không thể giúp con được nhiều, vì tôi vốn là nhà thơ, toán học thì lơ mơ.

Chồng tôi là PGS-TS giảng dạy ở khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng có nhiều năm đi làm chuyên gia giáo dục ở nước bạn xa nhà, thế nên sự phấn đấu trong học tập ở trường và ở nhà đều do Kim Ngọc tự vươn lên.

08-17-31_42018
Hạnh phúc của mối tình Việt - Nhật

Năm ấy mẹ con tôi tìm trường thi khối A và thống nhất chọn trường Ngoại thương và trường Đại học Thủy lợi. Kim Ngọc đỗ cả 2 trường với số điểm cao. Gia đình định hướng cho Kim Ngọc vào khoa Kinh tế trường Đại học Ngoại thương. Nhiều người bảo tôi sao không định hướng cho con vào trường Đại học Sư phạm sau này ra làm cô giáo. Không phải ngẫu nhiên lại có câu hỏi ấy, bởi truyền thống của gia đình chồng tôi, xuất phát từ nông dân nghèo, hiếu học ở quê lúa Thái Bình, có 2 thế hệ làm thầy, đếm ra có tới 5 người dạy đại học (trong đó có 3 PGS, 2 tiến sĩ), còn giáo viên cấp 1 và cấp 2 có tới mười mấy người.

Ấy vậy mà tôi khuyên con gái không theo nghiệp gia đình làm cô giáo, bởi xã hội bây giờ đang thừa thầy thiếu thợ, mà tư vấn cho con theo học ngành kinh tế…

Khoa Kinh tế đối ngoại khi đó sinh viên được chọn ngoại ngữ hoặc là tiếng Anh, hoặc tiếng Nhật. Bấy giờ, Kim Ngọc hỏi tôi: “Theo mẹ con nên chọn ngoại ngữ nào?”. Tôi với với con: “Thời điểm này quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang được chú trọng, Nhật Bản có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam, trong tương lai quan hệ 2 nước sẽ phát triển mạnh. Nếu con học tiếng Nhật sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Nếu học tiếng Anh thì đã có rất nhiều người học từ trước và rất giỏi, mình học sau không phải là thế mạnh của mình”.

Thế là Kim Ngọc chọn ngoại ngữ là tiếng Nhật. Nhóm bạn của Kim Ngọc toàn những sinh viên xuất sắc, rủ nhau học thêm thầy A-ki-ba (thầy giáo người Nhật Bản) nên ngôn ngữ tiếng Nhật tiến bộ rất nhanh. Ra trường Kim Ngọc nói với tôi: “Con muốn làm cho công ty Nhật Bản để có thêm thời gian học tập và rèn luyện tiếng Nhật”. Vợ chồng tôi đồng ý với đề xuất của con.

Đi làm được hơn một năm, Kim Ngọc lại đề xuất: “Con muốn thi để có học bổng sang Nhật Bản, học bổng tự do tìm rất khó, con muốn tìm học bổng của Chính phủ, vì thế con sẽ thi công chức”.

Vợ chồng tôi băn khoăn nói với con: “Từ bỏ mức lương làm cho công ty Nhật Bản rất cao để trở thành công chức lương chỉ có hơn 2 triệu đồng/tháng, nếu con không cố học thi được học bổng, thì việc con trở thành công chức Nhà nước sẽ là thất bại”.

Tuy băn khoăn vậy nhưng vợ chồng tôi vẫn khích lệ cho con thi công chức, bởi cuộc thi này cạnh tranh sòng phẳng và Kim Ngọc đã đỗ công chức của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, bằng chính năng lực của mình. Cháu làm ở đây được 2 năm.

Mỗi năm Chính phủ Nhật chỉ có 20-30 suất du học. Sau một năm thi và trải qua 4-5 vòng loại, sau đó dự phỏng vấn, hồ sơ của Kim Ngọc đã đủ tiêu chuẩn du học theo học bổng MEXT.

Tháng 4/2009, vợ chồng tôi tiễn con sang đất nước “Mặt trời mọc” do được sự chấp thuận của Trường Đại học Hitotsubashi (trường kinh tế nổi tiếng của Nhật Bản). Tháng 4/2010, Kim Ngọc đã trúng tuyển là 1 trong số học sinh nước ngoài của khóa học và là sinh viên duy nhất của Việt Nam học khóa học này.

08-17-31_nh-vo-chong-kim-ngoc-v-eiji
Kim Ngọc, Nobuhisa và cháu Eiji về Việt Nam đón tết 2018, đi cổ vũ cho U23 Việt Nam chiến thắng

Năm 2012, nhận bằng thạc sĩ của Trường Hitotsubashi, lúc này Kim Ngọc lại đứng trước sự lựa chọn, tiếp tục học lên để có học vị tiến sĩ, hay dừng lại để ra làm việc cho các công ty và tính chuyện xây dựng gia đình?

Trong thư gửi về cho gia đình Kim Ngọc chia sẻ: “Nếu con tiếp tục học lên có trình độ tiến sĩ thì cơ hội xin việc sẽ hạn chế, chỉ có thể làm cán bộ giảng dạy ở các trường đại học hoặc viện nghiên cứu, khả năng xin việc ở lĩnh vực này rất khó, còn dừng lại để đi làm, thì ở Nhật Bản đa phần các công ty không cần trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nghiên cứu, mà cần các nhân viên, người lao động giỏi nghiệp vụ, tay nghề cao. Ở Nhật Bản cũng đang cần các sinh viên người nước ngoài giỏi ngoại ngữ, để làm cầu nối cho sự phát tiển toàn cầu của các doanh nghiệp. Con nghĩ mình nên dừng lại chọn theo hướng này”.

Một lần nữa gia đình tôi ủng hộ chính kiến của con. Kim Ngọc đã vượt qua các kì thi tuyển dụng và trở thành nhân viên của công ty có quan hệ xuất nhập khẩu với Việt Nam. Ổn định công việc trên đất nước “Mặt trời mọc” cũng là cơ hội và nhân duyên tìm đến với Kim Ngọc. Con gái tôi kết hôn đúng ngày 30/4/2015 với Nobuhisa - chàng trai Nhật Bản thuộc dòng họ Koguchi, lễ kết hôn được tổ chức tại Hà Nội.

Mối tình Việt - Nhật giữa Kim Ngọc và Nobuhisa đã đơm hoa kết trái, tháng 4/2017 cháu ngoại của chúng tôi - cháu Eiji đã chào đời tại Tokyo, giữa mùa hoa anh đào trên đất nước “Mặt trời mọc”.

Mùa xuân Mậu Tuất 2018 là cái tết đoàn viên sum họp đáng ghi nhớ của gia đình tôi với sự hiện diện của các con, các cháu ở Việt Nam, trong đó có chàng rể Nobuhisa và cháu Eiji, từ xứ sở hoa anh đào về thăm ông bà ngoại.

(Kiến thức gia đình số 10)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất